Vì sao phải thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước?

Đã gần thời điểm Nghị định về điều kiện sản xuất, kinh doanh của ngành ô tô thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4, Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực (ngày 1/7/2017), nhưng doanh nghiệp vẫn đang chờ những thông tin chính thức liên quan tới nghị định trên.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trước đó, Dự thảo Nghị định về điều kiện sản xuất, kinh doanh của ngành ô tô do Bộ Công thương chủ trì xây dựng đã khiến dư luận bất ngờ khi quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam bị coi nhẹ bởi những quy định đơn giản về trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô khi sản phẩm bị triệu hồi, mà không nhắc gì tới nghĩa vụ của nhà sản xuất.

Điều này, nếu được chính thức thông qua, có thể biến Việt Nam thành bãi rác của ngành công nghiệp ô tô thế giới khi các nhà sản xuất ô tô không cần ràng buộc trách nhiệm của mình với sản phẩm lỗi hỏng.

Ở góc độ khác, nếu tính từ ngày 1/7/2017, sẽ chỉ còn 6 tháng trước khi thị trường ô tô Việt Nam chính thức giảm thuế về mức 0% với các dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% trong nội khối ASEAN.

Cũng đã có ý kiến trong Tổ công tác liên ngành về công nghiệp ô tô cho rằng, cần có những thay đổi nhất định trong việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện, phụ tùng ô tô được sản xuất tại Việt Nam để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Năm 2016, Việt Nam đã chi 2,3 tỷ USD để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Dự báo, kim ngạch nhập khẩu ô tô và phụ tùng có thể tăng lên mức 12 tỷ USD vào năm 2025 và 21 tỷ USD vào năm 2030.    

Thống kê của Bộ Công thương cho hay, hiện phần lớn phụ tùng và linh kiện ô tô phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước đều phải nhập khẩu với số liệu tương ứng lần lượt của năm 2014 - 2015 - 2016 là 2,2 - 3,0 và 3,5 tỷ USD.

Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã chi 2,3 tỷ USD để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Dự báo, kim ngạch nhập khẩu ô tô và phụ tùng có thể tăng lên mức 12 tỷ USD vào năm 2025 và 21 tỷ USD vào năm 2030.

Sau hơn 25 năm tiếp cận các doanh nghiệp sản xuất ô tô có tên tuổi, Việt Nam hiện chỉ được coi như vừa “nhúng được chân” vào ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Thực tế, Việt Nam mới có một vài điểm sáng về sản xuất linh kiện, phụ tùng tại số ít doanh nghiệp ô tô như Toyota Việt Nam, Trường Hải, Thành Công trong nỗ lực tham gia chuỗi sản xuất của các tên tuổi toàn cầu như Toyota, Mazda, Hyundai…

Song, do các chính sách cụ thể tại Việt Nam và sự đa dạng của các cơ sở sản xuất mang thương hiệu Toyota ngay trong khu vực ASEAN - nơi mà thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc sẽ về 0% vào năm 2018, vấn đề nội địa hóa của Toyota Việt Nam không có những động thái mạnh mẽ.

Đầu năm nay, Toyota Việt Nam cũng đã chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc xe Fotuner từ Indonesia và đang tính nhập khẩu nguyên chiếc thêm vài mẫu xe đang được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Không chỉ Toyota, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác, hiện có sẵn cơ sở sản xuất khác trong ASEAN, vẫn bình thản chờ đợi chính sách của Việt Nam để có phương kế thích hợp, thay vì đổ vốn vào sản xuất, dù Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 trong ASEAN.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang mang lại hiệu quả đáng kế. Năm 2016, riêng Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) bán được 112.874 xe, doanh thu về 65.000 tỷ đồng.

Tính theo các mức tỷ lệ nội địa hóa mà doanh nghiệp đạt được tại xe con từ 15-18% và xe thương mại là 50%, phần giá trị do sử dụng các linh phụ kiện sản xuất tại Việt Nam tại Thaco vào khoảng 15.000 tỷ đồng.

Ngoài số công nhân làm việc Công ty, nếu tính thêm 22.000 lao động của 288 nhà cung cấp linh phụ kiện là vệ tinh của Thaco, thì riêng khâu sản xuất đã có khoảng 30.000 lao động được tạo công ăn việc làm.

Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho thấy, trong các nước ASEAN thì Indonesia, Philippines và Việt Nam là những nước có tiềm năng lớn nhất về phát triển thị trường ô tô. Còn Malaysia đã ở giai đoạn bão hoà và Thái Lan sắp bước vào giai đoạn bão hoà.

Như vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không phát triển, thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài.

Kéo theo đó là áp lực nhập siêu với nền kinh tế ngày càng tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và hẳn nhiên sẽ dẫn đến những bất ổn kinh tế không mong đợi.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục