Đây chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước. Dư địa và động lực phát triển chính là ở đây.
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế bước vào giai đoạn “đổi chiều”
Kết thúc năm 2018, việc nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP 7,08%, trong điều kiện ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng âm (-0,1%) cho thấy sự tăng trưởng kinh tế không còn dựa một phần vào công nghiệp khai khoáng (than đá, dầu khí…) như nhiều năm trước đây.
TS. Trần Du Lịch
Thay vào đó, khu vực dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là một trong những chỉ báo rất có ý nghĩa về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm khai thác tài nguyên thô, tăng công nghiệp chế biến chế tạo. Nếu năm 2015, công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP thì con số này năm 2018 tăng lên 2,2 điểm phần trăm.
Nhìn lại 3 năm 2016 - 2018, việc tốc độ tăng GDP theo chiều đi lên với các con số lần lượt là 6,2%; 6,8% và 7% trong điều kiện tập trung vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế không chỉ có ý nghĩa về kết quả tăng trưởng, mà quan trọng hơn là nền kinh tế có dấu hiệu đổi chiều: Từ tăng trưởng chậm dần sang tăng trưởng cao dần, chấm dứt giai đoạn 15 năm tăng trưởng chậm dần.
Thật vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần qua từng kế hoạch 5 năm từ giai đoạn 2001 - 2005 (bình quân 7,33%/năm); 2006 - 2010 (bình quân 6,32%/năm và 2011 - 2015 (bình quân 5,96%/năm) và tiếp tục suy giảm khi bước vào kế hoạch 2016 - 2020 (năm 2016 và quý I/2017). Từ quý II/2017 bắt đầu đổi chiều với tốc độ tăng trưởng cao và tiếp tục tạo đà cho sự trưởng cao và ổn định trong những năm tới.
Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng cao trong năm 2018 khó duy trì trong năm 2019 như: Tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến, giá trị sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, tăng xuất khẩu, sức mua thị trường nội địa, du lịch, thị trường bất động sản…, nhất là những điểm nghẽn về thể chế như đầu tư công, BT, BOT… chưa được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong năm 2019. Một yếu tố cần quan tâm là đầu tư công giảm dần, nên tác động lan tỏa như những năm trước cũng giảm dần.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm tới, bài toán vĩ mô của kinh tế Việt Nam vẫn là chất lượng tăng trưởng gắn với đổi mới thể chế. Với diễn biến phức tạp của kinh tế và thương mại toàn cầu, trong năm 2019, Quốc hội chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,6 - 6,8%. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, trong 2 năm 2019 - 2020, có nhiều triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,9%/năm và bình quân cả 5 năm 2016 - 2020 tăng 6,75%/năm (so với mục tiêu kế hoạch bình quân 6,5 - 7%/năm).
Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2018 và cả 3 năm 2016 - 2018 là rất quan trọng để chuẩn bị tiền đề cho giai đoạn sau năm 2020, nhưng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững còn tùy thuộc ở quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế cho sự vận hành thông suốt của thị trường và hiệu quả quản trị của nền hành chính công, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Dư địa của nền kinh tế nằm ở thể chế kinh tế
Cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính đã được đặt ra từ nhiều thập niên qua, nhưng đến nay, sự bất cập trong quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội ở nhiều lĩnh vực vẫn tồn tại và tính phức tạp diễn biến cùng chiều với sự tăng trưởng kinh tế; phát triển thị trường và hội nhập quốc tế.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm của một “chính phủ hành động”: Từ năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 tiếp tục lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đạt mức trung bình ASEAN-4 trên 10 chỉ tiêu; ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị định 38/2018 và 39/2018 về triển khai Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hàng loạt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ mang tính chất thông điệp về chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Nhưng, con đường từ Nghị quyết của Chính phủ đến đời sống thực tiễn còn khá dài với nhiều khó khăn…
Hiến pháp năm 2013 đã chế định quyền tự do kinh doanh với sự thay đổi nhận thức từ nguyên tắc: “chọn cho” sang nguyên tắc“ chọn bỏ” với Điều 33 Hiến pháp: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” và để cụ thể hóa Hiến pháp, khoản 1, Điều 5 của Luật Đầu tư quy định: “Nhà đầu tư được quyền thực hiện đầu tư kinh doanh trong những ngành nghề mà Luật này không cấm”, cũng như tại Điều 6 cũng quy định các ngành nghề cấm kinh doanh.
Tuy nhiên, do chưa thay đổi về nhận thức về chức năng quản lý nhà nước, do thói quen của bộ máy hành chính còn quan liêu và nhất là lợi ích cục bộ…, nên con đường đưa Hiến pháp, luật của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ vào cuộc sống còn nhiều gian nan.
Quyền tự do kinh doanh của người dân trong nhiều trường hợp còn bị hạn chế do lạm dụng “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” theo Điều 7, Luật Đầu tư. Trên thực tế, để cắt giảm 5.719 loại giấy phép kinh doanh có điều kiện theo bộ ngành quản lý để thực sự còn khoảng 1/3 không hề đơn giản.
Để xây dựng một nhà nước kiến tạo, cần phải chuyển nền hành chính đang mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ.
Tuy nhiên, tư duy bao cấp trách nhiệm của Nhà nước trong các quan hệ dân sự đang để lại dấu ấn trong hệ thống pháp luật có liên quan. Cách quản lý này vừa không phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường, vừa làm cho bộ máy quản lý hành chính Nhà nước ngày càng “phình to” nhưng bất cập.
Vấn đề đặt ra là nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả.
Thậm chí, tính mâu thuẫn và phức tạp sẽ ngày càng tăng thêm. Điển hình nhất là hàng chục đạo luật về kinh tế vừa được ban hành tại nhiệm kỳ trước thì nhiệm kỳ sau phải sửa vì mâu thuẫn, xung đột khi thực thi.
Trong những năm qua, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải thiện chất lượng công vụ của bộ máy hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Điều này đang mang lại niềm tin và kỳ vọng đối với một chính phủ hành động và trên thực tế bước đầu đã mang lại những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, để các nghị quyết của Chính phủ nhanh chóng thành hiện thực, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu, cần phải cải cách đồng bộ cả 3 bộ phận: Thể chế hành chính, bộ máy và con người.
Hoàn thiện thể chế kinh tế không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp, mà phải đặt nó trong một nội hàm rộng hơn, bao gồm cả hệ thống quản trị quốc gia, với 3 trụ cột: Thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công. Mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống. Đây là yêu cầu rất bức xúc đang đặt ra, khi mà chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, trước hết cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường.
Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia, không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời. Thu hẹp lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng.
Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tùy thuộc vào ba nhân tố: Kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước. Dư địa và động lực phát triển chính là ở đây.
Chính những nội dung trên là dư địa lớn nhất để nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và bền vững, không riêng ngành hay lĩnh vực nào.