TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, kết quả xử lý nợ xấu có được là do sự cố gắng của cả hệ thống TCTD trong điều kiện không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN), vay nợ nước ngoài và tình hình DN còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tiến độ xử lý nợ xấu hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc pháp lý trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo.
Sau 3 năm hoạt động, VAMC mới thu hồi được hơn 8.000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi đã mua lại 45% nợ xấu của toàn hệ thống là chậm, mà nguyên do theo TS. Phước là bởi trước đây Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/05/2013 còn nhiều bất cập, xử lý nợ xấu chủ yếu vẫn từ TCTD do phải trích lập 20% mỗi năm cho trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của VAMC.
“TCTD vẫn phải chủ động tăng trích lập DPRR để xử lý nợ xấu, lợi nhuận trước và sau trích lập biến động mạnh. Chi phí trích lập DPRR/lợi nhuận trước thuế và trước trích lập DPRR tăng từ 39% (2011) lên 60% (tháng 8/2015)”, TS. Phước nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, thanh khoản của TCTD đang dồi dào, các TCTD không có nhu cầu tái cấp vốn từ TPĐB, vì vậy không gây áp lực lên chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu, TS. Phước cho rằng cần tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo môi trường cho DN hoạt động hiệu quả, tín dụng tăng hợp lý, tạo lợi nhuận cho hệ thống TCTD, tăng nguồn xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, cần phải lưu động vốn nhanh từ tài sản thế chấp để trả lại thị trường một nguồn vốn đang bị đọng do nợ xấu.
“Hiện nay, thị trường mua bán nợ Việt Nam chưa phát triển, chưa có cơ chế định giá nhanh. Chưa hình thành được thị trường mua bán nợ thứ cấp, do đó chưa tận dụng được nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, thủ tục xử lý tài sản thế chấp còn nhiều phức tạp, qua nhiều khâu xử lý kéo dài. Việc xử lý tài sản bảo đảm càng lâu thì càng ảnh hưởng tiêu cực tới nợ xấu, phát sinh tăng chi phí hoạt động trong quá trình xử lý nợ”, TS. Phước cho biết.
Ở góc độ cơ quan quản lý pháp luật, ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá những bước đi của NHNN thời gian qua đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục pháp luật, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, ổn định thị trường tài chính tiền tệ, ổn định an ninh xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tụng vẫn đưa ra một số kiến nghị về việc tiếp tục rà soát hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật. Cụ thể, những vướng mắc của VAMC liên quan đến pháp luật như Bộ luật Dân sự quy định chỉ ủy quyền cá nhân chứ không phải là pháp nhân trong khi đó VAMC lại là pháp nhân. Trong việc đấu giá tài sản, theo quy định, chỉ có những tổ chức được rao bán đấu giá và phải có đấu giá viên chuyên nghiệp mới được thực hiện trong khi đó những điều này VAMC chưa thực hiện được dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết vấn đề kịp thời…
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Luật NHNN, Luật các TCTD và các văn bản pháp luật liên quan đã quy định khung pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của NHNN và các TCTD. Trong giai đoạn tái cấu trúc ngân hàng 2011-2015, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành một số văn bản tạo điều kiện cho quá trình này diên ra thuận lợi, suôn sẻ. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều bất cập khi triển khai thực thi các quy định pháp luật như về đăng ký thành lập và hoạt động ngân hàng, tiến độ tăng vốn, điều lệ, thanh tra, giám sát, quản lý rủi ro hệ thống…
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện các quy định về tái cấu trúc ngân hàng, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ quá trình này, hỗ trợ kịp thời cho NHNN và NHTM”, bà Nga nói.
Ngoài các biện pháp áp dụng các chính sách tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững, theo TS. Phước còn cần phải tạo tính thanh khoản cao hơn cho việc xử lý các tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản.
TS. Phước cũng đưa ra khuyến nghị các giải pháp cần phải thực hiện gồm: Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý tài sản đảm bảo; Thứ hai, hoàn thiện cơ chế cấn trừ nợ, xiết nợ, thủ tục thi hành án; Thứ ba, cho phép các TCTD được quyền bán đấu giá mà không cần thông qua thủ tục phá sản, xử lý tài sản đảm bảo phức tạp, rườm rà và nhiều công đoạn; Thứ tư, xây dựng cơ chế định giá nhanh để tăng thanh khoản; Thứ năm, hoàn thiện khuôn khổ pháp ý mua bán nợ, tận dụng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán theo giá thị trường cho các tài sản bảo đảm. Hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp.