Doanh nghiệp lớn mạnh chứ không nhỏ dần

Bình quân lao động/doanh nghiệp đang giảm dần, nhưng theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), điều này không có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam “mãi không chịu lớn”, càng không phải doanh nghiệp đang nhỏ dần như nhiều chuyên gia kinh tế nhận định.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Có phải doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng nhỏ dần, thưa ông?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017 cả nước có 517.930 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 51,6%, tương đương 176.300 doanh nghiệp so với năm 2012. Các doanh nghiệp đang sử dụng khoảng 14.104.000 lao động, tăng 28,5% so với năm 2012.

Năm 2017, cả nước có thêm 126.860 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,2% về số lượng và 45,4% về số vốn so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với năm 2016.

Nếu tính cả 35.200 lượt doanh nghiệp bổ sung thêm 1.869.300 tỷ đồng vốn, thì quy mô vốn bình quân mỗi doanh nghiệp năm 2017 tiếp tục tăng so với năm 2016.

Số liệu trên cho thấy, doanh nghiệp đang có bước trưởng thành rất mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô vốn, số lao động mà doanh nghiệp sử dụng.

Nhưng cũng không thể phủ nhận được thực tế là bình quân mỗi doanh nghiệp sử dụng lao động đang giảm dần?

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, bình quân một doanh nghiệp sử dụng 27 lao động, giảm 5 lao động so với năm 2012, trong đó bình quân doanh nghiệp nhà nước giảm 20 người và doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3 người.

Ngược lại, bình quân một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 lại tăng thêm 15 lao động so với năm 2012.

Doanh nghiệp ngày càng sử dụng ít lao động là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng nhỏ dần.

Hiện cả nước có 517.930 doanh nghiệp, sử dụng khoảng 14.104.000 lao động, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có một triệu doanh nghiệp hoạt động.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, trong mấy năm gần đây, Chính phủ tập trung cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp quy mô lớn và trong thời gian tới, Nhà nước chỉ giữ cổ phần tại một số ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, an ninh, quốc phòng, nên số lượng lao động bình quân của doanh nghiệp nhà nước giảm.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp tập trung đầu tư vào máy móc, thiết bị, dây chuyền, công nghệ tự động hóa, tin học hóa; máy móc, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo dần thay thế lao động của con người, đặc biệt là lao động phổ thông, nên doanh nghiệp không cần phải sử dụng nhiều lao động.

Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, trong những năm vừa qua, Việt Nam thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư hàng tỷ USD, sử dụng hàng ngàn lao động, nên tính ra bình quân mỗi doanh nghiệp nước ngoài sử dụng số lao động tăng lên.

Ông có thể nói rõ hơn, vì sao doanh nghiệp càng ngày càng sử dụng ít lao động là xu hướng chung của thế giới?

Như tôi đã nói, kỷ nguyên công nghệ 4.0, máy móc dần thay thế nhiều hoạt động của con người.

Một dây chuyền tự động có thể thay thế 20-30 lao động, một robot có thể thay thế 5-10 lao động làm việc 24/7, doanh nghiệp sẽ thay thế dần lao động của con người bằng máy móc, công nghệ, nên số lao động mà mỗi doanh nghiệp sử dụng giảm là xu hướng chung, là con đường sống còn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thứ hai, không phải chỉ có Việt Nam, mà rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có trình độ phát triển cao hơn, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, trong khi dân số tăng thấp hơn, nên không thể sử dụng nhiều lao động.

Theo tôi được biết, hiện ở Mỹ có khoảng 29 triệu doanh nghiệp, trong đó 22 triệu doanh nghiệp một chủ (doanh nghiệp siêu nhỏ), chiếm khoảng 75% tổng số doanh nghiệp.

Tỷ lệ doanh nghiệp một chủ ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, EU… cũng tương tự, tức là bình quân một doanh nghiệp sử dụng lao động ở các nền kinh tếnày còn ít hơn Việt Nam, nhưng điều đó không đồng nghĩa là doanh nghiệp ở các nền kinh tế này nhỏ hơn doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông, xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp sẽ diễn ra thế nào?

Trên thế giới, bình quân 25-30 người dân có một doanh nghiệp, còn ở Việt Nam hiện nay 180 người dân mới có một doanh nghiệp, dư địa để thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam còn rất lớn.

Hiện cả nước có 517.930 doanh nghiệp, sử dụng khoảng 14.104.000 lao động, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có một triệu doanh nghiệp hoạt động.

Nếu bình quân số lao động mỗi doanh nghiệp không giảm xuống thì vào năm 2020, số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp phải gần gấp đôi hiện nay, tức là vào khoảng 26-27 triệu người.

Nếu vậy, nguồn lực lao động trong nước không đáp ứng đủ vì lực lượng lao động bổ sung mỗi năm chỉ vào khoảng 395.000 người và càng ngày càng giảm mạnh do tỷ suất sinh thô giảm và tốc độ già hóa dân số diễn ra quá nhanh.

Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp, quy mô vốn, thì số lượng lao động bình quân mỗi doanh nghiệp sử dụng sẽ giảm xuống.

Bình quân lao động/doanh nghiệp giảm không phải là căn cứ, cơ sở để đánh giá doanh nghiệp Việt Nam càng ngày càng nhỏ đi, mà ngược lại, càng ngày càng lớn mạnh.

Doanh nghiệp lớn mạnh, nhưng toàn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thay vì công nghiệp, xây dựng, thưa ông?

Theo tư duy cũ, doanh nghiệp là các nhà máy, công ty, xí nghiệp hàng trăm, hàng ngàn lao động. Trong giờ làm việc, máy móc chạy ầm ầm, công nhân “luôn chân luôn tay” bên các cỗ máy hay hối hả vận chuyển, bốc xếp nguyên liệu, thành phẩm.

Tư duy này chỉ phù hợp với nền công nghiệp 2.0, 3.0. Ngày nay, doanh nghiệp chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực dịch vụ ở các nền kinh tế phát triển bao giờ cũng áp đảo so với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp cộng lại.

Hiện cả nước có 362.000 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực dịch vụ, chiếm 70% tổng số doanh nghiệp, tăng 57% so với năm 2012.

Trong đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành giáo dục - đào tạo tăng 155%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 106%; chuyên môn khoa học - công nghệ tăng 87%; y tế, chăm sóc sức khỏe tăng 84%; vận tải, kho bãi tăng gần 64%; kinh doanh bất động sản tăng 63%...

Điều này cho thấy xu hướng phát triển của doanh nghiệp, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phù hợp với thế giới.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục