
Điểm khác biệt nổi bật trong các chương trình hợp tác của Thụy Sĩ so với các quốc gia khác chính là việc dành riêng một lĩnh vực trọng yếu: đầu tư và hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân. SECO không chỉ tập trung vào cung cấp nguồn lực, mà còn thúc đẩy cải thiện chất lượng quản trị kinh tế, hướng tới tăng trưởng hiệu quả và phát triển bền vững cho doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Dòng vốn không ngừng chảy
Tháng 5 vừa qua, Thuỵ Sĩ và Việt Nam đã tổ chức sự kiện kỷ niệm 35 năm hợp tác phát triển. Nhìn lại chặng đường dài này, Thụy Sĩ là một trong những nhà tài trợ ODA lớn cho Việt Nam với trọng tâm cao ở khu vực tư nhân: từ hỗ trợ xây dựng pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực số và xanh, đến việc tạo điều kiện tiếp cận vốn và xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, SECO đóng vai trò nổi bật thông qua nhiều dự án ODA và chương trình hỗ trợ kỹ thuật.
Kể từ năm 1991, Quỹ hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam đã chuyển từ trọng tâm giảm nghèo sang thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trong hơn 30 năm qua, Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng 650 triệu CHF (tương đương 800 triệu USD).
Riêng trong Chương trình hợp tác giữa Thụy Sĩ và Việt Nam giai đoạn 2021-2024, Thụy Sĩ cam kết viện trợ khoảng 76 triệu USD để thực hiện hai mục tiêu lớn là thúc đẩy hình thành điều kiện khung kinh tế lành mạnh, định hướng thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường của khu vực tư nhân. Một trong những yếu tố cốt lõi chính là tính minh bạch và sự cải thiện quản trị công ty tại Việt Nam.
Thụy Sĩ xác định rõ mục tiêu không chỉ là hỗ trợ tài chính đơn thuần mà là "can thiệp ở tầng khung" (framework conditions) - tức là nâng cao năng lực hệ thống và quản trị nội tại của khu vực tư nhân Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các mục tiêu bao gồm: Nâng cao năng lực quản trị công ty theo chuẩn quốc tế; Cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong vận hành doanh nghiệp và tăng khả năng hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu qua quản trị chất lượng, tài chính minh bạch và tuân thủ ESG.
Bám sát mục tiêu này, SECO đã đồng hành cùng nhiều tổ chức tại Việt Nam để thực hiện các dự án nâng cao tính minh bạch và chất lượng quản trị. Với vai trò là đối tác sáng lập của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) – cùng với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), SECO đã góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự ra đời của VIOD vào tháng 4/2018. Từ đó đến nay, SECO đã luôn đồng hành, hỗ trợ VIOD trên hành trình thúc đẩy áp dụng và thực hành chuẩn mực và thông lệ tốt nhất về quản trị công ty gắn với phát triển bền vững và ESG cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Dự án Asia Corporate Governance Programme 2018 phân tích sâu các tình huống quản trị công ty nổi bật tại Việt Nam, so sánh thực tiễn với chuẩn quốc tế, đưa ra cảnh báo/bài học khả thi, từ đó cung cấp công cụ tham khảo cho HĐQT và cổ đông. Đồng thời, Dự án giúp thúc đẩy phổ biến kiến thức quản trị công ty theo chuẩn OECD – chuẩn hóa việc ra quyết định và bảo vệ cổ đông thiểu số.
Vào tháng 8/2019, lần đầu tiên tại Việt Nam phát hành Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ Tốt nhất (VNCG code). Bộ Nguyên tắc được ra mắt với mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đưa ra một loạt khuyến nghị về thông lệ quản trị công ty tốt nhất theo OECD.
Mới đây nhất, năm 2025, SECO cùng IFC và UBCK đã biên soạn cuốn Cẩm nang Quản trị Công ty 2025 , đây là công cụ chuẩn hoá quản trị cho doanh nghiệp tại thị trường nội địa. Cuốn Cẩm nang cung cấp những kiến thức đầy đủ, cập nhật về cả lý luận và thực tiễn điển hình trong nước và quốc tế, từ đó giúp các công ty đại chúng định hướng và cải thiện tình hình thực hiện quản trị công ty của mình.
![]() |
Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất (VNCG code) và Cẩm nang Quản trị Công ty 2025 |
Các công ty đại chúng có vai trò quan trọng trong thực hiện các nguyên tắc quản trị công ty và giúp các cơ quan quản lý thị trường vốn tăng cường áp dụng các chuẩn mực quốc tế và các thông lệ tốt nhất về quản trị công ty, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trên thị trường chứng khoán, từ đó nâng cao chất lượng chứng khoán giao dịch trên thị trường và thu hút thêm các nguồn vốn đổ vào kênh huy động vốn quan trọng này để phát triển đất nước.
Có thể nói, SECO đã và đang triển khai một loạt dự án đồng bộ tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân, từ cấp khung pháp lý - hệ thống - công cụ hoạt động - giám sát và báo cáo nhằm cải thiện chất lượng quản trị công ty cho Việt Nam. Các chương trình như hỗ trợ thiết lập hệ thống đăng ký doanh nghiệp, bộ sổ tay quản trị công ty, khảo sát thành viên HĐQT, và hỗ trợ tài chính chuỗi cung ứng- đều đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu nâng cao khả năng chịu đựng, minh bạch và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt.
Theo chiến lược và định hướng hợp tác quốc tế của SECO giai đoạn 2025 - 2028, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, SECO nhấn mạnh loạt ưu tiên như: bảo vệ khí hậu, phát triển hạ tầng đô thị, củng cố các thể chế công và tăng cường sự kết nối giữa các khu vực kinh tế. Đặc biệt, một trong những trọng tâm then chốt là thúc đẩy quản trị kinh tế cho khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào thương mại toàn cầu. Qua đó, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách thịnh vượng thông qua hai yếu tố, đó là phát triển bền vững (sustainability) và phát triển bền bỉ (resilence).
Tại sao lại là quản trị công ty?
Có thể thấy, khác với nhiều quốc gia tài trợ tập trung vào cơ sở hạ tầng hay viện trợ nhân đạo, ODA của Thụy Sĩ – đặc biệt qua SECO – nổi bật ở cách tiếp cận “mềm”: đầu tư vào năng lực quản trị, thể chế kinh tế và phát triển khu vực tư nhân. Đây là những lĩnh vực khó lượng hóa, ít tạo ra “công trình cụ thể” nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến chất lượng tăng trưởng. Dòng vốn Thụy Sĩ không chỉ mang theo tài chính mà còn truyền tải các chuẩn mực quản trị, tư duy chiến lược và giá trị minh bạch - điều mà nhiều nhà tài trợ khác còn bỏ ngỏ.
SECO nhìn nhận rõ rằng, quản trị tốt là nền tảng để khu vực tư nhân phát triển bền vững. Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 96% tổng số doanh nghiệp, là xương sống của nền kinh tế nhưng lại thường không có cơ chế quản trị rõ ràng. Năng lực quản trị yếu kém là điểm nghẽn lớn của doanh nghiệp Việt Nam với các biểu hiện như HĐQT hình thức, quyền cổ đông thiểu số bị xâm phạm, minh bạch thấp, thiếu kiểm soát nội bộ…
Do đó, cải thiện quản trị được xem là trọng tâm của các chương trình hỗ trợ từ SECO, cũng như quyết tâm thay đổi của nhà quản lý nhằm giảm rủi ro đổ vỡ tài chính và gian lận; tăng khả năng tiếp cận vốn, niêm yết, và trở thành đối tác đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, việc hỗ trợ tập trung vào quản trị công ty cũng phản ánh triết lý phát triển đặc trưng của Thụy Sỹ - quốc gia trung lập, có thế mạnh về hệ thống ngân hàng an toàn, tài chính minh bạch; quản trị công và tư chuyên nghiệp, mô hình liên bang với văn hoá đối thoại – phản biện – minh bạch cao.
Do đó, hỗ trợ nâng cao chất lượng quản trị không chỉ là chính sách kỹ thuật, mà còn là "chuyển giao giá trị cốt lõi" mà Thụy Sĩ tin là điều kiện cần để phát triển bền vững và có trách nhiệm. Cụ thể, Thuỵ Sĩ thúc đẩy các giá trị của hệ thống mà quốc gia này tin tưởng: minh bạch, quản trị tốt, và trách nhiệm giải trình – những điều làm nên sự ổn định và thịnh vượng lâu dài.
SECO đang định hình lại cách doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận về quản trị. Từ việc lập HĐQT độc lập, nâng cấp quy trình nội bộ đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG – tất cả đều hướng đến một chuẩn mực vận hành minh bạch, có trách nhiệm và hiệu quả hơn.
Chúng ta đều hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên một tổ chức lớn như SECO lại kiên trì đầu tư vào lĩnh vực quản trị công ty suốt nhiều năm qua. Bởi lẽ, quản trị công ty chính là “lõi”, là “nền” để kiến tạo sự phát triển bền vững. Tại Việt Nam, những bước đi tiên phong trong thực hành quản trị công ty đang được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng hành với sứ mệnh đó, VIOD vẫn luôn cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thị trường và cộng đồng doanh nghiệp, để nâng cao hơn nữa giá trị thực hành quản trị công ty gắn với sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và của cả thị trường.
Sự kiên trì đầu tư của SECO vào lĩnh vực khó định lượng như “năng lực quản trị” là minh chứng cho một cách tiếp cận phát triển thông minh và dài hạn. Trong bối cảnh Việt Nam đang chịu áp lực chuyển đổi xanh, hội nhập tiêu chuẩn toàn cầu và nâng cao sức chống chịu doanh nghiệp sau đại dịch, sự đồng hành của SECO không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn là cú huých về tư duy quản trị.
Khi các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng trở thành điều kiện tiên quyết để tiếp cận thị trường và dòng vốn, thì những gì SECO đang làm hôm nay sẽ có ý nghĩa lâu dài với nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, đây là lúc để khu vực tư nhân Việt nhìn lại và hành động – không phải vì yêu cầu của nhà tài trợ, mà vì sự tồn tại và phát triển bền vững chính mình.