Lý giải yếu tố thứ nhất, vì sao không thể lớn, Uyên Phương dẫn thống kê của thế giới cho biết, các doanh nghiệp trong vòng 5 năm đầu hình thành có tỷ lệ 95% sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%.
Từ 5% đó họ mới tiếp tục phát triển doanh nghiệp lên 15, 20 năm. Do vậy, số doanh nghiệp hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm.
Đó là một trong những yếu tố để thấy rằng, các doanh nghiệp muốn lớn cũng không dễ gì lớn được vì lý do nguồn lực, năng lực và sự đào thải khắc nghiệt của thời gian.
Về yếu tố thứ hai, doanh nghiệp không muốn lớn, theo lãnh đạo Tân Hiệp Phát, có yếu tố doanh nghiệp … sợ lớn. “Doanh nghiệp nhất phường, nhất thành phố, nhất quốc gia… mỗi lần nhất như vậy nó đòi hỏi một năng lực mới. Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi mình phải phá vỡ cái cũ. Có dám đột phá hay không? Đó là những nỗi sợ của các doanh nghiệp cũng như của chính chúng tôi, bởi đột phá nào cũng có rủi ro”.
Uyên Phương nói và chia sẻ nhiều nhà báo đã hỏi vì sao Tân Hiệp Phát từ chối bán mình vào năm 2012 với giá 2,5 tỷ đô? “Vì chúng tôi mong muốn có một thương hiệu Việt mang ra thế giới. Mặc dù tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát đặt ra lớn hơn thế.
Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không sợ bởi quá trình tăng trưởng gặp rủi ro rất lớn. Tất cả mọi người đều biết Tân Hiệp Phát từng gặp rất nhiều khủng hoảng, nhưng sau mỗi khủng hoảng chúng tôi lại lớn lên, chúng tôi lại nhìn thấy được điểm yếu của bản thân để đi tiếp”.
Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đại đa số doanh nghiệp không thể lớn chứ không phải không muốn lớn.
Ở các nước, 95% doanh nghiệp phải dừng hoạt động sau 5 năm đầu tiên mở cửa, ở Việt Nam, số doanh nghiệp phải dừng lại, giải thể phá sản sau 1 năm hoạt động cũng nhiều không kém.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang được thành lập ngày một nhiều hơn và mỗi doanh nghiệp lập ra đều mang theo khát vọng phát triển. Theo ông Thân, thực tế thương trường cho thấy, có khát vọng là một chuyện, để tồn tại, doanh nghiệp phải có ước mơ rất lớn và phải vượt được qua nỗi sợ hãi mới trụ được trên thương trường.
Theo ông Thân, doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu đủ thứ và để giúp khối doanh nghiệp này, 5 kỳ họp Quốc hội gần đây đều dành nhiều thời gian bàn về cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cơ chế là một chuyện, quan trọng nhất là DN phải có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh khả thi mới có thể “gặp nhau”.
Cũng trong chủ đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ, muốn doanh nghiệp lớn lên, mấu chốt nhất là phải quản lý được nguồn lực con người.
Nếu chủ doanh nghiệp thực sự là người có năng lực lãnh đạo, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội bứt phá. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, một doanh nghiệp muốn lớn phải có cả 2 điều kiện, nội lực và môi trường, đặc biệt là môi trường chính sách.
Làm sao để các chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước đi vào thực tế đời sống kinh doanh của doanh nghiệp thì mới mong tạo nền cho doanh nghiệp lớn lên.
Cùng với đó, chính doanh nghiệp cũng phải trang bị cho mình sức đề kháng để “chống lại bệnh tật” của môi trường kinh doanh. Khi có nhiều doanh nghiệp có nội lực vững và liêm chính, được phát triển trong môi trường kinh doanh liêm chính, ở đó sẽ nuôi dưỡng khát vọng lớn lên, và không phải đặt vấn đề là doanh nghiệp không muốn lớn hay không thể lớn.
Một trong những khuyến góc nhìn chung của các chuyên gia và nhà quản lý là muốn doanh nghiệp Việt Nam lớn lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, rất cần xây dựng và nuôi dưỡng một lớp doanh nghiệp đầu đàn trong khối các doanh nghiệp tư nhân. Hiện tại, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp trong lớp đầu đàn như Vingroup, Vietjet, Tân Hiệp Phát, TH TrueMilk…
Tuy nhiên, lớp doanh nghiệp này còn mỏng. Sứ mệnh của các doanh nghiệp đầu đàn là dẫn dắt và đột phá. Sau khi đột phá, doanh nghiệp loại này sẽ dẫn dắt và tác động qua lại đến cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để thúc đẩy sự phát triển chung.
Theo một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia, khi trong một ngành có doanh nghiệp đầu đàn là doanh nghiệp Việt Nam, sẽ tạo điều kiện cho hệ sinh thái của các doanh nghiệp phụ trợ theo đó phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và tăng khả năng đóng thuế cho ngân sách nhà nước.