Năm mới đã đến. Vào thời điểm này, ông muốn nói gì về kinh tế Việt Nam?
Tôi đặc biệt ấn tượng với những thành quả của kinh tế Việt Nam năm 2018, đặc biệt là sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi muốn gọi đây là thành tựu lớn, không dễ đạt được trong bối cảnh quốc tế phức tạp, trong nước cũng khá nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Đặc biệt, Việt Nam tận dụng tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tốt hơn những gì chúng tôi dự tính.
Nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều phức tạp, cả trong nước và nước ngoài, nên những việc phải làm còn nhiều.
Hai việc tôi muốn nhắc tới là tiếp tục các kế hoạch tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu và duy trì tốc độ cải cách trong một số lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh đó là theo dõi sát xu hướng toàn cầu để có các giải pháp phù hợp. Nếu thực hiện hiệu quả các công việc này, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2019, thậm chí cao hơn.
Tuy vậy, tăng trưởng bao nhiêu không nên là mối quan tâm duy nhất, mà quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng. Đây là thời điểm Việt Nam phải nói về chất lượng tăng trưởng, vì có thể lựa chọn thu hút FDI, có định hướng thu hút đầu tư vào khoa học - công nghệ cao, đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao…
Vậy cơ hội và việc tận dụng cơ hội thì sao, thưa ông?
Chúng ta đang sống trong thế giới 3 chiều: toàn cầu hóa, công nghệ đột phá và thời đại số. Ba chiều này xoay quanh bối cảnh toàn cầu bất định, dễ tổn thương, phức tạp và khó lường. Nền kinh tế nào kịp thời thay đổi sẽ tồn tại và phát triển. Sự chuyển đổi của Việt Nam trong môi trường quốc tế rất thú vị và ấn tượng, đang và sẽ tạo nên những thành tựu cho nền kinh tế.
Tôi hay nhận được câu hỏi, nền kinh tế Việt Nam cần làm gì để tận dụng các cơ hội của năm 2019, cụ thể là cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Hiện không phải là lúc hỏi cần làm gì, vì mọi kế hoạch đều đã được gạch đầu dòng. Vấn đề cần đặt ra là làm thế nào, năng lực thực hiện các kế hoạch đó ra sao.
Tôi luôn nói rằng, chúng tôi chỉ là hành khách hoặc cùng lắm là lái phụ trên con tàu phát triển Việt Nam. Chính phủ và người dân Việt Nam là người điều khiển đoàn tàu. Cho dù chúng tôi cam kết là đối tác tin cậy, chiến lược trong phát triển của Việt Nam, thì sự lãnh đạo, điều hành đất nước của Chính phủ và chính người dân Việt Nam mới là quan trọng. Việt Nam đã thành công trong nhiều việc, đó là thành quả của quá trình làm việc không ngừng.
Có một điều, người dân Việt Nam ghi nhận những thành tựu của đất nước, nhưng cảm giác chưa được thỏa mãn. Thực tế, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, như cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thể chế, môi trường kinh doanh... còn chậm.
Câu hỏi là chúng ta có thể làm tốt hơn không? Câu trả lời là có. Có thể làm nhanh hơn không? Có! Nhưng quá trình phát triển nhiều khi không phải con đường thẳng, có chỗ khúc khuỷu, nhiều việc khó giải quyết nhanh chóng. Con đường cải cách ở Việt Nam cũng vậy, có thể chưa đi nhanh, nhưng đã rõ ràng về tầm nhìn, mục tiêu và con đường phải đi. Đó là điều quan trọng nhất.
Dù vậy, Việt Nam chưa thể đạt được mức cải thiện rõ nét hơn về môi trường kinh doanh trong đánh giá của WB trong năm qua?
Có nhiều tiêu chí nếu Việt Nam làm được sẽ có thứ hạng cao hơn, đặc biệt ở những tiêu chí mà Việt Nam có điểm thấp như pháp luật về phá sản, bảo vệ nhà đầu tư. Có nghĩa là, khả năng Việt Nam cải thiện thứ hạng phụ thuộc vào hành động cải cách của Chính phủ.
Cuối tháng 12 vừa rồi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã mời nhóm Doing Business từ Mỹ sang trình bày về việc các nước đang làm gì và làm thế nào để cải thiện thủ tục kinh doanh, môi trường kinh doanh.
Tương tự, mới đây, WB đã ký với Văn phòng Chính phủ Dự án về tăng cường Chính phủ điện tử...
Tôi tin rằng, Chính phủ Việt Nam đang lắng nghe và có nhiều nỗ lực thay đổi. Hơn thế, sự thay đổi, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ không chỉ so với các nước ASEAN, mà còn so với các nước trong CPTPP.
Nhắc tới CPTPP, nhiều nghiên cứu cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế sẽ được hưởng lợi lớn. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Việt Nam đang đứng nhóm cuối trong CPTPP. Có thể coi đây là thách thức, song tôi nhìn thấy nhiều cơ hội hơn.
Việt Nam đi sau, có thể nhìn cách các nước đã làm để học học hỏi, để tìm cách đi tắt trong thực hiện những cải cách tương tự, từ đó có thể bứt phá. Cạnh tranh luôn là động lực tạo ra thay đổi tích cực. Quan trọng hơn, thách thức của người đứng cuối còn là việc phải phấn đấu để không tụt hạng.
Tôi muốn nhắc tới trường hợp của Morocco. Năm 2018, nước này ở thứ hạng 69/190 (đứng dưới Việt Nam). Sau đó, nước này đã sang Việt Nam tìm hiểu cách cải thiện thứ hạng trên Bảng xếp hạng Doing Business và thứ hạng của họ đã lên mức 60/190 trong bảng xếp hạng năm 2019 (cao hơn Việt Nam).
Việt Nam muốn chơi trong sân chơi CPTPP, thì phải hiểu những yêu cầu, đòi hỏi của sân chơi này để không bị tụt hạng, thậm chí là thăng tiến lên những nấc thang cao hơn. Ví dụ, nếu Việt Nam giải quyết thủ tục phá sản, hay những vấn đề liên quan tới cải cách doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước theo những chuẩn mực quốc tế, thì tôi tin, Việt Nam sẽ thành công.