Covid-19, tất nhiên sẽ là từ khóa khi nói tới kinh tế Việt Nam thời điểm này, nếu tóm tắt ngắn thì theo ông đâu là các điểm tác động chính của Covid-19 cần phải lưu tâm?
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GDP nửa đầu năm 2020 của Việt Nam chỉ tăng 1,8%, thấp hơn mức 6,8% cùng kỳ. Tuy nhiên, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng âm.
Năm 2019, tiêu dùng trong nước chiếm 64% GDP, đặc biệt, so với các nước, tỷ lệ tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu của người dân Việt Nam đứng Top đầu, chiếm 40% GDP. Cơ cấu tiêu dùng đó phần nào giúp Việt Nam chịu ít tác động của đại dịch hơn các nước khác, bên cạnh những thành công trong công tác chống dịch của Chính phủ và cộng đồng.
Mặc dù Covid-19 tác động lớn đến các nền kinh tế trên thế giới, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 238 tỷ USD, chỉ giảm 3,2% so với cùng kỳ, so với GDP đạt gần 2,2 lần.
Ðiều đó có thể giải thích một phần do nhu cầu tiêu dùng của các nước phát triển về những sản phẩm thiết yếu không suy giảm trong giai đoạn khủng hoảng do dịch Covid-19, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh bên cạnh tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ðây sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Nói về FTA, dường như mọi chú ý đang dành cho EVFTA…?
Ðúng như vậy, cần phải nhìn một cách có hệ thống về các FTA trong quá khứ đã tạo cho kinh tế Việt Nam độ mở lớn với nền kinh tế toàn cầu. Hiện Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có FTA với Liên minh châu Âu - EU (EVFTA). Ðây là hiệp định mới nhất có hiệu lực và với khu vực kinh tế có quy mô lớn nên được quan tâm là dễ hiểu.
Nói thêm một chút về EVFTA, trong các nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam là quốc gia duy nhất có FTA với EU. Còn trong Ðông Nam Á, Việt Nam là nước thứ 2 sau Singapore có FTA với EU.
Theo tính toán, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện cho 71% hàng hóa Việt Nam miễn thuế vào thị trường châu Âu, trong khi 65% hàng hóa từ EU vào thị trường Việt Nam mà không phải chịu bất kỳ mức thuế nào. Có thể nói, EVFTA sẽ là cú huých cho xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ngoài ra, hiệp định này cũng giúp thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuận lợi hơn.
Ðây là động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Bởi các FTA thế hệ mới như EVFTA đều có cam kết đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh.
Ðiều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn.
Việt Nam có một quá trình tăng trưởng kinh tế liên tục ba thập kỷ, nhưng vẫn là nước đang phát triển có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp |
Ðối với môi trường kinh doanh, việc tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, hay Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo điều kiện và động lực cơ hội để thay đổi, cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các thị trường phát triển hơn, thu hút thêm các nhà đầu tư, từ đó nâng cao năng lực quản trị, điều hành cũng như năng lực tài chính.
Song bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với khá nhiều thách thức khi tham gia các FTA thế hệ mới. Bởi sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt còn yếu. So với thông lệ quốc tế, thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách lớn.
Nếu chúng ta không nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thì đây chính là rào cản ngăn dòng vốn FDI chất lượng vào Việt Nam, không nâng được năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Hãng tin Bloomberg vừa có bài viết về kinh tế Việt Nam và cho rằng, Covid-19 đã ngắt chuỗi tăng trưởng liên tục ba thập kỷ của Việt Nam. Tôi và nhiều người vẫn tin rằng, đây chỉ là “cú ngắt mạch” tạm thời, còn triển vọng dài cho kinh tế Việt Nam vẫn tốt. Ông nhân định sao về điều này?
Về triển vọng, tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới vẫn phụ thuộc nhiều vào tiến độ phát triển vắc-xin chống lại Covid-19 và tình hình phục hồi kinh tế thế giới.
Như chúng ta biết, Chính phủ cũng đã hành động rất quyết liệt để thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế, một trong những hành động quyết liệt rối ráo là thúc đẩy tăng giải ngân đầu tư công.
Theo tôi, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc tiến độ các dự án trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc - Nam, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và các dự án có tính lan tỏa, kết nối vùng, miền là biện pháp cấp thiết lúc này. Tuy nhiên, việc kích thích kinh tế ngắn hạn phải đảm bảo không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ về lâu dài.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang triển khai thêm các hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều cần nhất cho doanh nghiệp hiện nay là giúp họ tồn tại và mở rộng ra những thị trường, không gian phát triển mới. Hiện tại, các gói hỗ trợ chủ yếu tập trung vào kết quả hoạt động như đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho những doanh nghiệp nhỏ.
Nhưng để có triển vọng tốt dài hạn như vừa đề cập, tôi cho rằng, những điều như trên là chưa đủ, chúng ta cần thực hiện các giải phải hỗ trợ tác động vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp và những đổi mới căn bản về môi trường kinh doanh trong dài hạn.
Giải pháp dài hạn, có vẻ như là một vấn đề rất lớn?
Không thể tránh được, Việt Nam có một quá trình tăng trưởng kinh tế liên tục ba thập kỷ, nhưng vẫn là nước đang phát triển có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp. Ðể tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên ba trụ cột: Vốn, lao động và công nghệ. Chúng ta đã bàn nhiều về lao động. Ở đây, tôi xin phân tích thêm hai trụ cột vốn và công nghệ.
Ðối với nhân tố vốn, bên cạnh nguồn vốn tài chính cùng các giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tôi xin nhấn mạnh đến một kênh quan trọng khác là huy động nguồn lực của xã hội, hay vốn xã hội.
Mặt khác, đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi căn bản về hành vi xã hội và xu hướng người tiêu dùng, do đó việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, số hóa vào vận hành xã hội và doanh nghiệp, phục vụ người dân là một mấu chốt quan trọng có thể mang lại sự đột phá.
Chính phủ cần đẩy nhanh áp dụng tiến bộ công nghệ trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt công tác hành chính phục vụ nhân dân và tăng cường ứng dụng nền tảng số hóa trong mọi mặt của xã hội.
Chính phủ cũng cần kiện toàn các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng số vào hoạt động kinh doanh, vận hành hàng ngày, đầu tư vào công tác nghiên cứu khoa học để Việt Nam có nhiều doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, được quản trị tốt mang thương hiệu quốc gia như Viettel hay Vinamilk.
Vậy còn thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì sao, câu chuyện mở cửa “đón đại bàng” vẫn đang là câu chuyện rất thời sự?
Việc mở cửa thu hút vốn FDI là một chủ trương lớn, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước trong suốt chặng đường Ðổi Mới 30 năm qua.
Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp cấp thiết lúc này. Tuy nhiên, việc kích thích kinh tế ngắn hạn phải đảm bảo không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ về lâu dài.
Trong năm 2019, khu vực kinh tế FDI chiếm 20% tổng GDP quốc gia và 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. 58% tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu, đạt 65% trong 7 tháng đầu năm 2020.
Do xung đột thương mại Mỹ - Trung, cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát, hiện đang có làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ðể tận dụng được làn sóng dịch chuyển này, theo tôi, Việt Nam cần chủ động thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính.
Thứ hai, cần chuẩn bị sẵn sàng về đất công nghiệp với đầy đủ cơ sở hạ tầng và chính sách giá cả ổn định, phù hợp theo từng vùng kinh tế. Muốn vậy, chúng ta cần khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp nhằm tạo thêm nguồn quỹ đất sạch với hạ tầng đồng bộ để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Thứ ba, chuẩn bị nguồn nhân lực, sẵn sàng cung ứng một số lượng lao động lớn và trình độ chuyên môn cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời đại công nghệ 4.0. Với dân số hơn 96 triệu người tính đến năm 2019, trong đó trên 50% ở độ tuổi lao động, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng và có lẽ đây là cơ hội cuối cùng cho chúng ta nắm bắt để bứt lên.
Thứ tư, tôi thấy hiện tại chính sách ưu đãi thu hút FDI được áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp. Chúng ta nên có các chính sách ưu đãi riêng đối với từng loại hình doanh nghiệp FDI hoặc theo từng địa bàn cụ thể như Ấn Ðộ hay Trung Quốc đã làm.
Ðây là việc cần triển khai nhanh chóng, vì sẽ giúp chúng ta xác định được trọng tâm dòng vốn FDI theo lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, từ đó đưa ra các chính sách thu hút phù hợp, cạnh tranh với các quốc gia khác.
Ngoài việc thu hút, theo tôi, Việt Nam cần có biện pháp để giữ lại dòng vốn FDI tái đầu tư để tiếp tục phát triển. Thực tế cho thấy, khoảng cách giữa GDP và GNI (thu nhập quốc dân) đang ngày một nới rộng.
Theo tính toán, tỷ lệ GNI/GDP năm 2010 khoảng trên 96%, nhưng đến năm 2019, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 92,5%. Ðiều đó có nghĩa, chúng ta vẫn còn cơ hội để hấp thụ dòng vốn nước ngoài tiếp tục ở lại tái đầu tư tại Việt Nam.
Cũng quan trọng không kém, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động học được những bí quyết, công nghệ để đứng vững trên đôi chân của mình, góp phần xây dựng một nước Việt Nam phát triển, hùng cường.