Quyết định của Ả Rập Xê Út cho thấy mối đe dọa từ các nguồn cung dầu ngoài OPEC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Ả Rập Xê Út tạm dừng kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất dầu đã đặt ra câu hỏi về tương lai của nhu cầu, nhưng điều này cũng chỉ ra một rủi ro lâu dài khác đối với doanh thu từ năng lượng của nước này.
Quyết định của Ả Rập Xê Út cho thấy mối đe dọa từ các nguồn cung dầu ngoài OPEC

Tập đoàn năng lượng Saudi Aramco đã gây bất ngờ cho ngành dầu mỏ khi tuyên bố sẽ không tiến hành kế hoạch tăng công suất sản xuất khoảng 8% lên 13 triệu thùng/ngày cho đến năm 2027.

Động thái mới này đã tạo ra làn sóng suy đoán, đặc biệt là liệu Ả Rập Xê Út có ngày càng bi quan hơn về mức tiêu thụ dầu khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng ít carbon hay không. Các nhà dự báo như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nhận thấy nhu cầu về dầu sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới.

Các nhà sản xuất cạnh tranh cũng là một sự cân nhắc khác đối với Ả Rập Xê Út và các đồng minh OPEC+, đặc biệt là dầu đá phiến của Mỹ. Ả Rập Xê Út đã tạm dừng khoảng 25% tổng công suất theo thỏa thuận OPEC+, giới hạn sản lượng ở mức thấp nhất trong hai năm là 9 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7.

Bob McNally, Chủ tịch Công ty Tư vấn Rapidan Energy Group và là cựu quan chức Nhà Trắng cho biết: “Ả Rập Xê Út nhận thấy sự cân bằng yếu hơn trong vài năm tới, chủ yếu là do nguồn cung bên ngoài OPEC+”. Vì lý do này, ông tin rằng Ả Rập Xê Út đang “trì hoãn các kế hoạch mở rộng thượng nguồn thay vì gác chúng vĩnh viễn”.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ đã giải phóng một lượng lớn nguồn cung mới vào thị trường thế giới và khiến giá dầu thô sụt giảm khoảng một thập kỷ trước. Vào năm 2016, dầu đá phiến đã trở thành một mối đe dọa gần như hiện hữu đối với các nhà sản xuất, buộc Ả Rập Xê Út và Nga phải vượt qua nhiều năm cạnh tranh và thành lập liên minh được gọi là OPEC+.

Sau đó, các công ty dầu đá phiến đã rút lui khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong bối cảnh nhu cầu dầu thế giới sụt giảm và các cổ đông của họ ngày càng yêu cầu lợi nhuận tốt hơn đồng nghĩa với việc sản xuất của họ chậm phục hồi.

Nhưng trong những năm gần đây, dầu đá phiến đang bùng nổ trở lại, thúc đẩy sản lượng dầu của Mỹ lên mức kỷ lục trên 13 triệu thùng/ngày. Nguồn cung ngoài OPEC+ cũng đang được khuếch đại bởi các nhà sản xuất khác, chẳng hạn như Brazil và mỏ dầu mới nổi Guyana.

Giữa làn sóng nguồn cung mới này, giá dầu Brent đã giảm khoảng 10% vào năm ngoái bất chấp những kỳ vọng ban đầu về một đợt phục hồi khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại. Thị trường đã chuyển từ khan hiếm sang dồi dào và giá dầu Brent phần lớn vẫn giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng trong năm nay ngay cả khi xung đột nổ ra ở Trung Đông.

Martijn Rats, chiến lược gia dầu mỏ toàn cầu tại Morgan Stanley cho biết: “Trong ngành có kỳ vọng rằng sản xuất dầu ở các nước ngoài OPEC sẽ chịu áp lực. Nhưng, thay vào đó, nó đã tăng trưởng đủ để đáp ứng nhu cầu, và khi điều đó xảy ra, khoảng trống trên thị trường dầu mỏ của OPEC đã chịu áp lực”.

Nếu nguồn cung từ bên ngoài OPEC+ có thể phù hợp với mức tăng trưởng tiêu thụ thì Aramco sẽ ít cần phải tăng cường năng lực hơn. Ả Rập Xê Út đã kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng sang quý I/2024 và Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết, điều này “hoàn toàn” có thể được gia hạn.

“Thông báo hôm nay phản ánh kỳ vọng của chính phủ (Ả Rập Xê Út - BTV) rằng nhu cầu về dầu sẽ không còn tăng mạnh như dự kiến trước đây. Trong bối cảnh đó, mức công suất dự phòng hiện tại đã đủ”, chiến lược gia Martijn Rats cho biết về quyết định tạm dừng kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất dầu của Aramco.

Ngoài các xu hướng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, còn có những áp lực trong nước đằng sau quyết định của Ả Rập Xê Út.

Theo Ngân hàng Emirates NBD có trụ sở tại Dubai (UAE), Ả Rập Xê Út có thể sẽ thâm hụt ngân sách khoảng 4,3% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2024 và có nhu cầu tài trợ hơn 46 tỷ USD. Điều đó xảy ra khi nước này tiếp tục chi hàng chục tỷ USD cho du lịch, thể thao và các dự án khác do Thái tử Mohammed bin Salman ủng hộ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.

Aramco đang trả cổ tức nhiều hơn cho chính phủ, ngay cả khi sản lượng dầu bị cắt giảm. Aramco đã tăng khoản thanh toán cổ tức hàng quý thêm hơn 10 tỷ USD lên 29,4 tỷ USD trong hai quý trước đó khi chính phủ tìm cách bù đắp cho thâm hụt tài chính.

Theo RBC Capital Markets, việc từ bỏ mục tiêu mở rộng sản lượng lên 13 triệu thùng/ngày sẽ giảm bớt áp lực lên ngân sách của Aramco bằng cách cắt giảm khoảng 5 tỷ USD chi tiêu hàng năm.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục