Cuộc họp xuyên lục địa
Thứ Sáu, trung tuần tháng 12/2018, tại Văn phòng Chính phủ, cuộc làm việc trực tuyến khá đặc biệt đã diễn ra.
Tại đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì, với sự tham gia của các thành viên Hội đồng, đại diện một số bộ, ngành.
Ở đầu cầu Washington D.C, tại trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB), bà Sylvia Solf, chuyên gia WB – người trực tiếp thực hiện nghiên cứu xếp hạng Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) có mặt, sẵn sàng trả lời các câu hỏi về các kết quả môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 và những năm trước đó.
Cuộc làm việc xuyên lục địa này diễn ra 1 tháng rưỡi sau khi WB công bố Bảng xếp hạng Doing Business 2019 vào ngày 30/10, với thứ hạng của Việt Nam là 69/190, giảm 1 bậc so với năm trước. Một số chỉ số vẫn nằm cuối bảng xếp hạng, như khởi sự kinh doanh xếp thứ 104; giải quyết phá sản doanh nghiệp xếp thứ 133...
Việt Nam chắc chắn không muốn chỉ cạnh tranh thứ hạng với các nước ASEAN hay các thành viên CPTPP về môi trường kinh doanh.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam
Kể lại cuộc làm việc này, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam thực sự phấn chấn. Có nhiều câu hỏi về những cải cách của các quốc gia khác, về lý do tụt hạng của Việt Nam… Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đã thẳng thắn nhắc tới nguy cơ tiếp tục tụt hậu trong ASEAN và tụt hậu so với chính mình nếu không kịp thời đề ra các giải pháp cải cách hiệu quả.
“Cuộc làm việc rất sôi nổi, mọi người bàn làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng tôi cảm nhận rất rõ quyết tâm cải cách và sự lắng nghe của Chính phủ Việt Nam”, ông Ousmane Dione nói.
Nhưng điều quan trọng hơn mà ông giám đốc WB muốn kể từ cuộc làm việc này, đó là mục tiêu “thăng hạng” môi trường kinh doanh của Chính phủ rất rõ ràng. “Giống như đội tuyển bóng đá Việt Nam khi bước chân vào sân chơi châu Á, sẽ phải tìm hiểu các đội bóng khác, để hiểu làm gì để trụ hạng, chứ không phải ghé qua. Việt Nam chắc chắn không muốn chỉ cạnh tranh thứ hạng với các nước ASEAN hay các thành viên CPTPP về môi trường kinh doanh”, ông Ousmane Dione chia sẻ quan điểm.
Giấc mơ Harvard của giới kinh doanh
Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á gần như không phải nghĩ khi nhận được câu hỏi từ những doanh nhân của Câu lạc bộ Doanh nhân khởi nghiệp rằng, ông làm gì nếu khởi nghiệp vào thời điểm này.
“Tôi sẽ đi học, bằng mọi cách phải học ở những trường về kinh doanh hàng đầu thế giới, như Havard. Để đủ sức chơi với cuộc chơi toàn cầu hiện tại, cách duy nhất là phải học các tiêu chuẩn hàng đầu, phải chơi với những doanh nhân hàng đầu. Đây là điều mà doanh nhân Việt phải làm lúc này, vì cơ hội kinh doanh đang rất nhiều, nhiều hơn so với 25 năm trước, khi chúng tôi khởi nghiệp, nhưng tiêu chuẩn đòi hỏi rất cao”, ông Việt nói.
Là một trong những người đầu tiên gây dựng phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam từ những năm 1993, cùng với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm…, ông Việt đã chứng kiến giai đoạn doanh nghiệp tư nhân phải cố gắng lựa mình để tồn tại, chứng kiến những bước khó khăn, thậm chí là đau đớn của giới doanh nhân khi phải lui chân bởi những rào cản kinh doanh phi lý, những cơ chế chính sách được ra đời trong giai đoạn tranh tối – tranh sáng của những đợt cải cách.
Thời điểm này, theo các doanh nhân dạn dày kinh nghiệm, Chính phủ đang hành động để không có những cơ hội bị biến thành thách thức. Thậm chí, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn thấy rằng, những chuyển dịch này đang mở ra thời cơ cho cả nền kinh tế, cho các ngành, lĩnh vực với những đòi hỏi tiêu chuẩn cao, chứ không phải là cơ hội cho một nhóm doanh nghiệp hay dành riêng cho những người có quan hệ, biết cách xin để được cho…
“Câu hỏi dành cho doanh nghiệp lúc này là đã nhận diện rõ năng lực của mình, đã chuẩn bị để vào việc ngay hay chưa”, ông Việt nói với những thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân khởi nghiệp trong những ngày cuối cùng của năm 2018.
Có thể thấy rằng, không gian phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam đang mở ra, rất rộng, dường như không giới hạn.