Theo ông Deepak Mishra, áp lực tỷ giá bắt đầu tích tụ kể từ đầu năm 2015 do cả hai yếu tố thâm hụt thương mại của Việt Nam gia tăng và các đồng tiền châu Á đều bị suy yếu. Sức ép này trở nên trầm trọng hơn khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá hồi tháng 8/2015.
Cân nhắc việc tăng lãi suất và mức dự trữ ngoại tệ có hạn (tương đương gần 3 tháng nhập khẩu), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm giá trị tiền đồng ba lần vào các tháng 1, 5 và 8/2015 với tổng cộng 3%. Ngoài ra, NHNN cũng nới biên giao dịch ngoại tệ từ +/- 1% lên +/- 3%.
“NHNN vẫn cam kết giữ ổn định tỷ giá trong thời điểm hiện nay bằng việc tiếp tục bán ngoại tệ ra thị trường cho các ngân hàng có nhu cầu và sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thị trường ngoại hối. Nếu không có biến động mạnh nào trên thị trường thế giới và NHNN vẫn tiếp tục bán ngoại tệ ra thị trường, nhiều khả năng, tỷ giá USD/VND vẫn sẽ ổn định trong tháng cuối cùng của năm” - ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam
“Tính chung, trong năm 2015, tiền đồng đã mất khoảng 5% giá danh nghĩa và gần 3% giá thực tế so với đồng USD. NHNN còn hạ lãi gửi tiết kiệm bằng USD và siết chặt quản lý các giao dịch bằng ngoại tệ giữa các tổ chức tài chính nhằm tránh đầu cơ và găm giữ ngoại tệ… Biện pháp này phần nào đã ổn định tỷ giá, nhưng tiền đồng vẫn lên giá khi so sánh với tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Việt Nam”, ông Deepak Mishra nhận định.
Trước những lo ngại về việc Fed tăng lãi suất trong tháng này sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối Việt Nam, đặc biệt, cuối năm vốn là mùa “căng” nhất của tỷ giá, ông Deepak Mishra cho rằng, Fed tăng lãi suất là một sự kiện có thể xảy ra nhưng không phải là điều ngạc nhiên, bởi đây là một sự kiện xác định được.
Trong khi đó, thị trường vốn của Việt Nam vẫn tương đối đóng. Dù FDI, FII đã mở cửa nhưng vẫn có sự kiểm soát dòng vốn. Do vậy, Fed tăng lãi suất, biến động sẽ không thể đột ngột tới nền kinh tế Việt Nam.
Nhận định từ thị trường, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam nêu quan điểm, tỷ giá USD/VND biến động trong thời gian gần đây do ảnh hưởng tâm lý từ những thông tin dự báo Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản và bất ổn chính trị tại một số quốc gia. Ngoài ra, cầu ngoại tệ của DN cũng tăng nhẹ vào thời điểm cuối năm khi kinh tế khởi sắc hơn. Tuy nhiên, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn thặng dư cao nhờ vào đầu tư nước ngoài.
Ngày 11/8, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định nới biên độ tỷ giá lên từ +/-1%, lên +/- 2%, sau khi Trung Quốc điều chỉnh giảm kỷ lục đồng nhân dân tệ (CNY).
Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước ra thông báo tăng tỷ giá bình quân VND/USD lên 1% đồng thời nới biên độ giao dịch từ +/-2% lên +/-3%. Theo đó, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND với USD, áp dụng từ ngày 19/8/2015 là 21.890 VND, mức giá trần là 1 USD đổi 22.547 VND và mức giá sàn là 1 USD đổi 21.233 VND.
Ngày 24/8, khi tỷ giá tăng mạnh và được đẩy lên mức trần, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn đang thuận lợi cho việc giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Việc Fed tăng lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian (nhiều khả năng sẽ tăng trong tháng 12/2015), tuy nhiên, động thái này đã được phản ánh vào giá thị trường hiện nay. Ngoài ra, do nền kinh tế thế giới vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn, Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất rất chậm để đảm bảo không gây sốc cho thị trường tài chính thế giới.
“NHNN vẫn cam kết giữ ổn định tỷ giá trong thời điểm hiện nay bằng việc tiếp tục bán ngoại tệ ra thị trường cho các ngân hàng có nhu cầu và sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thị trường ngoại hối. Nếu không có biến động mạnh nào trên thị trường thế giới và NHNN vẫn tiếp tục bán ngoại tệ ra thị trường, nhiều khả năng, tỷ giá USD/VND vẫn sẽ ổn định trong tháng cuối cùng của năm”, ông Hải nhận định.
Ông Sebatian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp WB chia sẻ thêm, không phải chỉ có những vấn đề của Fed, mà cả của EU và Nhật sẽ có ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái cũng như dòng tài chính trên toàn cầu. Với nền kinh tế mở như Việt Nam, Chính phủ cần linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái.
“Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có những biến động, rất cần sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá hối đoái và cả chính sách tiền tệ, bởi còn những biến động khác trong tương lai gần. Đặc biệt, cần xây dựng vùng đệm chính sách để bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc bên ngoài, kết hợp giữa điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá với điều hành chính sách tiền tệ”, ông Sebatian Eckardt nói.
Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản Báo cáo về kinh tế vĩ mô - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 12/2015 đã điều chỉnh nhận định về dự báo tỷ giá. Theo đó, đến cuối năm 2015, tỷ giá USD/VND là 22.500, thay vì 22.800 và cuối năm 2016 là 23.000, thay vì 23.300 như dự báo mà đơn vị này đưa ra trước đó.