Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

(ĐTCK) Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng năng lực quản lý nhà nước về đầu tư nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh và thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đó là thông điệp chủ đạo xuyên suốt Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” do Báo Đầu tư phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hiệp hội đầu tư nước ngoài tổ chức hôm qua (16/5) tại Hà Nội.

Cấp bách hoàn thiện khung pháp lý cho môi trường đầu tư

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, hoạt động đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức do cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực và trên thế giới đang ngày càng trở nên quyết liệt. Trong khi đó, môi trường đầu tư kinh doanh trong nước thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế liên quan đến các thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài.

“Do đó, việc nhanh chóng rà soát đánh giá đầy đủ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, nhất là các vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI ngày càng gay gắt”, ông Đông nhấn mạnh.

Liên quan tiến trình hoàn thiện khung khổ pháp lý và các văn bản luật pháp liên quan môi trường đầu tư kinh doanh, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư trong phát biểu khai mạc đã cập nhập, đến nay 2 dự thảo Luật sửa đổi quan trọng là Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi  đã được đưa ra lấy ý kiến tại các cuộc hội thảo do Ban soạn thảo tổ chức. Qua nhiều cuộc hội thảo và lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, nhiều nội dung đã được làm rõ và được Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn chỉnh 2 dự án Luật.

Tuy nhiên, đến nay một số quy định trong dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vẫn còn ý kiến khác nhau. Nổi lên là các vấn đề khái niệm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến tỷ lệ sở hữu và thương quyền, vấn đề bỏ quy định ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tách giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, các quy định hậu kiểm đối với doanh nghiệp và dự án đầu tư, vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số trong Luật Doanh nghiệp, các quy định về ưu đãi đầu tư và bảo đảm đầu tư… Các văn bản này hiện đang tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, giới doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện và sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới đây.  

Hoạt động đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức 

Sẽ công khai minh bạch các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện

Liên quan cụ thể việc rà soát sửa đổi các nội dung 2 luật quan trọng là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung, tổ trưởng tổ soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho biết, hiện nay Tổ soạn thảo đang tích cực rà soát lại các lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện và lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh. 

Theo số liệu mà ông Cung đưa ra, hiện nay có tới 51 ngành nghề cấm kinh doanh được quy định trong danh mục cấm của 3 luật then chốt là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại. Tuy nhiên, số lượng ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh còn tồn tại theo kiểu mập mờ trong khoảng giữa của 3 luật này cũng còn tồn tại khá nhiều, khiến nhà đầu tư khó có thể nắm bắt một cách rõ ràng.

Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Cung cho biết, hiện có tới 335 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong 255 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện do cấp bộ và địa phương ban hành. Trong đó có nhiều điều kiện không thân thiện với môi trường kinh doanh và đầu tư khiến doanh nghiệp có thể vi phạm bất cứ khi nào hoặc nếu chấp nhận tuân thủ thì sẽ tốn rất nhiều chi phí.

“Các quy định này đang gây khó khăn rất nhiều cho nhà đầu tư và doanh nghiệp do sự không rõ ràng. Do đó, Ban soạn thảo sẽ tập trung rà soát để tiến tới minh bạch các lĩnh vực này cũng như hướng tới giảm bớt các lĩnh vực cấm và có điều kiện, đồng thời phải quy định chi tiết các điều kiện cũng như thủ tục cấp phép cho các lĩnh vực kinh doanh nằm trong danh mục cấm đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Cung khẳng định.

Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc

Cũng tại Hội thảo, đề cập định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng dòng vốn FDI, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: “Sẽ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Định hướng tập trung trong các lĩnh vực Công nghệ thông tin, xây dựng kết cấu hạ tầng… Đồng thời tăng cường thu hút dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh, trong đó chú trọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn, đồng thời chú trọng dự án quy mô vừa và nhỏ ít vốn đầu tư nhưng số lượng lớn”.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Hoàng nhấn mạnh, cần đổi mới mô hình quản lý đầu tư nước ngoài và năng lực quản lý của bộ máy nhà nước, coi đây là công cụ hỗ trợ việc nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài. 

Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút FDI như cải thiện cơ sở hạ tầng; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; điều chỉnh quy định về công nghệ và chuyển giao công nghệ, cũng như nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục