Nhiều thách thức
Liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế năm 2019 mà Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét phê duyệt, bên cạnh những ý kiến lạc quan là những cái nhìn thận trọng.
“Chỉ tiêu GDP của năm 2019 dự kiến từ 6,6%- 6,8%, tôi cho là khả thi, bởi chúng ta đang có động lực, lợi thế và nhiều cơ hội…”, Đại biểu Quốc hội Lại Xuân Môn – Cao Bằng lạc quan.
Tuy nhiên bên cạnh cái nhìn lạc quan, là những ý kiến mang tính thận trọng.
“Chính phủ lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Tuy giai đoạn 2016-2018, nền kinh tế tăng trưởng khả quan với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn...”, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu góc nhìn tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng nay (27/10) về kết quả phát triển kinh tế năm 2018, kế hoạch năm 2019.
Ông Lộc phân tích, nền kinh tế của Việt Nam hiện có độ mở cao và rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài.
"Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ tiếp tục leo thang, thì liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%/năm cho 2 năm tới? Liệu các dòng vốn đầu tư nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam? Trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là các động lực chính của tăng trưởng…"
“Nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ trong giai đoạn 2019-2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm. Trong bối cảnh đó, các xu hướng về xuất khẩu và đầu tư trong thời gian tới sẽ khó khả quan và thuận lợi như trong 3 năm qua...”, ông Lộc dự báo.
Cùng góc nhìn trên, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, Việt Nam với vị trí địa lý đặc biệt và phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ, Trung, nên cuộc chiến thương mại giữa hai nước này dễ khiến Việt Nam chịu sự rủi ro về thương mại, tiền tệ và dòng vốn.
Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng Việt Nam có thể nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế - có thể trở thành "vịnh tránh bão" trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực.
Một thách thức nữa đối với duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới, theo ông Đồng là các gói chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế về tài khoá và tiền tệ đều còn rất ít dư địa.
Chính sách tài khoá phải tiếp tục khắc phục, siết chặt, chỉ còn trông vào vốn giải ngân đầu tư công. Chính sách tiền tệ chạy theo mục tiêu ưu tiên là giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, nên rất khó nới lỏng, rất khó làm công cụ kích thích kinh tế trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với các cú sốc từ bên ngoài.
Tìm đâu động lực tăng trưởng?
Ông Đồng cho rằng động lực cho tăng trưởng kinh tế tới đây phải trông vào các chính sách, giải pháp tác động từ phía tổng cung là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cần ưu tiên chính sách mới để thu hút đầu tư nước ngoài; cân đối nguồn lực để hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong nước; quyết liệt tái cơ cấu kinh tế... Cần thực hiện đa dạng hoá thị trường, đa phương hoá đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung, Mỹ...
Việt Nam có thể nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế - có thể trở thành "vịnh tránh bão" trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực.
- Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)
Ở góc độ của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý Chính phủ cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cần khắc phục tình trạng hệ số ICOR vẫn còn cao. Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6%, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Năng suất lao động tăng do sự đóng góp của tăng cường độ vốn. Cụ thể, tốc độ gia tăng thâm dụng vốn (được đo bằng số vốn bình quân/lao động) tăng từ 5,9% năm 2016 lên 6,3% năm 2017. Đóng góp của khoa học và công nghệ đối với cải thiện năng suất còn hạn chế.
Sức cạnh tranh của nền kinh tế về tổng thể được cải thiện, nhưng một số lĩnh vực thành phần chậm chuyển biến, thậm chí suy giảm so với bình quân chung của khu vực.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của WEF, hai trụ cột liên quan đến khoa học và công nghệ là Mức độ sẵn sàng công nghệ (trụ cột thứ 9) và Đổi mới sáng tạo (trụ cột thứ 11) của Việt Nam có thứ hạng tương đối thấp (lần lượt là 79 và 71).