Viện Kiểm sát khẳng định mức án 10 năm tù cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là có căn cứ, tương xứng với hành vi phạm tội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 24/6, đại diện Viện KSND nêu quan điểm luận tội đối với đơn kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án liên quan tới cựu giám đốc CDC Hà Nội.
Viện Kiểm sát khẳng định mức án 10 năm tù cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là có căn cứ, tương xứng với hành vi phạm tội

Viện kiểm sát cho rằng, tòa sơ thẩm kết án các bị cáo về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ, không oan.

Trong vụ án này, Viện kiểm sát đánh giá bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) có vai trò cao nhất, là người khởi xướng, trực tiếp bàn bạc giá mua máy móc… Bị cáo Cảm có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có học hàm Tiến sĩ, có nhiều đóng góp trong công tác, thành khẩn khai bảo, nhất thời phạm tội, chưa được hưởng lợi ích vật chất; CDC Hà Nội và đồng nghiệp khắp nơi có văn bản đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt.

“Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng hình sự nhưng bị cáo chỉ đạo cán bộ dưới quyền thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng khiến nhà nước thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Vì sự chỉ đạo trái pháp luật của bị cáo mà nhiều bị cáo dưới quyền phạm tội. Mức án 10 năm tù là có căn cứ, tương xứng với hành vi phạm tội”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Với bị cáo Đào Thế Vinh (cựu Giám đốc Công ty Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST), Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo có hành vi gian lận trong đấu thầu, sử dụng pháp nhân Công ty MST giúp sức cho bị cáo Cảm nhằm hưởng lợi. Bị cáo tự nguyện nộp lại số tiền trên, thành khẩn khai báo.

Các bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán), Nguyễn Thị Kim Dung (cựu Trưởng phòng Tổ chức hành chính), Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ) nhận chỉ đạo của bị cáo Cảm, thực hiện hành vi gian lận, hợp thức hóa hồ sơ để chỉ định cho Công ty MST trúng thầu trái quy định. Viện kiểm sát đánh giá các bị cáo có vai trò đồng phạm, lệ thuộc cấp dưới - cấp trên, làm công ăn lương, không vì động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi ích.

Mặc dù các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ song Viện kiểm sát cho rằng tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết mới nên đề nghị không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo.

Trước đó, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Cảm mức án 10 năm tù, Thanh và Vinh cùng lĩnh mức án 6 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 5 - 6 năm tù.

Tại tòa, đại diện CDC Hà Nội vẫn tha thiết xin giảm án cho các cán bộ của mình.

Các luật sư tham gia bào chữa.

Các luật sư tham gia bào chữa.

Bào chữa cho bị cáo Cảm, luật sư Nguyễn Ngọc Quang cho rằng cần xem xét đến hoàn cảnh dẫn đến sự việc phạm tội. “Bị cáo Cảm trình bày nếu áp dụng chỉ định thầu theo thủ tục rút gọn thì có thể làm xong trong 2 tuần. Còn theo chỉ định thầu thông thường phải mất 6 tháng - 1 năm. UBND Hà Nội đã buộc CDC Hà Nội phải mua máy ngay. Đến tháng 4 khi tổng kết về việc mua sắm hệ thống xét nghiệm, bị cáo Cảm được đề nghị tặng bằng khen. Nhưng đến tháng 5 - 6 thì bị khởi tố. Việc mua máy là có sai về quy trình nhưng đáp ứng nhu cầu xét nghiệm. Chúng tôi đề nghị cần xem xét đây là tình thế cấp thiết, hoàn cảnh phạm tội buộc phải làm”.

Bản án sơ thẩm thể hiện, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

Tổng số các thiết bị y tế mua là hơn 4 tỷ đồng, được nâng khống thành hơn 9 tỷ đồng. Số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 5 tỷ đồng.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục