Thưa luật sư, lâu nay, tên tuổi Luật sư Trần Minh Hải đã trở nên quen thuộc với cộng đồng doanh nghiệp qua nhiều án kiện lớn cũng như nhiều bài báo, cuốn sách. Điều gì đã khiến ông cầm bút?
Cầm bút là một trong những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của tôi, nhưng là để viết luận cứ, viết văn bản tư vấn. Đối với việc viết báo, viết sách, mặc dù bản thân đã viết khá nhiều bài báo, có các cuốn sách nghiệp vụ ngân hàng được nhiều người đón nhận, nhưng tôi chưa bao giờ coi việc viết báo, viết sách là một nghề. Với tôi, những bài báo hay, những cuốn sách tốt là điều luôn đáng được tôn trọng. Bởi đó là kênh khai trí quan trọng có thể làm thay đổi nhận thức của nhiều người.
Thực tiễn mọi lĩnh vực của hoạt động xã hội cho thấy, những kết quả tốt thường được đưa đến từ những hành động, quyết định hợp lý mà nguồn gốc khởi đầu của nó chính là nhận thức đúng đắn. Muốn chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức pháp lý giúp mọi người nên tôi chọn viết để góp phần khai trí cho cộng đồng.
Đâu là cái khó của việc viết báo và viết luận? Đối với ông, viết báo chỉ là cuộc “dạo chơi” thì chắc sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn so với luận cứ - vốn là một phần của dịch vụ mà ông cung cấp cho khách hàng?
Thực tế, việc viết những bài báo đầu tiên có chút khó khăn, nhưng khi đã viết nhiều và có quan điểm rõ ràng về một vấn đề nào đó thì việc viết trở nên thuận tay hơn.
Viết báo đương nhiên khác với viết một luận cứ. Khi viết một bản luận cứ, nhất là luận cứ trong một vụ án lớn, mỗi ý đưa ra phải được hỗ trợ, nâng đỡ, bao bọc bởi một loạt luận điểm chính xác. Ví dụ, khi xây dựng luận cứ bào chữa cho anh Phạm Công Danh trong vụ án VNCB, một trong những luận điểm của tôi là ngân hàng không vi phạm quy định về ủy thác.
Chỉ một luận điểm này thôi đã đòi hỏi phải tìm ra hàng loạt quan điểm sắp xếp trật tự lô-gic các điều luật, các dữ liệu bao trùm về thời gian lịch sử, sự phân tích các văn bản pháp quy chuyển tiếp, các bằng chứng thực tiễn trong quản lý ngành ngân hàng...
Luật sư Trần Minh Hải
Trong khi đó, viết một bài báo chỉ cần nêu quan điểm với chứng minh ngắn gọn là đủ. Thậm chí, nếu viết dài dòng, đồ sộ như một bản luận cứ sẽ khó tìm ra độc giả kiên nhẫn đọc hết bài báo.
Ông đã xuất bản 2 cuốn sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp”. Cuốn thứ nhất dành cho cán bộ tín dụng và cuốn thứ hai dành cho giao dịch viên. Với ông, viết sách khác với viết báo như thế nào?
Thực ra, cuốn sách đầu tiên tôi viết là cuốn “Sự khởi đầu cho cán bộ tín dụng”, nhưng không phát hành, mà tôi chỉ viết tặng cho các cán bộ của Ngân hàng Quốc tế (VIB) vào đúng ngày cuối cùng khi tôi rời khỏi ngân hàng này. Sau đó, tôi được biết rất nhiều giám đốc chi nhánh đã sử dụng cuốn sách như một tài liệu phi chính thống để hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ nhân viên mới vào ngân hàng.
Với tôi mà nói, viết sách là... mệt đầu nhất.
Những cuốn sách có đời sống dài hơn. Sách là tri thức, là công cụ truyền dẫn khai trí cho mọi người, nên người viết có áp lực phải đưa ra được tri thức phù hợp với độc giả.
Khi viết cuốn “Hiểu nghề giữ nghiệp” đầu tiên: “26 bài học ngành ngân hàng”, tôi có thói quen ngẫm nghĩ và triển khai ý tưởng mỗi sáng, tại một quán café quen thuộc trên đường Ngô Đức Kế (TP. HCM). Có hôm nghĩ ra ý tưởng là tôi viết luôn được thành một câu chuyện, một bài học nghiệp vụ. Tuy nhiên, đôi khi đã có ý tưởng nhiều ngày mà sau khi viết xong tôi lại phải bỏ đi hoàn toàn bài viết.
Tôi muốn người đọc dù là một ông chủ ngân hàng hay giám đốc chi nhánh, một sinh viên ngành ngân hàng mới ra trường hoặc bất kỳ ai cũng đều có thể dễ dàng tiếp cận bài viết qua văn phong hợp lý. Bởi vậy, nhiều khi vấn đề triển khai xong rồi, nhưng khi đặt mình vào vai độc giả, tôi nhận thấy đối tượng độc giả này phù hợp, nhưng đối tượng người đọc khác lại có phần khô khan. Thành ra phải thay đổi cách đặt vấn đề và viết lại từ đầu.
Trong khi đó, với một bài báo, tôi có thể nêu quan điểm và nhanh chóng viết, không đặt nặng vấn đề nhiều người đọc có cùng quan điểm với mình hay không và thường hiếm khi có chuyện phải viết lại một bài báo.
Vậy điều luật sư có được sau mỗi bài báo là gì?
Hồi năm 2010, tôi rời khỏi ngành ngân hàng để tập trung gây dựng Công ty Luật Basico. Khi đó, Công ty mới thành lập nên thiếu đủ thứ, từ cơ sở khách hàng cho đến thương hiệu và chỉ thừa một thứ - đó là thời gian. Thế nên tôi có nhu cầu viết, vừa để khách hàng mục tiêu có sự nhận diện về Công ty, vừa để chia sẻ những quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm của mình. Tôi chọn và gửi bài viết của mình tới Báo Đầu tư Chứng khoán bởi đánh giá đây là tờ báo có uy tín.
Khi viết mỗi bài báo, tôi xác định hướng tới chia sẻ quan điểm về một vấn đề mà tôi nghĩ là cộng đồng cần nó. Mỗi bài báo nên là sự kết hợp giữa quan điểm của cá nhân tôi và sự hữu ích cho cộng đồng. Sau đó, tôi nhận ra rằng, mình cho đi nhưng cũng được nhận lại rất nhiều.
Tôi nhận ra rằng, nhiều bài báo của mình đã thực sự giúp ích cho cộng đồng. Chẳng hạn, vào năm 2012, Báo Đầu tư Chứng khoán đã đăng bài báo của tôi với tiêu đề “Khi tài sản bảo đảm chạy… vô tư trên đường” nói đến rủi ro pháp lý khi ngân hàng sẽ không còn quyền nắm giữ giấy đăng ký xe ô tô.
Sự cảnh bảo này đã được một số ngân hàng lưu ý và có giải pháp từ năm 2012, thay vì phải chờ đến khi đề tài này bùng nổ trên báo chí vào năm 2017. Nói chung, mỗi vấn đề mình phát hiện và nêu ra, đều sẽ có người quan tâm. Đó là niềm vui khó cân đo, đong đếm từ việc viết báo.
Do các bài báo có liên hệ nhiều đến thực tiễn và kinh nghiệm, kiến thức pháp lý phù hợp nên tôi nhận được sự phản hồi của nhiều tờ báo, phóng viên. Họ muốn tham khảo ý kiến về những vấn đề phát sinh trên mọi lĩnh vực kinh doanh.
Cũng chính vì vậy, tôi được nhận lại nhiều thông tin về các vướng mắc pháp lý, từ đó lại có thêm cảm hứng để nghiên cứu, phản hồi, tìm kiếm giải pháp mới và tiếp tục... viết.