Sau khởi đầu năm mới ảm đạm, giá dầu thô đang có dấu hiệu phục hồi khi việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ kết hợp với nhu cầu phục hồi đáng kinh ngạc.
Giá dầu Brent đã tăng khoảng 11% trong năm nay, củng cố mức sàn trên 85 USD/thùng trong những tuần gần đây. Mặc dù điều đó có thể làm trầm trọng thêm các ngân hàng trung ương và người tiêu dùng bằng cách làm suy giảm thành công gần đây trong cuộc chiến chống lạm phát, nhưng đối với Ả Rập Xê Út và các quốc gia thuộc liên minh OPEC+, đợt phục hồi này sẽ củng cố nguồn thu quan trọng.
Theo các nhà phân tích, các quan chức của OPEC+ có thể nhận thấy không cần phải xem xét bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách sản xuất trong cuộc họp sắp tới vào ngày 3/4.
Michael Hsueh, chiến lược gia tại Deutsche Bank cho biết: “Việc cắt giảm của OPEC đã có hiệu quả…Thị trường toàn cầu hoặc đã thâm hụt hoặc đang trên đà thâm hụt”.
Các đại biểu của OPEC+ cho biết vài tuần qua đã mang lại nhiều xác nhận rằng việc cắt giảm đang mang lại hiệu quả như mong muốn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã thay đổi dự báo triển vọng đối với thị trường toàn cầu vào năm 2024 từ thặng dư nguồn cung sang thâm hụt sau quyết định của OPEC+ nhằm gia hạn các biện pháp hạn chế đến cuối tháng 6. IEA cho biết, mức tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu đang vượt quá mong đợi và việc cắt giảm của OPEC+ - lên tới khoảng 2 triệu thùng/ngày - đang bù đắp cho làn sóng dầu mới từ khắp châu Mỹ.
Tại cuộc gặp gỡ thường niên của ngành dầu mỏ ở Houston đầu tháng này, tại hội nghị CERAWeek của S&P Global, tâm lý của các giám đốc điều hành trong ngành đều rất lạc quan.
Công ty kinh doanh hàng hoá Gunvor Group dự báo giá dầu sẽ lên tới 90 USD/thùng và Trafigura Group cho biết trọng tâm của giá dầu đã chuyển sang chiều hướng tăng. Cả 2 công ty đều nhận định mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn xu hướng lịch sử, do mức tiêu thụ mạnh mẽ của Mỹ bù đắp cho mức tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc.
Tại Phố Wall, JPMorgan cảnh báo rằng giá dầu Brent có thể đạt 100 USD/thùng, giả sử Nga thực hiện cam kết mới nhằm chuyển trọng tâm cắt giảm từ xuất khẩu sang sản xuất. Theo ước tính của Standard Chartered, tồn kho dầu thế giới đã giảm nhanh chóng ở mức 1,7 triệu thùng/ngày vào tháng trước.
Ảnh hưởng kinh tế
Giá dầu tăng có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo câu lạc bộ ô tô AAA, giá xăng tại Mỹ có khả năng tăng lên 4 USD/gallon, cao nhất kể từ mùa Hè năm 2022.
Điều đó có thể làm phức tạp công việc của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi cơ quan này tìm cách chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Và giá dầu tăng cao cũng có thể gây rắc rối cho Tổng thống Joe Biden khi ông đang bắt đầu chiến dịch tái tranh cử, với tình trạng lạm phát cao vẫn còn in sâu trong tâm trí người tiêu dùng.
Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết: “Tổng thống Biden phải đối mặt với viễn cảnh về một mùa hè tàn khốc, với các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông khiến nguồn cung năng lượng gặp khó khăn”.
Nhưng đối với 22 quốc gia thành viên của OPEC+, việc tăng giá đang giúp tăng nguồn thu của chính phủ. Theo Fitch Ratings, Ả Rập Xê Út muốn giá dầu trên 90 USD/thùng, khi Thái tử Mohammed bin Salman chi tiêu cho mọi thứ, từ các thành phố tương lai cho đến những cầu thủ thể thao hàng đầu.
Thay vào đó, cuộc họp vào tuần tới của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng của OPEC+ (JMMC) sẽ tập trung vào việc các quốc gia thành viên tuân thủ các cam kết cắt giảm sản lượng và không cần điều chỉnh chính sách.
Greg Brew, nhà phân tích tại Eurasia Group ở New York cho biết, “OPEC nhìn chung hài lòng với tình trạng thị trường và tác động của việc cắt giảm…Nhưng OPEC vẫn còn vấn đề về việc tuân thủ cam kết”.
Trong khi phiên đánh giá của OPEC+ vào cuộc họp tuần tới có vẻ đơn giản, liên minh này phải đối mặt với một thử thách quan trọng hơn tại cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo, dự kiến diễn ra tại Vienna vào ngày 1/6.
JPMorgan và Standard Chartered tin rằng OPEC+ sẽ có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế và khôi phục sản xuất trong nửa cuối năm khi nhu cầu dầu tăng lên. Tuy nhiên, dữ liệu của IEA chỉ ra rằng điều này sẽ khiến thị trường trở lại trạng thái thặng dư.
Bob McNally, người sáng lập công ty tư vấn Rapidan Energy Group và cựu cố vấn Nhà Trắng cho biết: “Một cuộc họp cấp bộ sôi động sắp diễn ra vào tháng 6”.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman thường kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp tục thận trọng trong việc khôi phục nguồn cung. Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã tỏ ra mong muốn triển khai năng lực sản xuất mới được bổ sung và trước đó đã từng xung đột với Ả Rập Xê Út về vấn đề này.
"Nhưng hiện tại, các bộ trưởng OPEC+ đang ở vị thế khá thoải mái… Cân bằng thị trường dầu mỏ có vẻ khá tích cực, với lượng tồn kho giảm trong nửa đầu năm sẽ dẫn đến giá cao hơn trong quý III”, Paul Horsnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Standard Chartered cho biết.