Việt Nam cần làm gì để đón cơ hội lớn từ nâng hạng thị trường?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đang ở chặng nước rút trong lộ trình nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Đây là cơ hội lớn để thị trường cởi bỏ “tấm áo chật”, đón nhận dòng tiền hàng tỷ USD nước ngoài. Nhưng để hiện thực hóa cơ hội, điều cần làm không chỉ là cải thiện tiêu chí để đáp ứng các tổ chức.

Chặng nước rút trong tiến trình nâng hạng của Việt Nam

Phần thảo luận xung quanh câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt tại Hội thảo Vietnam C-Suite Forum 2024 ngày 25/1 tại Hà Nội vừa qua đã có sự tham gia của đại diện các đơn vị, từ cơ quan quản lý (UBCKNN), tổ chức xếp hạng (FTSE Russell), tổ chức tư vấn phát triển (Ngân hàng Thế giới – WB), công ty niêm yết, thành viên thị trường (Chứng khoán SSI).

Vietnam C-Suite Forum 2024 quy tụ nhiều các nhà quản lý quỹ, chuyên gia phân tích hàng đầu Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, và đặc biệt là các đại diện từ các cơ quan quản lý: Bộ tài chính, UBCKNN cùng đại diện các tổ chức tài chính quốc tế World Bank (WB), FTSE…
Vietnam C-Suite Forum 2024 quy tụ nhiều các nhà quản lý quỹ, chuyên gia phân tích hàng đầu Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, và đặc biệt là các đại diện từ các cơ quan quản lý: Bộ tài chính, UBCKNN cùng đại diện các tổ chức tài chính quốc tế World Bank (WB), FTSE…

Đại diện WB – một tổ chức hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính, đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho cơ quan quản lý một lần nữa nhấn mạnh về vai trò của nâng hạng thị trường theo như nhiều báo cáo của họ trước đó.

Việt Nam là một nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm nay. Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái, nền kinh tế vẫn đang biểu hiện những điểm tích cực và triển vọng cho dài hạn. Do đó, nhu cầu về vốn rất lớn và yêu cầu phát triển là tất yếu. Nguồn vốn cho các doanh nghiệp sẽ không chỉ đến từ các ngân hàng mà cần đa dạng hóa, trong đó không thể không nhắc đến thị trường chứng khoán.

Theo từng nấc thang, Việt Nam từ một quốc gia thu nhập thấp vươn lên mức trung bình, thị trường vốn cũng cần được nâng cấp. Mốc thời gian đạt mục tiêu nâng hạng lên thị trường từ cận biên lên mới nổi được đặt ra là năm 2025, tức sẽ còn hai năm tính từ thời điểm hiện tại.

Hiện trên thế giới, có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường gồm Morgan Stanley Capital International (MSCI), FTSE Russell và S&P Dow Jones. Sự phân hạng thị trường của FTSE và MSCI là cơ sở tham chiếu đánh giá vị thế một quốc gia, thị trường và doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu. Các tiêu chí của FTSE Russell có phần bớt khắt khe hơn. Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE Russell, tiếp đến sẽ đến MSCI.

FTSE Russell chia thành 4 nhóm phân hạng gồm: Thị trường phát triển (Developed Market), Thị trường mới nổi tiên tiến (Advanced Emerging Market), Thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging Market) và Thị trường cận biên (Frontier Market). Cập nhật về lộ trình nâng hạng, đại diện từ FTSE Russell đã trả lời cho câu hỏi “Việt Nam còn thiếu điều gì?” cho việc nâng hạng từ Thị trường cận biên lên Thị trường mới nổi sơ cấp. Theo đó, điểm mấu chốt là bỏ tiêu chí ký quỹ trước giao dịch (prefunding). Mặc dù không nằm trong tiêu chí xếp hạng, nhưng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) hay quy trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được xem xét.

Tuy nhiên, theo bà Wanming Du – Giám đốc, Chính sách Chỉ số, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của FTSE Russel, hạn chế sở hữu nước ngoài là vấn đề gặp phải ở các thị trường lớn trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, không riêng Việt Nam.

Với nút thắt như hiện tại, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cập nhật tiến trình giải quyết từ phía cơ quan quản lý tới các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích.

Cơ quan quản lý đầu ngành chứng khoán đang ưu tiên giải quyết tiêu chí vừa được FTSE đề cập cùng với các vấn đề khác như FOL, giải pháp minh bạch thị trường. UBCKNN đang nghiên cứu và sẽ đề xuất sửa đổi một số văn bản pháp lý như Nghị định 155/2020 (hướng dẫn Luật Chứng khoán) và Thông tư 96/2020 (về công bố thông tin), Thông tư 119/2020 (về lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán), Thông tư 120/2020 (về giao dịch chứng khoán) của Bộ Tài chính.

Để tiết kiệm thời gian, kế hoạch sẽ ban hành một thông tư sửa đổi cùng lúc ba thông tư kể trên, bà Bình nói. Dự thảo thông tư sắp được hoàn thiện để trình lên Bộ Tài chính để lấy ý kiến các thành viên thị trường.

Việc sửa đổi Nghị định 155, cần phải tuân thủ quy định về việc ban hành, sẽ mất nhiều thời gian hơn. Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đang nhanh chóng thực hiện các khâu để sửa đổi một nghị định.

Giả định Nghị định 155 được sửa đổi xong trong tháng 9 năm nay, kết hợp việc hoàn thiện nền tảng công nghệ thị trường, giải pháp mới được triển khai sau đó. FTSE Russell cần thời gian lắng nghe phản ánh của nhà đầu tư về những điểm chưa được thực hiện trước khi đưa ra ủy ban cố vấn quyết định cuối cùng. FTSE kỳ vọng bước cuối cùng sẽ thực hiện vào năm 2024. Trong kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam sẽ nằm trong thông báo tạm thời về nâng hạng vào tháng 3/2025, thông báo chính thức vào tháng 9 cùng năm. Như vậy, thời điểm có hiệu lực vào tháng 3/2026. Ở kịch bản khác, thời gian được thông báo chính thức vào tháng 9/2025 và có hiệu lực vào tháng 3/2026 hoặc muộn nhất 9/2026.

Tại sự kiện, phía FTSE Russell cập nhật, thời gian có hiệu lực sau khi thông báo chính thức sẽ là 6 tháng thay vì 12 tháng như trước đây. Đây là điểm có lợi cho Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt cần làm gì trước vận hội lớn?

Nhưng khi bàn tới câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, không dừng lại ở những giải pháp mang tính kỹ thuật, những vị chuyên gia tại sự kiện đưa ra vấn đề bàn luận trọng tâm đó là làm sao để có thể hưởng lợi lớn nhất khi đạt được hoàn thành mục tiêu.

WB từng đưa ra các cập nhật về khả năng hút vốn của Việt Nam khi được nâng hạng. Tại sự kiện, đại diện từ tổ chức này cập nhật, dòng vốn có thể đón khoảng 5 đến 30 tỷ USD. Sở dĩ đó không phải là một con số chính xác bởi dòng vốn toàn cầu thay đổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam có thể thay đổi và bản thân khả năng hấp thụ vốn ngoại của các doanh nghiệp Việt Nam cũng là một biến số.

Trong giai đoạn đầu, khi được FTSE Russell nâng hạng, quy mô vốn hấp thụ có thể đạt 2 – 5 tỷ USD với giả định Việt Nam được phân bổ 1% vốn, giới hạn được nâng lên 30 tỷ USD sau khi được MSCI nâng hạng.

Song, theo chuyên gia từ WB, yếu tố chất lượng nên được đề cao, số lượng doanh nghiệp niêm yết đáp ứng tiêu chí có thể ít hơn nhưng chất lượng phải tốt hơn. “Làm thế nào để làm cho số lượng ít hơn thực sự tốt hơn là một thách thức với cơ quan quản lý vì cần phải tạo ra một mẫu số chung”.

Để giải quyết yếu tố về chất, việc cần làm không phải thúc đẩy những doanh nghiệp đã làm tốt mà cần tạo một giải pháp để có số lượng nhiều nhất công ty tuân thủ quy định trong nước, thậm chí có thể đáp ứng các thông lệ tốt nhất trên thế giới. Theo đánh giá, số lượng công ty có tiêu chuẩn công bố thông tin, chuẩn mực kế toán cao nhất tại Việt Nam là không nhiều. Vẫn còn khoảng cách lớn giữa các quốc gia và Việt Nam trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư.

Từ góc nhìn này để thấy rằng, không chỉ xuất phát từ cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cần phải làm mới mình để có thể vươn ra “biển lớn”. Tất cả cùng chung tay để tạo một cộng đồng doanh nghiệp chất lượng hơn trước khi nghĩ đến mục tiêu số lượng nhiều hơn.

Trong vấn đề này, để nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý dự kiến sẽ xây dựng một lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh cho các doanh nghiệp niêm yết.

Theo kế hoạch, từ năm 2025, tất cả công ty vốn hóa lớn cần công bố thông tin tới nhà đầu tư bằng tiếng Anh với các tài liệu như báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên. Tới 2026, tất cả những công bố thông tin từ doanh nghiệp đều song ngữ Anh – Việt, có văn bản riêng bằng tiếng Anh với nhóm vốn hóa lớn. Đến năm 2028, tất cả công ty niêm yết vốn hóa lớn và nhỏ đều phải công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Như vừa đề cập ở trên, câu chuyện dòng vốn ngoại có thể mua gì sau khi Việt Nam được nâng hạng cũng cần được giải quyết. Để tăng tỷ lệ sở hữu, các công ty cần rà lại các ngành nghề có kinh doanh hoặc loại bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế sở hữu nước ngoài.

Chưa hết, công tác tạo hàng hóa thứ cấp chất lượng cho thị trường cũng cần được quan tâm, Việt Nam cần thúc đẩy hoạt động IPO. Một nhóm doanh nghiệp còn bỏ ngỏ trong tình huống này đó là khối FDI. Việt Nam là trung tâm sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất nhập khẩu là một trụ cột của nền kinh tế, nhưng vẫn chưa có một đại diện đủ lớn từ nhóm này tham gia thị trường chứng khoán. Thị trường đang thiên lệch về hai nhóm ngân hàng và bất động sản.

Trong 2 ngày 24-25/1/2023 các phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ sự kiện Vietnam C-Suite Forum 2024 đã diễn ra tại Sofitel Legend Metropole (Hà Nội). Đây là sự kiện uy tín do CTCP Chứng khoán SSI và Citi Group phối hợp tổ chức thường niên kể từ năm 2018, nhằm kết nối dòng vốn đầu tư ngoại và các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đường cho doanh nghiệp Việt tìm kiếm những nguồn vốn mới hiệu quả.

Tham gia sự kiện năm nay có sự góp mặt của nhiều Nhà quản lý Quỹ trong và ngoài nước, chuyên gia phân tích, đại diện UBCKNN, đại diện một số các doanh nghiệp… cùng trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề xung quanh Triển vọng vĩ mô; Triển vọng thị trường chứng khoán; Triển vọng đầu tư các ngành quan trọng hay Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục