Chúng ta phải bảo vệ các nhà đầu tư

(ĐTCK) Đó là thông điệp của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trước việc người dân và người lao động một số địa phương đã tự phát biểu tình, có những hành động quá khích, đập phá nhà máy để phản đối các hành động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của phía Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Thưa Bộ trưởng, những ngày gần đây, đã xảy ra tình trạng người lao động và người dân ở một số địa phương đập phá nhà máy của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể là thế nào, thưa Bộ trưởng?

Vừa qua, xuất phát từ sự bức xúc trước việc Trung Quốc đặt trái phép giàn  khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người dân và người lao động ở một số địa phương đã tự phát biểu tình phản đối các hành động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của phía Trung Quốc.

Có thể nói, giai đoạn đầu, những cuộc biểu tình này diễn ra trong trật tự, nhưng trong 2-3 ngày gần đây, bắt đầu từ tỉnh Bình Dương, đã xuất hiện tình trạng có kẻ xấu xúi giục, trà trộn, giả danh công nhân gây kích động dẫn tới nhiều hành vi manh động, bột phát, gây ra những tổn thất về tài sản cho một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Vụ việc hiện không chỉ dừng ở tỉnh Bình Dương, mà đã lan sang một số địa phương khác, gây hoang mang, lo lắng cho cộng đồng các nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam, mà chúng ta đã dày công xây dựng trong thời gian qua.

Trước tình trạng này, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có hành động ra sao để đảm bảo an toàn cho tài sản của nhà đầu tư, thưa Bộ trưởng?

Đây là sự việc rất đáng tiếc. Ngay sau khi có tình trạng này xảy ra, Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam, UBND các địa phương đã có những biện pháp xử lý rất quyết liệt để bảo vệ nhà đầu tư và tài sản của doanh nghiệp. Hiện những kẻ gây rối, gây kích động đã bị bắt để xử lý theo pháp luật của Việt Nam. Ở nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), tình hình đã bình yên trở lại. Tuy nhiên, ở một số nơi, diễn biến vẫn rất phức tạp. Vì thế, nếu chúng ta không có những biện pháp ngăn chặn các hành vi quá khích, bảo vệ nhà đầu tư một cách quyết liệt thì có thể sẽ làm cho tình hình xấu đi.

Hiện nay, các cơ quan chính phủ và các địa phương đang tích cực thông tin để người dân và người lao động không nghe theo lời xúi giục của các phần tử quá khích. Mọi người dân Việt Nam và người lao động đều có trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư vì lợi ích của đất nước và vì lợi ích của chính bản thân họ.

Vậy còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan quản lý về các hoạt động đầu tư nước ngoài, đã có những hành động như thế nào để bảo vệ nhà đầu tư?

Chúng tôi đã ngay lập tức có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý các KCN, KKT, các Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố để có hướng dẫn về vấn đề này. Trong đó ghi rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành trực thuộc và phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn, các hội, hiệp hội và các tổ chức chính trị - xã hội có biện pháp kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản của doanh nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất - kinh doanh; ngăn ngừa không để tiếp tục xảy ra các sự việc tương tự, làm tình hình phức tạp hơn.

Chúng tôi cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao một cơ quan làm đầu mối để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức có thể trực tiếp liên hệ, trao đổi thông tin, kịp thời động viên, chia sẻ và giúp họ an tâm hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại địa phương. Đồng thời, tổ chức vận động, tuyên truyền, giải thích cho người lao động và người dân khi thể hiện lòng yêu nước, phản đối hành động vi phạm chủ quyền cần có ý thức bảo vệ các doanh nghiệp, tránh để các phần tử xấu lợi dụng làm tổn hại tới môi trường đầu tư và an ninh kinh tế của đất nước.

Người dân và người lao động phải hiểu rằng, ngay cả doanh nghiệp Trung Quốc chúng ta cũng phải bảo vệ. Mặc dù việc chính quyền Trung Quốc đặt giàn khoan là trái phép nhưng Việt Nam vẫn luôn luôn coi trọng và giữ gìn mối quan hệ đoàn kết lâu đời với nhân dân và doanh nghiệp Trung Quốc. Họ - khi đến đầu tư và làm việc tại Việt Nam - tức là đã đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và phải được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Như tôi đã nói ở trên, mỗi  người dân, người lao động Việt Nam phải có trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư, người lao động nước ngoài, dù họ có là người Trung Quốc hay nước khác. Nếu chúng ta không làm điều này tức là đã phá vỡ hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam, của môi trường đầu tư Việt Nam và chúng ta đang hủy hoại chính tương lai của chúng ta.  Vì thế, phải tỉnh táo, bình tĩnh, không để kẻ xấu lợi dụng, phải bảo vệ các nhà đầu tư và người lao động.

Còn với các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng gửi thông điệp như thế nào tới họ?

Tôi muốn khẳng định với các nhà đầu tư rằng, đó là sự việc rất đáng tiếc, chính quyền các cấp của Việt Nam hết sức chia sẻ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Hiện nay, các cơ quan nhà nước các cấp của Việt Nam đã có các biện pháp kiên quyết ngăn chặn, không để sự việc tiếp tục diễn biến và lan rộng.

Nhiều đối tượng cầm đầu, kích động đã bị điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chính phủ và các địa phương cũng đang tích cực thông tin để người dân và người lao động không được nghe theo lời xúi giục của các phần tử quá khích, mọi người dân Việt Nam và người lao động có trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư vì lợi ích của đất nước và lợi ích của chính bản thân họ, không để sự việc tái diễn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn nhận được sự chia sẻ, thông cảm và ủng hộ từ phía các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức trong việc phối hợp xử lý; thông tin chính xác, khách quan tình hình vụ việc; đồng thời thông tin đến Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại quý quốc, làm an lòng các nhà đầu tư nước ngoài, khẩn trương ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục