BKD hiện có vốn điều lệ 1.144 tỷ đồng, tương đương 114,4 triệu cổ phần. Theo tính toán của ĐTCK, trong thương vụ này, Mondelez đã trả giá 85.730 đồng cho mỗi cổ phần của BKD. Như vậy, BKD sẽ thu về khoản thặng dư lên đến 6.930,8 tỷ đồng. KDC sẽ được hạch toán lợi nhuận đáng kể từ việc chuyển nhượng này.
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch KDC, nói: “Việc hợp tác với Mondelez sẽ giúp đưa thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô đi xa hơn. Hơn nữa, KDC định hướng 10 năm tới sẽ phát triển đa ngành nghề, đa sản phẩm. KDC sẽ tham gia vào những ngành có quy mô lớn và thiết yếu, nên việc chuyển nhượng 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez sẽ giúp KDC có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược của mình”.
KDC từng cho biết sẽ mở rộng sang lĩnh vực mì gói, cà phê và dầu ăn, nhưng đến nay người tiêu dùng vẫn chưa thấy các sản phẩm này mang nhãn hiệu Kinh Đô được bán trên thị trường. KDC hợp tác với Công ty TNHH Sài Gòn Vewong về mì gói, với PhinDeli về cà phê, còn đối với dầu ăn thì KDC tham gia mua cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).
Tại buổi công bố thương vụ nói trên, đại diện các bên cho biết họ đã làm việc với nhau nhiều năm trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Dù KDC cố giữ kín thông tin, nhưng thị trường cũng từng râm ran thông tin KDC sẽ bán mảng bánh kẹo.
Tại ĐHCĐ thường niên của KDC cuối tháng 6/2014, trước câu hỏi của cổ đông về việc liệu Kinh Đô có ý định bán mảng bánh kẹo cho đối tác không, ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc KDC, lúc đó vẫn khăng khăng rằng: “Hiện tại chúng tôi chưa có ý định gì liên quan đến vấn đề cổ đông hỏi. KDC đang tái cấu trúc lại mảng bánh kẹo, đang tìm không gian mới để phát triển mảng bánh kẹo và xác định bánh kẹo vẫn là nồi cơm của KDC”.
KDC hiện nắm giữ gần như toàn bộ cổ phần của BKD, với tỷ lệ sở hữu lên đến 99,8%. BKD đang sở hữu những nhãn hàng lớn như Cosy, Solite và AFC, bánh mì Kinh Đô, bánh Cracker và bánh Trung Thu Kinh Đô… mà KDC gọi là “Câu lạc bộ ngàn tỷ đồng” doanh thu hàng năm.
Ông Tim Cofer, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi của Monelez International, nói: “KDC có 4 điểm hấp dẫn chúng tôi. Một là KDC sở hữu những nhãn hiệu lớn đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Hai là KDC có nhà máy cả ở miền Nam và miền Bắc. Ba là KDC phát triển ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau, cả nông thôn và thành thị. Và bốn là KDC có bộ máy quản trị đầy năng lực và kinh nghiệm, có tầm nhìn tương đồng với Mondelez”.
Các bên vẫn chưa tiết lộ thông tin về kế hoạch chi tiết sau thương vụ này như việc sản xuất và phân phối các sản phẩm bánh kẹo của KDC sắp tới sẽ ra sao. Hiện Mondelez đang có 2 sản phẩm được bán tại Việt Nam là bánh quy Orea và bánh quy giòn Ritz.
KDC dự kiến sẽ triệu tập cuộc họp cổ đông bất thường vào đầu tháng 12 tới để xin ý kiến thông qua việc chuyển nhượng này. Trước câu hỏi rằng, trường hợp cổ đông không thông qua thì kết cục của thương vụ này sẽ như thế nào, ông Thành nói: “Chúng tôi luôn tìm kiếm những cơ hội để tạo ra lợi ích lớn nhất cho cổ đông. HĐQT quyết định thương vụ này cũng vì lợi ích của cổ đông nên chúng tôi tin rằng các cổ đông sẽ thông qua”.
Thương vụ này được kỳ vọng sẽ hoàn tất vào quý II/2015. Ông Cofer cho biết, một năm sau khi thương vụ này hoàn tất, các bên sẽ tiếp tục bàn đến việc Mondelez mua tiếp 20% còn lại của BKD. “Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói đến chuyện đó”.
HĐQT Kinh Đô cũng vừa công bố quyết định đầu tư thêm vào Vocarimex, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, bằng cách mua thêm cổ phần Vocarimex ngoài thị trường. Trước khi Vocarimex IPO, Kinh Đô tham gia trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ 24%.