“Cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, với một trong những mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng GDP 6 - 6,5%, Chính phủ đã khẩn trương ban hành các nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, chúng ta cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2024 trên tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Cần tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, đúng thời điểm, linh hoạt, hiệu quả, chuyển hướng trọng tâm kịp thời trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, năm 2024, cần tập trung vào thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Trong đó, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực. Trong năm 2024, tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ hiệu quả, kịp thời khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

Chính sách tiền tệ cũng vậy, cần thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Để nền kinh tế có thể về đích kế hoạch năm 2024, tạo nền tảng cho các giai đoạn phát triển sau này, chúng ta cũng cần tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; khẩn trương ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đầu năm 2024.

Cùng với đó, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Đối với các doanh nghiệp, cần nêu cao tinh thần đổi mới, tự lực, tự cường, phát huy hơn nữa tính chủ động thích ứng, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng mới, nhất là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp…

Trích nội dung trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Xuân Giáp Thìn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (tiêu đề do Tòa soạn đặt)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục