Đây không chỉ là một tiếp thị đơn thuần, mà còn là cách thể hiện một nét văn hóa của Tân Hiệp Phát: Học hỏi từ mọi người; ông chủ không bỏ qua cơ hội lắng nghe ý kiến cho đến khi phải ra quyết định.
Tân Hiệp Phát tạo nên dấu ấn phát triển khi sản phẩm trà Dr. Thanh có doanh thu tăng trưởng 10 lần trong 5 năm, 2005-2010. Nhãn hàng mới ra đời năm 2018 được kỳ vọng sẽ vượt qua kỳ tích này.
Hãy làm chủ ngay khi đang làm thuê
Vào năm 2012, sau 15 năm xây dựng Tân Hiệp Phát, Hãng nước giải khát lớn nhất thế giới Coca Cola đã ngỏ lời mua lại Tân Hiệp Phát với mức giá 2,5 tỷ USD. Vào thời điểm này, ông Trần Quí Thanh, người sáng lập Tập đoàn quyết định không bán.
Ông quyết định giữ quyền làm chủ doanh nghiệp, với khát vọng xây nên một doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu, sản phẩm vươn ra toàn cầu.
Dù gặp không ít sóng gió trên thương trường, nhưng Tân Hiệp Phát đã đứng vững, xác lập vị trí số 1 trong ngành nước giải khát tại Việt Nam, vượt qua mọi đối thủ tại thị trường trong nước và hiện diện ngày một nhiều hơn trên các thị trường quốc tế.
Chia sẻ với các doanh nhân, nhà quản lý trong cuộc tọa đàm “Chiến lược phát triển doanh nghiệp vươn ra biển lớn” mới đây, doanh nhân Trần Quí Thanh cho biết, điều ông chưa từng trải nghiệm là… đi làm thuê.
Lúc nào khát vọng làm chủ cũng chảy trong trái tim ông và vì thế, ông sẵn sàng dành mọi nguồn lực cho khát vọng của mình. Chính vì luôn đặt mình ở vị trí làm chủ, nên cái giá mà ông phải trả để xây Tân Hiệp Phát rất đắt (Bạn đọc có thể cảm nhận khi đọc cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh”, xuất bản năm 2017).
Từ kinh nghiệm cuộc đời mình, ông khuyên các bạn trẻ hãy xác định tâm thế làm chủ ngay khi làm thuê, làm mọi cách để biến những nguồn lực hiện có thành giá trị. Khi khát vọng đủ lớn, khởi sự kinh doanh là bước tiếp theo. Người khởi nghiệp muốn thành công phải có năng lực lãnh đạo. Lãnh đạo 5 người khác hẳn việc lãnh đạo 50 người và càng khác nếu tổ chức có đến 500 người.
Thực tế trải nghiệm thương trường, ông chủ Tân Hiệp Phát chia sẻ, doanh nghiệp càng lớn thì sự nguy hiểm, rủi ro không chi phối được, không kiểm soát được ngày càng nhiều, thách thức của doanh nghiệp ngày càng cao.
Trong bước đường tạo dựng doanh nghiệp, vượt qua được năm thứ nhất đã giỏi, vượt qua năm thứ nhì giỏi hơn. Nhưng vượt qua năm thứ 5 thì xứng đáng được coi là kỳ tích vì thực tế, số lượng doanh nghiệp “sống” được đến tuổi thứ 5 thường không quá 10%.
Trên thế giới, hiếm có doanh nghiệp trường tồn 100 năm, còn ở mức 200 năm thì quá hiếm. Thực tế này cho thấy, để xây dựng một doanh nghiệp rất khó, nhưng để duy trì và giúp doanh nghiệp trường tồn theo thời gian thì bài toán còn khó hơn nhiều.
Người thầy giúp doanh nghiệp thành công
Mới đây, trong một cuộc tọa đàm về năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã nêu câu chuyện của Tập đoàn Tân Hiệp Phát để bình luận về cách thức tạo nên sự bền vững của một doanh nghiệp.
Theo ông Kiên, sau giai đoạn Tân Hiệp Phát gặp lúng túng trong xử lý sự cố “con ruồi”, Tập đoàn đã nhận ra điểm yếu của chính mình và xử lý điểm yếu.
Chẳng hạn, xuất phát là công ty gia đình, ý thức rõ điểm yếu là chất lượng quản trị, Tân Hiệp Phát đã thuê chuyên gia nước ngoài xây dựng hệ thống quản trị Tập đoàn. Chính cách làm này đã giúp Tân Hiệp Phát vững từ nội lực.
Khi tuyển dụng, các ông chủ thường hay kiểm tra khả năng xử lý tình huống, các vấn đề kỹ thuật, mà ít đánh giá nhân cách, các giá trị cốt lõi của ứng viên. Thực tế, đào tạo nhân sự về giá trị chuyên môn thì không khó. Điều quan trọng nhất là phải tìm ứng viên có cùng giá trị với doanh nghiệp
Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế đánh giá, Tân Hiệp Phát thành công là do chọn được đúng khoảng trống thị trường và xây dựng được thị phần thật. Tư duy phát triển của doanh nghiệp này là “đi thẳng vào hiện đại”, tức là đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại như các nước tiên tiến nhất, chứ không dùng lại hàng F2, F3.
Sau khi đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhất ở ba nhà máy mới, Tân Hiệp Phát ghi nhận mức tăng trưởng 20% năm 2017. Năm 2018, Tập đoàn dự kiến tăng trưởng 36%.
Câu chuyện của Tân Hiệp Phát được dư luận biết đến rộng rãi khi cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc, với trên 400.000 bản phát hành. Dư luận có nhiều cách cảm nhận về chìa khóa thành công của Tân Hiệp Phát, nhưng với ông chủ Tập đoàn này thì sao?
Dr. Thanh chia sẻ chân thành: “Thầy của tôi là Mẹ tôi” bởi thất bại là “Mẹ thành công” mà! Chính sự thất bại, trả giá của những ngày đầu khởi nghiệp giúp tôi tránh tái diễn, từ đó đạt được thành công.
Trong giai đoạn Tân Hiệp Phát định hình được chiến lược phát triển, ông Thanh cho biết, ông học nhiều nhất chính là những người xung quanh, là cán bộ, công nhân viên, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác... Ai cũng có điều hay để học, vấn đề là ta có thấy hay không.
“Bản thân tôi cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày, nên học qua các cộng sự rất quan trọng. Tôi giao việc cho họ, khích lệ, tạo áp lực cho họ chia sẻ cảm nhận, bài học từ công việc của mình. Thầy của tôi là đồng nghiệp, là khách hàng, là những người xung quanh”, ông chủ Tân Hiệp Phát nói.
Cái tài của ông Trần Quí Thanh là phát hiện ra giá trị trong những ý kiến tưởng như rất nhỏ. Người làm dịch vụ là phục vụ đại chúng, phải có năng lực lắng nghe mọi người. Lắng nghe càng nhiều thì xác suất rủi ro càng thấp. Bỏ qua một ý kiến là bỏ qua một cơ hội. “99% đúng, vẫn còn 1% xác suất sai. Nếu lỡ bỏ qua một thông tin, một ý nào đó, đến khi quyết rồi không đảo lại được. Vì thế, người chủ doanh nghiệp nên lắng nghe đến cùng cho đến khi mình bắt buộc phải ra quyết định”. Đó là những điều ông Thanh chia sẻ cho các bạn trẻ mới đây.
Cái khó là làm cách nào để thúc đẩy nhân viên đưa ra ý kiến, phá tan sức ì và sự ngại ngần giữa nhân viên - ông chủ?
Ông Thanh bảo: “Người lãnh đạo phải ép nhân sự. Yêu cầu vào họp không phải là xem phim. Gật đầu thì dễ lắm, nhưng nói KHÔNG thì phải giải thích tại sao. Nhưng những ý kiến nói KHÔNG, nói khác mình cần phải lắng nghe để hiểu thấu có vấn đề gì đây?”. Việc buộc nhân sự đưa ra ý kiến cũng là lúc người chủ doanh nghiệp có cơ hội nhận những sáng kiến mới và đánh giá năng lực của nhân sự.
Bàn về giá trị của doanh nghiệp
Tại sao nhiều doanh nghiệp phá sản trước 10 năm? Muốn tồn tại, doanh nghiệp cần yếu tố nào? Nhận câu hỏi này từ doanh nhân Trần Công Huỳnh, Công ty Đầu tư tài chính, doanh nhân Trần Quí Thanh cho rằng, doanh nghiệp muốn tồn tại đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố. Thiếu một vài kỹ năng, năng lực quản trị, lợi thế cạnh tranh… đều có thể gây phá sản.
Trong rất nhiều yếu tố cần thiết, có một yếu tố bất cứ doanh nghiệp nào muốn “sống thọ” cũng cần xây dựng, đó là lực lượng kế thừa. Doanh nghiệp nào mà người lãnh đạo không thể thay thế thì tuổi thọ của doanh nghiệp phụ thuộc vào tuổi thọ người lãnh đạo.
Các doanh nghiệp thường quan tâm quá nhiều đến việc tuyển dụng, tìm nhân tài, nhưng ông lại nghĩ khác. Ông bảo, nhân tài không hẳn là người giỏi. Người giỏi mà không trung thành nhiều khi còn thành phá hoại doanh nghiệp. Quan điểm của người sáng lập thương hiệu Trà Dr. Thanh là nhân tài là người có cùng giá trị cốt lõi với Tân Hiệp Phát.
“Khi tuyển dụng, các ông chủ thường hay kiểm tra khả năng xử lý tình huống, các vấn đề kỹ thuật, mà ít đánh giá nhân cách, các giá trị cốt lõi của ứng viên. Thực tế, đào tạo nhân sự về giá trị chuyên môn thì không khó. Điều quan trọng nhất là phải tìm ứng viên có cùng giá trị với doanh nghiệp”, ông Thanh nói.
Một câu hỏi khác được các doanh nhân trẻ đặt ra là doanh nghiệp nên xác định giá trị cốt lõi như thế nào? Ông Thanh cho rằng, trước hết, mỗi người phải tìm ra cho mình một định nghĩa về giá trị. “Giá trị là cái gì ta cho là đúng. Giá trị là văn hóa. Nhưng giá trị thì rộng quá, vì thế cần cô đọng lại để ghi nhớ và thực hiện, gọi là giá trị cốt lõi”.
Nếu công ty có giá trị cốt lõi, vậy thì giá trị cốt lõi của gia đình chúng tôi là gì? Chúng tôi từng đặt ra vấn đề này và đúc rút ra 5 giá trị cốt lõi ở gia đình họ Trần, gồm:
Làm việc chăm chỉ, nghĩa là hướng tới kết quả không phải để chiếm hữu; Đóng góp - tạo ra sự khác biệt tích cực cho người khác và suy nghĩ vượt ra ngoài bản thân; Tính chính trực - hãy giữ lời đã nói ra; Tinh thần "Không gì là không thể"; Là một phần của gia đình, có nghĩa là có trách nhiệm làm mọi thứ tốt hơn cho gia đình và sống vì sự thành công của nó.
Cùng với đó, chúng tôi xây dựng 7 giá trị cốt lõi của Tập đoàn Tân Hiệp Phát: Thỏa mãn khách hàng; Chất lượng chuẩn quốc tế; Có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; Không gì là không thể; Làm chủ trong công việc; Hôm nay phải tốt hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai; Chính trực.
Không dễ để soạn ra được giá trị cốt lõi khi ông Thanh cho biết, các thành viên Tân Hiệp Phát đã cùng nhau làm việc này trong một năm liền. Giá trị được lập ra để thực hiện sứ mệnh của gia đình họ Trần, đó là tạo nên những người lãnh đạo trong bất cứ ngành nghề nào để cùng nhau đóng góp cho gia đình và cùng tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội. “Sứ mệnh, giá trị, tầm nhìn phải được duy trì qua nhiều thế hệ thì mới có thể có doanh nghiệp sống bền hàng trăm năm”, ông nói.
Trên thế giới, Heiniken, Walmart, Samsung, Oracle… là những công ty gia đình thành công với giá trị doanh nghiệp được định giá hàng chục, hàng trăm tỷ USD.
Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm Đổi mới cũng đã hình thành nên một lớp các công ty gia đình (như Tân Hiệp Phát, Kinh Đô, Minh Long, DOJI…), nhưng số lượng còn rất mỏng. Đặc điểm công ty gia đình là rất yêu mến thương hiệu được tạo dựng nên.
Khi doanh nghiệp thua lỗ, ông chủ sẵn sàng bơm tiền ra để cứu, giữ đến cùng. Nhưng, nếu không xây hệ thống kiểm soát tốt, quy trình tuân thủ không chuẩn mực và mang tính định tính thì sẽ khó bền.
Xây một doanh nghiệp đã khó, nhưng giữ vững ngọn lửa phát triển và cống hiến còn khó hơn nhiều. Trên hành trình vượt lên chính mình, điểm đáng quý ở Tân Hiệp Phát là người lãnh đạo vừa làm, vừa chia sẻ cơ hội và kinh nghiệm thực tế bằng những câu chuyện đời, chuyện nghề để khích lệ cộng đồng doanh nghiệp cùng bước lên.