Lựa chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019: Phụ thuộc chính vào chất lượng cải cách

Đang có sự khác biệt giữa các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm tới của các tổ chức trong nước và nước ngoài, nhưng điểm chung vẫn là Việt Nam đang nắm quyền chủ động trong quyết định tốc độ tăng trưởng của chính mình.
Với việc áp dụng công nghệ mới, chuyển dịch cây trồng trên vùng đất lúa…, dư địa tăng trưởng trong nông nghiệp còn rất lớn. Ảnh: Đức Thanh Với việc áp dụng công nghệ mới, chuyển dịch cây trồng trên vùng đất lúa…, dư địa tăng trưởng trong nông nghiệp còn rất lớn. Ảnh: Đức Thanh

Kinh tế 2019 tăng trưởng bao nhiêu?

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,6%, giảm so với mức 6,8% của năm 2018 mà WB tin là sẽ đạt được. Chỉ sau đó 1 ngày, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra kịch bản thấp nhất là 6,84% và kịch bản cao là 7,02%.

Lý giải về mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhắc đến sự giảm tốc của tăng trưởng toàn cầu do căng thẳng thương mại đang diễn ra và rủi ro tài chính tăng cao. “Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, nên dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài”, ông Sebastian Eckardt nói.

Thực tế trên đều được nhắc đến trong các dự báo cho Việt Nam những năm tới, nhất là khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. 

Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, song song với cải thiện hiệu suất đầu tư công

ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam

NCIF cũng đưa ra những nhận định tương tự. Thậm chí, những tác động từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tới nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là không phải đều tạo ra những con số cộng vào tăng trưởng. Cụ thể, các ngành chăn nuôi, khai khoáng, dịch vụ tài chính… nhận tác động đầu ra âm, trong khi tác động tích cực lại thấy rõ hơn ở các ngành thâm dụng lao động. 

Tuy nhiên, ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích - Dự báo (NCIF) cho rằng, hai điểm sáng lớn của nền kinh tế Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô và việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã làm giảm đi những tác động không thuận từ thị trường quốc tế. Đặc biệt, động lực tăng trưởng của nền kinh tế những năm qua đã giảm phụ thuộc rõ rệt vào tài nguyên thiên nhiên, chuyển sang chế biến, chế tạo đang tạo nên những nền tảng tăng trưởng vững chắc hơn. 

“Kịch bản cơ bản sẽ thực hiện được trên cơ sở Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút tốt dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nếu cải cách doanh nghiệp nhà nước được thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn, tăng trưởng có thể cao hơn”, ông Đặng Đức Anh phân tích.

Dư địa của tăng trưởng

Kịch bản cao mà NCIF đưa ra thực ra không là quá cao, nếu nhìn vào kịch bản cao mà Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ từng đề xuất, với mức 7,47%/năm trong giai đoạn 2018 - 2020 khi bàn về triển vọng kinh tế Việt Nam những năm tới. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CEIM) cũng đưa ra những kỳ vọng ở mức tương tự, thậm chí còn cao hơn khi nhìn vào những tồn tại của nền kinh tế, nhất là tính kém hiệu quả trong phân bổ nguồn lực do chưa tuân theo các nguyên tắc của thị trường.

“Nhưng đây cũng là dư địa để nguồn lực của nền kinh tế có thể tìm đến đúng địa điểm, tạo nên sức đột phá cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô (CIEM) phân tích. 

CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội, nhưng doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được hay không phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Tôi cổ súy cải cách trong nước vì đây là giải pháp  hữu hiệu để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

Theo CIEM, trong ngành chế biến thực phẩm, năng suất lao động và hiệu quả của ngành chế biến sữa và sản phẩm từ sữa là cao nhất, nhưng tốc độ tăng tài sản của ngành này rất thấp. Ngành sản xuất sắt, thép, gang có năng suất lao động thấp, nhưng tốc độ tăng tài sản rất cao. Tốc độ tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn là khá cao, nhưng tốc độ tích lũy tài sản thấp; tốc độ tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước là thấp, nhưng tốc độ tăng vốn cao…

“Trong nông nghiệp, dư địa phát triển rất lớn. Chưa kể việc áp dụng công nghệ mới, chỉ riêng việc chuyển dịch cây trồng trên vùng đất lúa, không bắt người nông dân khư khư giữ đất lúa thì cơ hội tạo ra tăng trưởng đã rất lớn”, ông Nguyễn Anh Dương nói.

Đặc biệt, các chuyên gia của CIEM đều cho rằng, việc thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ để tăng hiệu quả, năng suất có thể làm được ngay, không đòi hỏi quá nhiều chi phí của cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Công nghệ 4.0 cho phép doanh nghiệp tăng năng suất, giảm tới một nửa chi phí, tăng lợi nhuận nhiều lần. Doanh nghiệp Việt Nam có đủ lực để thực hiện được ngay điều này, không phải quá tốn sức nếu cơ chế chính sách ủng hộ các hoạt động đầu tư vào công nghệ, chứ không dung dưỡng cho kiểu kịnh doanh quan hệ”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

 Áp lực của những chữ nếu

Cách đây hơn 1 năm, khi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đang được xây dựng, ông Cung đã từng gây xôn xao khi cho rằng, kinh tế Việt Nam không thể chấp nhận mức tăng trưởng chỉ 5-6%, mà phải hướng tới mục tiêu 7 - 8%. Vào thời điểm này, ông Cung tiếp tục bảo về quan điểm này, vì “nền kinh tế đang có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ, vững chắc, nhưng vẫn còn nhiều chữ nếu”.

Ông Cung đặc biệt quan tâm đến Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam vừa thay thế Philippines để dẫn đầu ASEAN trong tháng 11/2018. Theo ông Cung, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh và nhanh có nghĩa là cơ hội từ bên ngoài rõ ràng đang tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp theo nghĩa tích cực. 

Bình luận về điều này, ông Andrew Harker, Phó giám đốc tại IHS Markit (công ty thu thập kết quả khảo sát PMI) cho rằng, lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục chống lại những dấu hiệu chậm lại của nhu cầu ở đâu đó trên thế giới trong tháng 11. “Hơn nữa, các công ty tin tưởng rằng, tin vui sẽ tiếp tục xuất hiện, do đó họ gia tăng hàng tồn kho và tuyển thêm nhân công với tốc độ nhanh nhất trong gần 8 năm của lịch sử chỉ số tính đến thời điểm này”, ông Andrew Harker nói.

Điều quan trọng hơn, theo ông Cung, những cải thiện kinh tế từ phía cung, như cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cắt giảm các rào cản thị trường… đang tạo nên những xung lực mới cho tăng trưởng.

“Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên 7% chỉ có thể đạt được nếu các kế hoạch cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh được thực hiện thực chất, phân bổ nguồn lực thực sự phải theo cơ chế thị trường, không có chỗ cho xin - cho”, ông Cung nói và cho rằng, các trung tâm kinh tế như Hà Nội không thể hài lòng với mức tăng trưởng 7,4% như hiện tại…

Các chuyên WB thì cho rằng, nếu cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công cho Việt Nam.

Rõ ràng, không có sự khác biệt quá lớn trong các dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2019, nhất là dự địa cho tăng trưởng còn rất lớn và phụ thuộc hoàn toàn vào quyết tâm cải cách của Việt Nam.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục