Hàng trăm bác sĩ, giáo sư xin giảm án cho cựu giám đốc CDC Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 24/6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm.

Có khoảng 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, cùng các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

6 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm Nguyễn Nhật Cảm (SN 1963, cựu Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (SN 1979, cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán), Nguyễn Thị Kim Dung (sn 1973, cựu Trưởng phòng Tổ chức hành chính), Đào Thế Vinh (SN 1975, cựu Giám đốc Công ty Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (SN 1980, cựu Tổng giám đốc CTCP Định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty Thiết bị y tế Phương Đông đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội) có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo địa phương.

Tuy nhiên, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền đã xin rút đơn kháng cáo của mình. Do đó, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo này.

Phía bị hại CDC Hà Nội kháng cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ của mình.

Chủ tọa cho biết tòa án đã nhận được 30 đơn thư của cán bộ CDC Hà Nội và các tỉnh xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Luật sư cũng cung cấp tài liệu là có các giáo sư và hơn 400 bác sĩ trên cả nước xin giảm án cho các bị cáo là cựu cán bộ của CDC Hà Nội.

Trước đó, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Cảm mức án 10 năm tù, Thanh và Vinh cùng lĩnh mức án 6 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 5 - 6 năm tù.

Bản án sơ thẩm thể hiện, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

Tổng số các thiết bị y tế mua là hơn 4 tỷ đồng, được nâng khống thành hơn 9 tỷ đồng. Số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 5 tỷ đồng.

Tòa sơ thẩm xác định bị cáo Cảm chịu trách nhiệm của người đứng đầu, khởi xướng và trực tiếp bàn bạc, ấn định giá thiết bị tham gia thầu nên có vai trò cao nhất. Bị cáo Thanh với vai trò là Trưởng phòng Tài chính kế toán, thành viên Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ đã không làm tròn chức trách tham mưu giúp việc cho lãnh đạo các vấn đề liên quan tài chính đơn vị, đã trực tiếp ký và hoàn tất nhiều tài liệu liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục đấu thầu.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục