Việt Nam cần áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn trong năm 2016

Quyết định “lịch sử” - nâng lãi suất lên 0,25% sau 8 năm duy trì lãi suất 0% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra vào sáng 17/12 theo giờ Việt Nam đã gây ra một số phản ứng khác nhau trên thị trường Việt Nam.

Việt Nam cần áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn trong năm 2016

Điều dễ nhận thấy là, giới đầu tư trong nước đã thở phào, bởi quyết định này cho thấy tín hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới vững vàng hơn.

Tại thị trường Viêt Nam, quyết định tăng lãi suất của Fed cũng đã được thị trường chờ đợi từ lâu và hầu như đã “thẩm thấu” vào các diễn biến của thị trường từ đầu năm đến nay. Quyết định của Fed cũng nằm trong dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), được cơ quan này đưa vào quyết định điều chỉnh tỷ giá, nới biên độ cách đây ít tháng.

Tuy vậy, việc Fed tăng lãi suất cũng có thể gây thêm tác động với thị trường trên nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, quyết định mới của Fed sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như năm 2016.

Dù NHNN khẳng định quyết tâm giữ tỷ giá từ nay đến đầu năm 2016 để đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định, song tỷ giá trong năm 2016 dự báo sẽ chịu nhiều áp lực do Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất một số lần nhỏ khác nữa. Khi đó, các nước nhất là những quốc gia có mối quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá.

Thứ hai, nợ nước ngoài sẽ tăng do cấu trúc nợ của Việt Nam liên quan nhiều đến đồng USD. Dĩ nhiên, khi lãi suất đồng USD tăng có thể sẽ khiến lãi suất hoặc tỷ giá một số đồng tiền khác (ví dụ euro) giảm, do đó tác động chung về nợ nước ngoài sẽ không lớn, nhưng lại khiến lãi suất vay nợ nước ngoài nhìn chung sẽ tăng lên. Cũng bởi vậy, nợ của doanh nghiệp vay bằng USD trong và ngoài nước sẽ tăng, dẫn tới chi phí vốn vay trở nên đắt đỏ hơn.

Thứ ba là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Năm qua, lường trước khả năng tăng lãi suất của Fed, dòng vốn đầu tư đã có dấu hiệu chuyển ra khỏi một số thị trường mới nổi. Trước quyết định mới đây của Fed, Việt Nam sẽ không hẳn là trường hợp ngoại lệ.

Thứ tư, đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã được đưa vào rổ tiền tệ thế giới. Do đó, việc Fed tăng lãi suất cùng với sự kiện trên sẽ khiến chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong năm tới linh hoạt hơn, đòi hỏi NHNN phải bám sát động thái thị trường thế giới, nhất là chính sách tiền tệ của Mỹ, Trung Quốc để ứng phó kịp thời.

Trong các tác động trên, tỷ giá là yếu tố chịu nhiều áp lực nhất. Sự gia tăng tỷ giá VND/USD những ngày qua một phần do tác động của yếu tố tâm lý trước quyết định của Fed. Với cung cầu ngoại tệ hiện nay, khả năng NHNN ổn định tỷ giá trong quý I/2016 là hoàn toàn có thể, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, tỷ giá năm tới chịu rất nhiều áp lực.

Trước hết, đó là khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất với thông điệp khá rõ rằng, Fed sẽ tăng lãi suất làm 4 lần với mức tăng mỗi lần 0,25%. Nhưng đây chưa phải là điều đáng lo nhất. Đáng lo nhất đối với Việt Nam là khả năng Trung Quốc sẽ điều chỉnh đột ngột tỷ giá đồng nhân dân tệ, nhất là trong bối cảnh đồng tiền này được đưa vào rổ tiền tệ thế giới. Trong bối cảnh đó, NHNN cần bình tĩnh, bám sát chính sách tiền tệ của những quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam, đồng thời áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn trong năm tới.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục