Thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc năm 2023 tương đối thành công và chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 12,2%. SSI Research kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.
Trong tháng giao dịch đầu tiên của năm, quán tính phục hồi có thể tiếp diễn nhưng sẽ tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng với 3 chủ đề chính là: Chi tiết kế hoạch hành động của Chính phủ trong năm 2024 và các văn bản pháp lý được thông qua; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và quý IV/2023 là quý đầu tiên lợi nhuận thị trường tăng trưởng dương trở lại sau 4 quý liên tục suy giảm.
Nhóm phân tích lưu ý xu hướng dòng tiền trước dịp Tết nguyên đán sẽ thường có nhiều biến động mạnh, cũng như cung chốt lời khả năng sẽ diễn ra khi VN-Index đã hồi phục 12% từ đáy ngắn hạn hay lo ngại tỷ giá biến động có thể quay lại khi các dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy rủi ro có thể FED không sớm giảm lãi suất như kỳ vọng. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn nên giữ tỷ trọng cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt để có dư địa tận dụng cơ hội khi biến động thị trường diễn ra.
Về tín hiệu kỹ thuật, chỉ số VN-Index tiếp nối xu hướng với những tín hiệu khả quan hơn sau 2 tháng cuối năm 2023 tạo đáy và hồi phục. Việc tích lũy quanh vùng 1.076 - 1.130 điểm diễn ra chủ đạo trong tháng 12/2023, tạo nền tăng trưởng cho đầu năm 2024.
Tiếp nối đà tăng trưởng đã tạo nền trước đó, chỉ số VN-Index sẽ theo xu hướng chuyển động tích cực dần với mức dao động 1.125 -1.180 điểm trong tháng 01/2024. Trong trường hợp kém tích cực khi VN-Index xâm phạm phạm dưới vùng 1.095 -1.100 điểm, nhà đầu tư cần chờ đợi thị trường cân bằng để tham gia trở lại.
6 cổ phiếu khuyến nghị tháng 01/2024:
PVT - Tổng CTCP Vận tải Dầu khí
PVT đang hưởng lợi từ chu kỳ đi lên của ngành vận tải hàng lỏng, và ghi nhận lợi nhuận gộp cốt lõi của mảng vận tải trong quý III tăng trưởng 28% so với cùng kỳ và 9% so với quý trước, nhờ vào giá cho thuê tàu tăng và nâng công suất tàu (tăng 23% so với cuối 2022). Ngoài ra, sự kiện căng thẳng địa chính trị tại kênh đào Suez dự kiến sẽ làm tình hình thị trường tàu hàng lỏng thêm thiếu cung và có thể dẫn đến tăng giá cước và giá cho thuê tàu định hạn trong tương lai, đặc biệt trong tình huống căng thẳng kéo dài.
Lợi nhuận trước thuế dự phóng cho giai đoạn 2023 - 2024 lần lượt là 1.600 tỷ đồng (tăng 9,8%) và 1.700 tỷ đồng (tăng 4,3%). Mức tăng trưởng này có thể sẽ được điều chỉnh tăng dựa trên tiến độ và mức giá đầu tư tàu của PVT trong thời gian tới.
HAH - CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An
Cước tàu biển container quốc tế đã tăng mạnh trong thời gian qua do các diễn biến địa chính trị tiêu cực ở kênh đào Suez. Theo như thống kê của Clarksons, các hãng tàu container lớn chiếm 85% tổng trọng tải toàn thế giới đã thông báo sẽ tránh đi qua Suez trong thời gian tới. Sự việc này kéo dài sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra giảm nguồn cung tàu và tăng giá cước vận tải.
SSI kỳ vọng HAH sẽ là một trong các đối tượng hưởng lợi chính khi giá cước container thế giới tăng với đội tàu container lớn nhất Việt Nam và chiếm thị phần lớn nhất về container nội địa. Bên cạnh đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ lên giá cho thuê tàu định hạn của HAH, và có thể thay đổi triển vọng lợi nhuận của Công ty trong 2024-2025.
CII - CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM
CII hiện đang quản lý 7 trạm thu phí BOT, doanh thu trung bình hằng năm đạt 950 - 1.500 tỷ đồng/năm – chiếm 24% tổng doanh thu. Nhóm phân tích dự báo lưu lượng xe tại các dự án của CII tăng trung bình 3-8%/ năm và giá vé tăng 9- 25% trong 3-5 năm.
Bên cạnh đó, CII sẽ tiếp tục ghi nhận các dự án bất động sản hiện hữu; tăng giá vé 18% từ trạm Ninh Thuận và Cổ Chiên từ ngày 29/12/2023; tái cấu trúc khoản vay và CII dự kiến trả cổ tức 16% tiền mặt năm 2024.
Tuy nhiên, rủi ro đến từ việc pha loãng cổ phiếu khi CII dự kiến phát hành 3.600 tỷ đồng, tỷ lệ chuyển đổi 10:1, giá 10.000 đồng/CP sẽ ảnh hưởng đến lượng cổ phiếu đang lưu hành của Công ty.
HPG - CTCP Tập đoàn Hoà Phát
Sản lượng tiêu thụ thép dài và HRC tháng 12 tăng mạnh 36% so với cùng kỳ và 7% so với tháng trước lên mức 760.000 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 nhờ sự hồi phục của kênh nội địa cùng với kênh xuất khẩu duy trì vững chắc. Việc giá thép tăng trong tháng cũng giúp hỗ trợ tâm lý thị trường và nhu cầu tăng dự trữ hàng tồn kho của người mua.
Ước tính lợi nhuận quý IV/2023 có thể đạt trên khoảng 2.300 tỷ đồng so với mức lỗ 2.000 tỷ đồng quý IV/2022. Trong năm 2024, SSI ước tính lợi nhuận của Công ty có thể tăng trưởng trên 80% lên hơn 11.000 tỷ đồng nhờ sản lượng cải thiện và giá thép ổn định trở lại.
FPT - CTCP FPT
SSI kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định 2 chữ số được duy trì trong năm 2024, đặc biệt là mảng công nghệ thông tin (tăng 24%) và mảng giáo dục (tăng 23%). Thị trường nước ngoài tiếp tục đóng góp chủ yếu vào mảng CNTT nhờ vị thế vững chắc ở thị trường Nhật Bản, Mỹ và Châu Á-Thái Bình Dương cũng như lợi thế chi phí thấp. Đối với mảng Giáo dục, FPT sẽ hưởng lợi từ việc mở rộng quy mô trường học cũng như kỳ vọng Khoa Vi mạch bán dẫn của Đại học FPT sẽ đào tạo lứa sinh viên đầu tiên và FPT tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu trong tương lai.
Trong quý IV/2023, SSI ước tính lợi nhuận ròng tiếp tục tăng trưởng ở mức 22%. SSI ước tính lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sẽ tăng trưởng 21% năm 2023 và 23% năm 2024.
NLG - CTCP Đầu tư Nam Long
Doanh số bán hàng của NLG trong quý III/2023 phục hồi sau khi chạm đáy trong quý IV/2022. Năm 2023, SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt là 2.94 tỷ đồng (giảm 32,3%) và 437,8 tỷ đồng (giảm 21,3%) phần lớn là do Công ty chưa kịp bàn giao và ghi nhận doanh số đã bán trong giai đoạn 2021- 2022, đồng thời chưa hoàn thành việc ghi nhận lợi nhuận tài chính từ đợt chuyển nhượng 25% thứ hai tại dự án Paragon Đại Phước.
Đối với năm 2024, nhóm phân tích ước tính NLG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ lần lượt là 6.860 tỷ đồng và 1.030 tỷ đồng, lần lượt tăng 133% và 136% so với cùng kỳ.