Biển Đông, những ngày tháng Năm - kỳ 2: Chim Sơn Ca vẫn hát

(ĐTCK) Đã gần 4 tháng nay, Trường Sa không mưa. Lồng ngực lính đảo cồn cào cơn khát. Ở Trường Sa những ngày này, chỉ có hai nơi đầy nước ngọt là bể nước dự trữ phục vụ sẵn sàng chiến đấu và téc nước dành cho ngư dân… Không ở đâu, tình quân dân được thể hiện rõ ràng như ở đây và cũng từ những giọt nước ngọt, những gói mì tôm ấy, một thế trận lòng dân đã được hình thành trên biển.
Toàn cảnh đảo Sơn Ca Toàn cảnh đảo Sơn Ca

Kỳ 2: Chim Sơn Ca vẫn hát

Đảo khát

Nếu Trường Sa (còn gọi là Trường Sa lớn) được ví là “thủ đô” của cụm đảo Trường Sa, Nam Yết là trung tâm sản xuất giống cây cho các đảo bạn…, thì Sơn Ca đẹp như một viên ngọc. Nằm cách Bán đảo Cam Ranh khoảng 330 hải lý, Sơn Ca thoáng nhìn như một ngôi làng trù phú giữa sóng nước biển Đông, với tiếng chuông chùa và cả những tiếng gà gáy sáng.

Nhưng mấy tháng nay, “ngôi làng” giữa biển ấy đang khát cháy. Mà chả riêng Sơn Ca, tất cả những đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn mà tôi vừa đến, cơn khát nước, cơn khát mưa đã khắc khoải từ lâu. Tha thẩn ở Sơn Ca trưa ấy, ngó vào bể nước lớn nhất, tôi thấy chỉ còn cỡ vài gang tay.

Trò chuyện với tôi, anh lính đặc công nước Nguyễn Xuân Vinh ví von: “Ở ngoài đảo này, nước quý hơn vàng, anh ạ. Thiếu nước thì không cái khổ nào bằng, nhất là với những người hay phải tiếp xúc với nước biển mặn mòi như bọn em”.

Thấy tôi thắc mắc về cái đầu húi cua hơi quá, Vinh bảo, định mức mỗi người 3 - 5 lít nước/ngày, nên cũng năm ba ngày mới dám tắm một lần. Mà quy trình tắm đầu tiên là tắm biển, sau lên bờ tráng một gáo cho hết nước mặn, rồi tráng nốt mấy gáo còn lại để lấy nước tưới cây. “Để tóc, nước biển bết vào ngứa ngáy, khó chịu lắm, anh ơi”, cậu trai Nghệ An cười, nụ cười rất hiền tỏa sáng khuôn mặt màu đồng hun quá lửa.

Ngồi cạnh tôi xem các ca sĩ đoàn văn công biểu diễn, Trung tá Nguyễn Tất Thu, Chính trị viên cụm 1, đảo Sơn Ca kể: thời tiết năm nay trái tính trái nết lắm. Đã ba tháng rưỡi nay hầu như không có một giọt mưa. Nhìn những khay rau bao công chăm sóc cứ táp đi vì nắng nóng mà xót ruột quá.

“Biển thì mặn, còn mây vẫn cao thế này, biết bao giờ mưa mới về đây”, anh Thu trầm ngâm rồi chuyển sang tâm sự chuyện gia đình: mình quê gốc ở Hà Tĩnh, nhưng cả nhà đã chuyển vào Bảo Lộc, Lâm Đồng từ lâu. Tuổi Nhâm Tý, 1972, nhưng hiện mới có một cháu gái 3 tuổi vì mình đi biền biệt, năm rưỡi, hai năm mới đáo qua gia đình một lần, nên vợ mình vất lắm. Bà xã lại là bác sĩ, nên cũng phải trực đêm trực hôm.

“Nhưng lính đảo không phải là nghề, mà là cái nghiệp, là trách nhiệm với Tổ quốc, chú ạ”, anh Thu quả quyết.

Hôm nay, có lẽ Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, Trung tá Đỗ Thế Tuyến là người tất bật nhất. Hết màn chào hỏi chủ - khách, lại bận rộn với lễ chào cờ buổi sáng, rồi dẫn khách đi thăm đảo, thăm chùa, báo cáo tình hình công tác với các thủ trưởng từ đất liền…

Tuyến với tôi là đồng hương Thái Bình. Anh quê ở thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ. Tranh thủ lúc hiếm hoi đảo trưởng vãn khách, kéo anh ra bàn nước trò chuyện vài câu về gia cảnh, nhưng quả thật, tôi không thể rời mắt khỏi chiếc sập gỗ phía sau bàn nước. Bộ sập đã lên nước bóng loáng, lại liền khối như thế này, nếu cho mấy tay thợ gỗ Đồng Kỵ chắc hét giá cả vài trăm triệu đồng.

Đã nghe đảo trưởng kể về sự kỳ công của lính đảo khi rước hai pho tượng hộ pháp, mỗi pho nặng tới 4,5 tấn và có những chặng biển chỉ dùng sức người, lên với ngôi chùa ở đây, nhưng tôi vẫn không khỏi lăn tăn. Cái sập ít có giá trị sử dụng, mà chỉ là thú chơi. Nó khác lắm với sự giản tiện của lính, chả lẽ cũng cất công mang ra từ đất liền.

Như đọc được nỗi băn khoăn ấy, anh Tuyến cười: “Làm nhiệm vụ nhiều lúc động biển, thấy cả cây gỗ to trôi dạt, bọn anh kéo về để sử dụng cho những công trình trên đảo. Cái sập này do bọn anh tay bào, tay đục đấy. Chú quê Thái Bình mà không biết dân Quỳnh Côi kiếm cơm thiên hạ bằng nghề mộc à?”.

Thán phục tay nghề thủ công của lính đảo, vốn tưởng chỉ giỏi cầm súng, tôi bất chợt nghĩ đến những chậu hoa giấy, hoa lan… mỏng manh, khó trồng trong vườn hoa của đảo được đặt một cái tên rất ý nghĩa - “Vườn hoa Võ Nguyên Giáp”. Mới hay, cho dù khát cháy, cho dù thiếu thốn trăm bề, như thiên chức của mình, chim Sơn Ca vẫn hát, tiếng hát ngợi ca cái đẹp, ngợi ca tình người giữa biển khơi.

Chiến sĩ đảo Sơn Ca luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc

Tình biển, tình người

Tình người đó được Trung tá Tuyến kể rất ngắn gọn rằng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân bám biển. Chỉ riêng năm 2013 và quý I năm nay, lính đảo đã trực tiếp xua đuổi 389 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, đối phó mưu trí và kiên quyết với hàng chục lượt tàu quân sự, máy bay tuần tiễu nước ngoài có hành động khiêu khích.

Và đặc biệt, mỗi người lính đảo đều coi công tác hỗ trợ ngư dân bám biển quan trọng không kém nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. “Có tháng cao điểm, đảo tiếp tới 82 lượt tàu của ngư dân vào Sơn Ca xin hỗ trợ nước uống, dầu máy, nhu yếu phẩm hoặc chữa bệnh. Năm vừa rồi, có hai ca viêm ruột thừa cấp đã được phẫu thuật thành công tại đây”, anh Tuyến cho biết.

Thấy tôi thắc mắc về một téc nước ngọt rất to nằm ngay ngay cạnh cầu tàu khi đảo đang khát, vị đảo trưởng cười: “Nước ngọt dành cho dân đó chú. Bà con mình lênh đênh trên biển vất vả lắm. Bọn anh là con cháu nông dân, không bảo vệ, giúp đỡ dân thì giúp đỡ ai, hả chú”!

Trở lại với sự rộn ràng của sân khấu dã chiến ngay giữa đảo. Khi câu chuyện giữa hai anh em đã trở nên thân tình hơn, anh Thu cười và chỉ sang sân khấu bảo: “Em cứ nhìn sự háo hức của lính đảo thì rõ bọn anh khát tình cảm từ đất liền cũng như khát nước ngọt. Các chàng trai còn đang ngại đấy thôi. Tí nữa thế nào chả xông ra nhảy nhót rầm trời với văn công”.

Đúng là chỉ huy hiểu lính. Ở trong hội trường, đoàn công tác đang nghe báo cáo của đảo trưởng, rồi màn tặng quà và những lời phát biểu động viên, căn dặn... Ở ngoài kia, tiếng đàn hát ngày càng rộn ràng.

Loài cây “đặc sản” của Sơn Ca là mù u. Những gốc mù u ba bốn người ôm soi bóng mát cho cả một vùng rộng lớn. Dưới đó là rất đông cán bộ, chiến sĩ đang hòa cùng các diễn viên Đoàn văn công Đồng Tháp cất cao lời ca tiếng hát. Trong hội trường, các thủ trưởng có lẽ cũng thấy hơi ồn, nhưng chẳng ai nỡ trách khi những người lính da đen cháy màu đồng của mình đang có những phút giây thăng hoa ngắn ngủi cùng nghệ sĩ.

Câu chuyện của Trung tá Tuyến, Trung tá Thu và những hình ảnh dưới bóng cây mù u kia đã cho tôi hiểu một điều, đảo không chỉ khát nước ngọt, khát rau xanh, mà khát khao hơn những tình cảm đến từ đất liền yêu dấu. Nhưng dù khát cháy, Sơn Ca và những đảo nổi, đảo chìm nơi đây vẫn mãi là bến đỗ bình yên, vẫn đủ dòng nước mát lành cho ngư dân mình yên tâm bám biển.

Rồi cũng đến lúc phải rời đảo Sơn Ca, hòn ngọc giữa biển Đông. Đi giữa những hàng cọc xi măng nhấp nhô mọc lên từ làn nước xanh màu lục, như thế trận Bạch Đằng - nơi những cọc nhọn của cha ông xưa vùi thây quân giặc cướp… Nhưng ở đây và ở khắp những vùng biển đảo khác còn một thế trận lợi hại hơn nhiều: thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận của tình quân dân bền chặt.

Sơn Ca, chiều 6/5/2014

(Còn tiếp)

Phí Trọng Hiếu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục