Vị thế và tương lai Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2023 đầy khó khăn, trở lực rơi xuống, chúng ta càng tự tin nhìn lại và tiếp tục đồng hành cùng nhân loại, với kỳ vọng năm 2024 nhất định tươi sáng hơn.

Việt Nam bước vào năm 2023 với những thuận lợi cơ bản từ đà phục hồi kinh tế ấn tượng của năm 2022, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, năng động và có độ mở cao, với quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 của thế giới, xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia phát triển mạnh mẽ dù trong đại dịch Covid-19...

TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Dù vậy, vẫn còn đó những thách thức hậu đại dịch Covid-19, những cuộc khủng hoảng cục bộ, rất phức tạp, không chỉ ở khu vực, châu lục, mà mang tầm mức toàn cầu. Mặt khác, tình hình quốc tế vẫn đang biến động rất phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, thậm chí nằm ngoài và vượt qua dự báo. Các rủi ro có xu hướng tác động tiêu cực, nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc hơn, xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở các đối tác thương mại lớn và sự leo thang trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và ở Trung Đông ngày càng phức tạp. Điều này càng khiến cho kinh tế thế giới vốn trầm lắng, lại gánh thêm những hệ lụy tiêu cực.

Có thể nói, năm 2023, nền kinh tế thế giới đang ở ngã ba đường với nhiều thách thức và có nguy cơ quan ngại gia tăng ngay cả đối với năm 2024. Các dự báo cho năm 2023 hầu hết đều theo hướng cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, và điều này sẽ kéo tăng trưởng Việt Nam chậm theo.

Trong bối cảnh đó, nước ta tiếp tục đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều mặt rất nặng nề, tác động xấu tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, chúng ta phải chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đó dường như gấp hai lần, nhất là khi nền kinh tế càng có độ mở cao thì nguy cơ có thể bị chấn động lớn, nếu không được xử lý ngang tầm. Đặc biệt, nếu không được ngăn chặn kịp thời, những tác họa của đại dịch Covid-19 có nguy cơ tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, và ngược lại, sự thăng trầm của nền kinh tế có thể khiến những nguy cơ, tác họa ấy trở nên nguy hiểm hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (tháng 9/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (tháng 9/2023)

Dự báo toàn cục năm 2023, những hệ lụy lan rộng, sâu, thấm từ nhiều phía, ở nhiều cấp độ và có nguy cơ cản trở sự phát triển toàn diện của đất nước một cách trầm trọng và đầy cảnh báo.

Nhưng, khi ngày cuối cùng năm 2023 khép lại, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu 6,5%, song vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á (so với Indonesia: 5,0%, Malaysia: 4,5%, Thái Lan: 3,5%...). Việt Nam tăng trưởng với tốc độ khá nhưng lạm phát duy trì vẫn ở mức thấp: 3,5%. Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát hạ nhiệt, cầu tiêu dùng tăng, giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực… là những điểm sáng. Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu ASEAN đối với EU.

Thẩm định về kinh tế Việt Nam năm 2023, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng mô tả bằng những từ ngữ như “kiên cường,” “trụ vững” “sức chống chịu mạnh mẽ” trước những “cú sốc suy thoái” hay “cơn gió ngược” với động lực cho sự phục hồi là xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và tiêu dùng tư nhân.

Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 “vẫn sáng sủa trong bức tranh chung”, là “một trong những nước “giữ phong độ” tốt nhất”, như kinh tế gia Herrero khẳng định. Ông Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ Nghiên cứu khoa học ý tưởng Á - Âu (Liên bang Nga) đánh giá, Việt Nam đang vươn tầm ảnh hưởng ra hầu hết các châu lục trên thế giới, đến tận Trung Đông, châu Phi với nhiều mức độ hợp tác khác nhau và đa dạng về lĩnh vực. Việt Nam tiếp tục nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Giữa lúc kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, các chuyên gia và truyền thông quốc tế đánh giá Việt Nam thực sự vững vàng, sẵn sàng vượt sóng để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực của thế giới. Chính sách tài khóa mở rộng, đẩy mạnh đầu tư công, kinh tế tư nhân và tiêu dùng trong nước phục hồi, xuất khẩu trên đà gia tăng. Những chỉ số tích cực này thể hiện sự nỗ lực của nền kinh tế, góp phần tạo đà tăng trưởng cao hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trong bức tranh suy giảm kinh tế toàn cầu năm nay, Đông Nam Á được xem là điểm sáng, trong đó có Việt Nam. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định và hài hòa hơn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên mọi miền đất nước được cải thiện và nâng lên; Việt Nam là một quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ông Yasuhiro Nojima, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản khẳng định, sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn, và nếu xét về tiềm năng, theo ông, có thể nói Việt Nam là nước tỏa sáng nhất trong các nước ASEAN.

Chính điều đó là nền tảng để chúng ta giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển xã hội và chủ động hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi tiến hành hội đàm nhân chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam (tháng 12/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi tiến hành hội đàm nhân chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam (tháng 12/2023)

Với những mối quan hệ với các quốc gia, dân tộc trên thế giới ngày càng được mở rộng, thực chất và hiệu quả, với uy tín chính trị ngày càng được củng cố trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế, Việt Nam càng chủ động vượt qua năm 2023 một cách tự tin, tiếp tục khẳng định là thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đây là động lực vững chắc và mạnh mẽ đưa Việt Nam gặt hái những thành quả về kinh tế - xã hội. Qua đây, khẳng định vững chắc hơn vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế, cả về quy mô, tính chất và tầm vóc.

Nước ta đặt mối bang giao với 193 nước; nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn khác. Điều này càng khẳng định và nâng tầm vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, bao gồm các nước công nghiệp phát triển. Đặc biệt, quan hệ với các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được thúc đẩy với tầm vóc mới và chất lượng mới. Quan hệ với các nước bạn bè, đối tác truyền thống ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh tiếp tục phát triển tốt đẹp. Việc nâng tầm quan hệ với các đối tác quan trọng trên trường quốc tế đánh dấu một năm đặc biệt thành công của ngoại giao Việt Nam.

Đồng hành với ngoại giao nhà nước, Đảng ta chủ động tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương chính đảng, tiếp tục định hướng chiến lược tổng thể và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy chiều sâu quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác. Nổi bật là, số lượng lớn các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam tới các đối tác chiến lược và láng giềng, qua đó đã tạo dựng lòng tin và củng cố hợp tác trên các lĩnh vực rộng lớn hơn, như GS.TS Bharti Chhibber nhận xét. Nhất là các mối bang giao với các đảng cầm quyền, đảng tham chính và các đảng quan trọng tại các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước trong khu vực, các đảng cộng sản, công nhân… tiến những bước mới, bồi đắp nền tảng chính trị phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, tin tưởng, hiệu quả và đầy triển vọng trong tương lai. Nói như ông Grigory Trofimchuk, rằng quan hệ đối ngoại rộng mở trong khi nền kinh tế vẫn duy trì được đà phục hồi tăng trưởng giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cầu năm 2023.

Rõ ràng, dù trong “bão táp”, băng giá năm 2023, Việt Nam vẫn đã, đang chủ động vững vàng trong “cơn gió ngược” và ngày càng vững bước trên hành trình phát triển toàn diện, đồng bộ, với chất lượng mới trong công cuộc đổi mới và khẳng định tiếng nói, vai trò, vị thế và uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế trong tương lai.

*

* *

Trong tầm nhìn 2025, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,6%, Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá, Việt Nam từ nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023 với quy mô GDP 430 tỷ USD sẽ đứng vị trí thứ 21 toàn cầu vào 2038. Đây là sự khích lệ rất đáng quý. Trên nền móng năm 2023, trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, chúng ta tiếp tục xem xét, thực thi thành công các vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn phát triển sau nửa nhiệm kỳ Đại hội thứ XIII của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp vào năm 2025, tiến tới Đại hội thứ XIV của Đảng, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong rất nhiều trọng sự, trước thềm năm 2024, nổi bật mấy việc lớn.

Thứ nhất, tiếp tục mở tầm viễn kiến, nhận diện nguy cơ, đón bắt thời cơ nhằm định liệu quyết sách hành động vĩ mô phù hợp.

Đồng hành với ngoại giao nhà nước, Đảng ta chủ động tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương chính đảng, tiếp tục định hướng chiến lược tổng thể và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy chiều sâu quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác.

Năm 2024, thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu sẽ thách thức khắc nghiệt đối với các nước, các khu vực đang phát triển, nhất là các nước có độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, trong đó có Việt Nam. Các nước lớn sẽ điều chỉnh chiến lược trong cuộc tăng cường lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau nhằm chi phối nhất là các nước yếm thế và các khu vực bất ổn. Các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới trên quy mô toàn cầu ngày càng bành trướng sâu rộng và nguy hiểm hơn. Dịch bệnh mới nguy cơ xuất hiện; nguy cơ thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn.

Đối với nước ta, thách thức về phát triển vừa tránh tụt hậu vừa tránh lệ thuộc trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam vẫn là trọng sự rất lớn và nan giải. Trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ nhằm phát triển nhanh, mạnh, bền vững và nhân văn, áp lực về tăng trưởng kinh tế là thách thức căn bản, trong khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục vẫn bị đình trệ.

Đồng thời, những mâu thuẫn trong phát triển trên phương diện xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp; nhất là sự phân cực giàu - nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng, vấn đề an ninh và phát triển tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Sự phát triển song hành, thống nhất với nhịp độ cao giữa kinh tế và xã hội vẫn đang là trọng sự tổng thể rất nan giải. Nguy cơ bất ổn về chủ quyền biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng đang diễn biến khó lường...

Trong tầm nhìn năm 2025, trên lộ trình đổi mới, mọi quyết sách bảo đảm tương dung với điều kiện mới.

Thứ hai, giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển nhanh, mạnh, nhưng bền vững và nhân văn.

Kinh nghiệm “đi” trong “bão táp” dịch giã năm 2022 và nhất là năm 2023 cho thấy rõ sức mạnh của những chính sách xã hội song hành với ổn định và phát triển kinh tế một cách hài hòa như thế nào. Nhanh, mạnh, nhưng phải bền vững và nhân văn. Chúng ta phát triển kinh tế, nhất là trong đại dịch, quyết không phải vị kinh tế, mà trước hết và sau cùng vì Nhân dân, vì lợi ích và vị thế của đất nước. Đầu tư một cách xứng đáng cho sự ổn định và phát triển đời sống toàn diện của Nhân dân, ổn định xã hội trong dịch giã, chính là phát triển kinh tế vậy. Mỗi quyết sách xã hội nhân văn là trực tiếp đầu tư và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững hơn. Tốc độ tăng trưởng với 5,05% - mức khá cao trong thế giới năm 2023, càng khẳng định tầm nhìn và bản lĩnh hành động của Đảng và Nhà nước ta trên phương diện này.

Mặt khác, dù càng giải quyết hậu họa dịch giã Covid-19, chúng ta càng kiên quyết phòng, chống tham nhũng. Đó chính là con đường phục hồi, phát triển kinh tế song hành với giữ yên lòng dân và ổn định xã hội - cái gốc để toàn dân tự tin vượt qua sinh tử, bảo đảm kinh tế phục hồi và từng bước phát triển. Kinh nghiệm càng cho thấy, không chủ động phòng, chống tham nhũng, trước hết tham nhũng chính trị, nhất định không thể có những bước cởi mở về lòng tin chính trị và đẩy mạnh đột phá về phục hồi và phát triển kinh tế. Vì, phát triển chính trị và xã hội lúc này chính là phát triển kinh tế, và vì nếu để “tham nhũng tràn lan” sẽ càng thất bại về chính trị, xã hội và đối ngoại. Tôn lộc ắt đại nguy! Bài học lớn của các quốc gia để cho nạn tham nhũng hoành hành những năm gần đây không chỉ khiến họ thất bại về mặt chính trị, mà còn gánh hậu quả đại thất bại về kinh tế và đối ngoại khó có thể vãn hồi, đang là sự cảnh báo sinh tử nhãn tiền.

Bài học yên dân, ổn định chính trị và xã hội là nền móng và động lực để thúc đẩy tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế một cách mong muốn trong tương lai vẫn đang nóng hổi.

Thứ ba, sửa sang thể chế phát triển toàn diện, đồng bộ và thống nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đồng hành với đột phá trọng dụng nhân tài.

Không sửa sang và kiên quyết hành động bằng thể chế quyết không có bất cứ sự phát triển nào như mong đợi, càng không có thực hành dân chủ song hành với giữ vững kỷ cương trong phát triển nhanh, mạnh mẽ, bền vững và nhân văn. Mười năm qua, nhất là trong 3 năm chống đại dịch Covid-19 và giải quyết hậu họa của nó, càng cho thấy bài học về cải cách thể chế đồng bộ và thống nhất trong phát triển kinh tế song hành với phát triển xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng, quan trọng như thế nào.

Do đó, cùng với đổi mới công tác lập pháp không ngừng đẩy nhanh tốc độ đổi mới thể chế trong Đảng, trong các thành viên của hệ thống chính trị bảo đảm hệ thống chính trị và toàn thể xã hội vận hành một cách đồng bộ và thống nhất, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế là trọng sự vừa cấp bách vừa chiến lược và càng có ý nghĩa thành bại. Công việc này phải đi trước nhiều bước, nếu không muốn đất nước lẽo đẽo đi sau người khác hoặc phụ thuộc vào nước khác một cách vô hình, dù dưới bất cứ hình thức nào. Như thế là thất bại.

Muốn đi nhanh nhất định phải đột phá và nắm lấy công nghệ, nhưng muốn đi xa và bền vững phải trọng thị, trọng dụng và trọng đãi trí thức, nhất là nhân tài một cách cầu thị và không phân biệt trong hay ngoài Đảng, trong nước hay ở nước ngoài. Tôn tài ắt đại thịnh! Qua công việc mà tuyển lựa và trọng dụng nhân tài. Bằng công việc mà hội tụ và trọng đãi nhân tài. Trước hết, xây dựng đội ngũ chính trị gia, chiến lược gia, kỹ trị gia và doanh gia một cách xứng tầm. Trong bộ thể chế, càng rõ ràng thể chế về phát triển nguồn nhân lực, nòng cốt là nhân tài, cần chiếm một vị trí xứng đáng là rường cột kiến tạo và phát triển bền vững quốc gia.

Thứ tư, đột phá xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa.

Trên lộ trình phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, tiếp tục xây dựng và phát triển triết lý phát triển Việt Nam trong tầm nhìn năm 2045. Do đó, cùng với việc tổng kết 40 năm đổi mới, ngay từ lúc này, công việc đó phải được đặt một cách xứng đáng, thật sự viễn kiến và ngang tầm.

Kinh nghiệm lịch sử đất nước mấy nghìn năm qua xác tín, chỉ khi nào sáng tỏ về triết lý phát triển thì chừng đó dân tộc độc lập, quốc gia phồn vinh và hùng mạnh. Hơn lúc nào hết, hiện nay, Nhân dân phải là trung tâm của mọi sự phát triển, mà công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ xoay chung quanh Nhân dân, chứ quyết không phải ngược lại.

Tất cả đặt trên nền móng đại đoàn kết, dưới ngọn cờ của Đảng.

Đó chính là thước đo phát triển văn hóa Việt Nam truyền thống, đổi mới, hiện đại và hội nhập.

Do vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, phải là trọng sự ngay từ năm 2024 này trên đường tiến tới Đại hội thứ XIV của Đảng, để sao cho 100 triệu đồng bào Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài ngày càng tỏa sáng 100 triệu nhân cách văn hóa Việt Nam. Đó chính là xu thế phát triển của đất nước trong tương lai.

Thứ năm, tính toán tổng thể, tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả.

Đối ngoại là sự tiếp tục của đối nội. Muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững, nhất định nội lực phải mạnh mẽ và hội nhập quốc tế với tầm nhìn chiến lược, với thực lực và uy tín cân bằng chiến lược tích cực và hiệu quả và với tâm thế thật chủ động, kiên định và hài hòa. Đó là một trong những kinh nghiệm lớn của 38 năm đổi mới, nhất là 3 năm vừa qua.

Trong tình hình phức tạp và khôn lường của thế giới hiện nay, lợi ích của đất nước phải là tối thượng thiêng liêng, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” và “quyết không gây thù oán với một ai”. Do đó, mọi quyết định và đối sách không chỉ kết tinh và thể hiện bản lĩnh chính trị, sự độc lập, tự chủ, uyển chuyển, linh hoạt, hiệu quả của nền ngoại giao “cây tre Việt Nam” mà chủ động bảo vệ vô điều kiện vị thế chiến lược, bảo vệ lợi ích chiến lược, bằng lòng tin và thực lực, không ngừng nâng tầm sức mạnh và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Qua bão táp năm 2022 và “cơn gió ngược” năm 2023, trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, lịch sử đã điểm chuông: Dân tộc Việt Nam nhất định tiếp tục thành công, vì một Việt Nam thịnh vượng, Nhân dân Việt Nam cùng nhân loại hạnh phúc!

Nhị Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục