Với TPP, Việt Nam cần chính sách tỷ giá linh hoạt

(ĐTCK) Nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết, người tiêu dùng Việt Nam rõ ràng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn bởi tính đa dạng của sản phẩm dịch vụ tài chính và ngân hàng. Tuy nhiên, bối cảnh mới đòi hỏi cả hệ thống ngân hàng nội địa cần sẵn sàng và chủ động tham gia vào quá trình hội nhập.
Cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới Cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới

Cơ hội phát triển thần kỳ...

TS. Đào Lê Kiều Oanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM nhận định, việc các điều kiện tiếp cận thị trường sẽ dần được xoá bỏ có thể coi là một thách thức đối với các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Thách thức này đến từ một số hạn chế của hệ thống ngân hàng, đơn cử như khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp.

Một hạn chế nữa được TS. Oanh chia sẻ đó là vấn đề quản trị rủi ro tại các ngân hàng trong nước còn nhiều bất cập và nợ xấu hệ thống ngân hàng đang có xu hướng gia tăng. Song song với đó là câu chuyện một số ngân hàng có năng lực quản trị yếu kém, vi phạm các nguyên tắc quản trị DN và quản trị rủi ro.

"Ngành ngân hàng “có dịp” lặp lại giai đoạn phát triển thần kỳ như năm 2006, khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng cường độ có thể thấp hơn" - TS. Đào Lê Kiều Oanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM.

Đồng thời, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ vốn tự có thấp, thậm chí có ngân hàng còn thấp hơn tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 9%.

“Theo ước tính, hệ số an toàn vốn của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đứng ở mức 8,5%, con số này khá thấp so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (11%), Thái Lan (15,7%), Philipinnes (15,2%)”, TS. Oanh cho biết, “đặc biệt, việc nới “room” tuy giúp các ngân hàng nội địa có thể tiếp nhận luồng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, nhưng sức ép bị thâu tóm hay chi phối cũng tăng cao”.

Bên cạnh những thử thách, nhiều cơ hội cũng đang rộng mở đối với các ngân hàng nội địa. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại Việt Nam tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, ngân hàng thương mại Việt Nam có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn uỷ thác trên thế giới với chi phí thấp hơn, do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP.

“Ngành ngân hàng “có dịp” lặp lại giai đoạn phát triển thần kỳ như năm 2006, khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng cường độ có thể thấp hơn”, TS. Oanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, nhiều ý kiến trao đổi bên lề đã thống nhất, thương mại của Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ và các ngân hàng thương mại Việt Nam có điều kiện đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các DN xuất nhập khẩu. Đồng thời, lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ được mở rộng hơn nữa theo các cam kết chung.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyến Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói: “Các ngân hàng thương mại Việt Nam có nhiều khả năng được mở “room” cho đối tác chiến lược nước ngoài. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa”.

Chính sách tỷ giá khi tham gia TPP

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, một trong những chính sách quan trọng nhận được sự quan tâm đặc biệt là chính sách tỷ giá, bởi nó tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh, xuất - nhập khẩu của các DN.

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) cuối tuần trước, ông Jonathan Dunn, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định, môi trường lạm phát thấp hiện tại được kỳ vọng là một cơ hội lý tưởng để các nhà chức trách chuyển sang cơ chế sử dụng lạm phát neo danh nghĩa cho chính sách tiền tệ, đồng thời cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, giúp nền kinh tế tránh được các cú sốc bên ngoài.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm 12 nền kinh tế của 3 châu lục là Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Australia, Peru, Singapore, Mỹ, Canada, Mexico, Malaysia và Việt Nam.

Báo cáo của IMF về các quốc gia thành viên trong TPP theo đuổi các chính sách tỷ giá khác nhau (Annual Reports on Exchange Arrangements and Exchange Restrictions, 10/2014) cho biết các chế độ như sau: Chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn (Free Floating) bao gồm các nước Mỹ, Australia, Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico; Chế độ tỷ giá thả nổi (Floating) là các quốc gia Peru, New Zealand; Chế độ neo tỷ giá trong biên độ (neo vào một rổ tiền tệ-Stabilized arrangement) bao gồm Singapore và Việt Nam; Chế độ tỷ giá có quản lý khác (Other managed arrangement) là Malaysia; Chế độ tỷ giá neo cứng theo một đồng tiền mạnh (currency board) là Brunei.    

Tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ tạo điều kiện tăng dự trữ quốc tế và có thể hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc tăng tính cạnh tranh hoặc tạo thuận lợi cho điều chỉnh kinh tế vĩ mô đối với các dòng vốn vào, nếu những dòng vốn này phát sinh trong bối cảnh TPP.

TS. Nguyễn Thị Thái Hưng, Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng phân tích, việc cam kết duy trì tỷ giá ổn định trong TPP không phải điều kiện cứng, nhưng 12 nước đang trên lộ trình hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn về chính sách tỷ giá và cam kết không sử dụng đồng nội tệ của mình để tăng khả năng cạnh tranh; thỏa thuận này sẽ được thực hiện song song với TPP. Một trong những nội dung được đề cập là việc các nước trong TPP thống nhất sẽ không phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy sức cạnh tranh của mình.

“Thực tế cho thấy, không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp, nhưng chính sách tỷ giá linh hoạt vẫn là phương thức phổ biến được nhiều quốc gia lựa chọn nhất”, TS. Hưng cho biết.

Khoản 2, Điều 15 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực từ ngày 5/9/2014 quy định chế độ tỷ giá hối đoái của VND là thả nổi có quản lý. Tỷ giá được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chế độ tỷ giá hối đoái của VND do NHNN xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Theo TS. Hưng, việc thay đổi cơ chế tỷ giá cố định sang cơ chế thả nổi có quản lý mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới. Cụ thể, thứ nhất, giá cả của hầu hết các mặt hàng cũng như thu nhập của khu vực DN Việt Nam được quyết định theo cơ chế thị trường. Việc thả nổi tỷ giá sẽ giúp sự biến động giá cả của các mặt hàng trong nước cân bằng với sự biến động của giá cả các mặt hàng trên thế giới, qua đó giúp nền kinh tế phân bổ nguồn lực tối ưu hơn.

Với TPP, Việt Nam cần chính sách tỷ giá linh hoạt ảnh 2

Thứ hai, độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn nhưng không bị lệ thuộc mạnh vào một đối tác cụ thể nào nên việc thả nổi tỷ giá sẽ không khiến Việt Nam bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ thị trường tiền tệ bên ngoài, đồng thời giúp Việt Nam ngăn chặn tốt các cú sốc từ thị trường tiền tệ quốc tế.

“Tuy nhiên, để có thể thực hiện chính tỷ giá thả nổi có quản lý một cách hiệu quả, Việt nam cần phải xây dựng một Ngân hàng Trung ương độc lập, tức là một ngân hàng hoạt động dựa trên các nguyên tắc công khai, không bị tác động bởi các chính sách tài khóa và các tổ chức kinh tế, tài chính trên thị trường; cần phải xây dựng một thị trường ngoại hối hiện đại”, TS. Hưng nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục