Sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng

500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng lần đầu tiên được ghi nhận và vinh danh. Có nhiều tên tuổi quen thuộc, từng xuất hiện ở những bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất, tăng trưởng nhanh… như Viettel, Trường Hải, Hòa Phát, Thế giới di động, Thiên Long...     
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải - đơn vị đứng đầu Top 10 Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân thịnh vượng năm 2017 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải - đơn vị đứng đầu Top 10 Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân thịnh vượng năm 2017

Nhưng, một doanh nghiệp thịnh vượng bao hàm nhiều giá trị hơn là quy mô lớn, tăng trưởng nhanh, cho dù đây là một trong những điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các sứ mệnh khác. Kinh tế Việt Nam đang cần rất nhiều doanh nghiệp như vậy, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đặt Việt Nam vào những cơ hội và thách thức rất mới.

Đó là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả, tạo nhiều việc làm, đóng nhiều thuế. Đó là những doanh nghiệp dung hòa mục tiêu tăng trưởng, bảo vệ môi trường, trách nhiệm với người lao động, trách nhiệm xã hội và cộng đồng.

Chính phủ đang làm hết sức, với quyết tâm mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, hội nhập thành công

Đó là những doanh nghiệp chọn chuyên nghiệp, sáng tạo, minh bạch, phát triển bền vững làm định hướng phát triển.

Đó là những doanh nghiệp thúc đẩy niềm tin kinh doanh, khát vọng khởi nghiệp, làm giàu cho minh và cho đất nước của thế hệ trẻ Việt Nam.

Trên hết, các doanh nghiệp được gọi là thịnh vượng đã chọn gánh trên vai sứ mạng của doanh nghiệp Việt Nam hiện đại: đó là góp phần hiện thực hóa nhanh chóng khát vọng thịnh vượng của các thế hệ người Việt đương đại. Chính con đường hướng tới sự thịnh vượng chung của nền kinh tế, của đất nước sẽ đưa các doanh nghiệp Việt Nam tới không gian của sự phát triển bền vững, nhân văn.

Nhưng không đơn giản để các doanh nghiệp Việt làm tròn sứ mệnh nặng nề trên, bởi họ đang phải đối mặt hàng ngày với chi phí kinh doanh lớn, rủi ro cao, chất lượng lao động kém, tiếp cận vốn, đất đai khó khăn... Môi trường chính sách cho dù đang được hoàn thiện, nhưng cần phari hỗ trợ thiết thực hơn cho những quyết định kinh doanh dài hạn.

Nhiều doanh nghiệp vẫn buộc phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để phát triển các mối quan hệ cá nhân với cơ quan chính quyền, công chức nhà nước để giảm bớt rủi ro, khiến nguồn lực tập trung sản xuất, kinh doanh chưa được trọn vẹn… Trong bối cảnh đó, không dễ để dung hòa được lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế…

Người đứng đầu Chính phủ không né trách thực tế này, nhưng ông cũng nhiều lần chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rằng, cơ hội phát triển đang ở phía trước, con tàu Việt Nam phải vững tay lái vượt qua qua gió mạnh, sóng cả đại dương để tiến lên. Chính phủ Việt Nam sẽ vững tin, quyết tâm đổi mới chính mình, tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ông cũng nhiều lần khẳng định sẽ tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp, coi thành công của doanh nghiệp như là thành công của Chính phủ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả, chất lượng công tác quản lý nhà nước…

Rõ ràng, Chính phủ đang làm hết sức, với quyết tâm mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, hội nhập thành công. Quan trọng hơn, những hành động của Chính phủ đang hướng tới một Chính phủ phục vụ, kiến tạo để thực hiện mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng.

Niềm tin vào doanh nghiệp Việt Nam thế hệ mới - thế hệ sẽ ghi dấu ấn mới của Việt Nam vào bản đồ phát triển kinh tế của thế giới, đang đặt vào những doanh nghiệp chọn sự thịnh vượng làm mục tiêu phát triển.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục