Việt Nam đối mặt với áp lực lạm phát lớn trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ tại Mỹ và châu Âu, trước áp lực lạm phát, một số nước châu Á cũng bắt đầu thắt chặt các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và nâng lãi suất để. Vì vậy, việc Việt Nam tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế đặt ra nhiều câu hỏi.
Không còn dư địa để giảm lãi suất huy động Không còn dư địa để giảm lãi suất huy động

Việc tiếp tục hạ lãi suất huy động là không khả thi

Chia sẻ về câu chuyện lãi suất tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” ngày 30/11 do Báo Đầu tư tổ chức, bà Bùi Thuý Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, trong năm 2020, NHNN đã có 3 lần điều chỉnh mức lãi suất điều hành.

Sang năm 2021, NHNN tiếp tục ổn định các mức lãi suất điều hành và mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục có xu hướng giảm, so với năm 2020 đã giảm từ 0,5 - 0,7%, cộng với mức giảm khá lớn của năm 2020 là 1%. So với các nước trong khu vực, NHNN cũng đã có những điều chỉnh mạnh về lãi suất trong năm ngoái.

“Với bối cảnh của năm 2021, việc tiếp tục hạ lãi suất huy động trong thời gian tới là không khả thi. Điều này có thể gây ra những xáo trộng lớn cho nguồn vốn của các tổ chức tín dụng và ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống. Chính vì vậy, NHNN đã làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để nắm bắt tình hình, khả năng tiếp tục giảm lãi suất. Trên cơ sở đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm các chi phí để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đễ hõ trợ nền kinh tế. Sắp tới, NHNN cũng sẽ theo sát và có những chỉ đạo về lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng”, bà Hằng nói.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ lãi suất thị trường hiện nay đã ở mức khá thấp và việc quan ngại của NHNN liên quan đến an toàn hệ thống, việc điều hành lãi suất trong thời gian tới cũng cần đảm bảo cân đối hài hoà giữa việc vừa điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả, nhưng đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các chương trình về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tất cả mục tiêu đều dựa trên nguyên tắc đảm bảo kinh tế vĩ mô, bên cạnh dó cần rút ra bài học kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 - 2010.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đã sử dụng tương đối nhiều dư địa của chính sách tiền tệ và đã đến ngưỡng cần cân nhắc đến sự an toàn của hệ thống tín dụng.

"Tổng nợ xấu của các ngân hàng hiện tại đã có thể lên tới 7%. Nếu tiếp tục gây sức ép lên hệ thống ngân hàng để hỗ trợ kinh tế thì tiềm năng phát triển trung và dài hạn của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng”, ông Cường cho biết và lưu ý thêm, ADB khuyến nghị, trong gói kích thích phát triển kinh tế sắp tới, chính sách tài khoá vẫn cần là trụ cột chính.

Theo ông Cường, chính sách tài khoá cần đóng vai trò lớn hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ để tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế. Thậm chí, Việt Nam cần chấp nhận tăng nợ công và bội chi trong ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cần có biện pháp thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Áp lực lạm phát lớn trong năm 2022

Về vấn đề rủi ro lạm phát, bà Bùi Thuý Hằng cho biết, NHNN dự kiến lạm phát trong năm 2022 sẽ đối mặt với áp lực lớn, bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, độ mở của nền kinh tế lớn, có nguy cơ dẫn đến lạm phát nhập khẩu. Thứ hai, các quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Thứ ba, giá dầu và một số giá cả hàng hoá cơ bản có rủi ro tiếp tục tăng.

Ảnh tác giả

Tổng nợ xấu của các ngân hàng hiện tại đã có thể lên tới 7%. Nếu tiếp tục gây sức ép lên hệ thống ngân hàng để hỗ trợ kinh tế thì tiềm năng phát triển trung và dài hạn của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng

TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB

“Các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm tới khoảng 3,5 - 4%, rủi ro lạm phát vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hoá thế giới. IMF và các tổ chức quốc tế khác cũng đã có những cảnh báo đối với Việt Nam về rủi ro lạm phát nhập khẩu gia tăng, vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ cũng cần phải có những kịch bản cần thiết theo hướng thắt chặt trong điều kiện cần phải kiểm soát lạm phát”, bà Hằng nói.

Đánh giá về ảnh hưởng của xu hướng siết chặt chính sách tài khóa của Mỹ và các nước châu Âu trong bối cảnh lạm phát leo thang, theo TS. Nguyễn Minh Cường, động thái này sẽ có tác động trực tiếp tới dòng chảy tài chính.

“Vào năm 2013, Fed từng có động thái siết chính sách tài khoá bất ngờ, gây sự xáo trộn mạnh trên thị trường tài chính, tác động mạnh mẽ lên dòng chảy vốn. Tuy nhiên, lần này, có nhiều lý do để dự đoán, động thái siết chặt tiền tệ của Fed cũng như các nước châu Âu sẽ khác hơn”, ông Cường dự đoán.

Theo đó, yếu tố đầu tiên là công khai minh bạch hơn với lộ trình siết được tiết lộ chi tiết. Tiếp đó, lãi suất sẽ được tăng theo từng giai đoạn, không đột ngột như năm 2013. Nền tảng kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế châu Á hiện tại cũng đã khác nhiều khi dự trữ ngoại hối tương đối mạnh, thặng dư thương mại ổn định và đồng tiền khá bền vững. Bởi lẽ đó, động thái siết chính sách tiền tệ của các nước phương Tây sẽ có tác động đến các nền kinh tế châu Á, tuy nhiên sẽ không mạnh như thời điểm 2008 hay 2013.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục