Pepsi lưỡng lự với lời chào của Mondelez

(ĐTCK) Việc sáp nhập với Mondelez, sẽ giúp Pepsi tiếp cận thị trường mới nổi, nhưng lại loại đi một yếu tố cốt lõi trong chiến lược là đa dạng hóa ngành nghề.
Pepsi lưỡng lự với lời chào của Mondelez

Thứ Tư vừa qua, lần đầu tiên nhà đầu tư Nelson Peltz lên tiếng công bố kế hoạch sáp nhập giữa Pepsico và Mondelez International tại Hội nghị Delievering Alpha ở Manhattan, được tài trợ bởi CNBC.

Nhà quản lý quỹ Trian, ông Peltz đã âm thầm tích lũy cổ phần của hai công ty Pepsi và Mondelez với tổng giá trị hơn 2,7 tỷ USD. Ông đang tích cực kêu gọi Mondelez sáp nhập với Pepsi và sau đó tách ngành kinh doanh nước giải khát, nhằm tạo dựng nên một “ông lớn” trên thị trường đồ ăn nhanh. Đây là sự kết hợp giữa những thương hiệu như Frito - Lay với Cadbury, Oreo và Nabisco.

Cụ thể, theo như kế hoạch mà ông Peltz đã vạch ra, Pepsi sẽ thanh toán từ 35 USD đến 38 USD cho một cổ phiếu của Mondelez và trả cổ tức bằng 20% giá trị thị trường.

Cổ phiếu của Pepsi đã tăng xấp xỉ 0,5% trong phiên giao dịch buổi chiều ngày thứ Tư, đạt mức trên 84 USD/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu Mondelez tăng hơn 2,5%, lên đến trên 30 USD/cổ phiếu.

Trong hai tuần tới, ông Peltz sẽ có một cuộc gặp mặt với Giám đốc điều hành của Mondelez, ông Irene Rosenfield, để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, về phía Pepsi, ông hiểu rõ, hiện giờ Pepsi chưa thích thú với vụ làm ăn này.

“Họ đang sở hữu một khối lượng tiền mặt lớn, với công việc kinh doanh đang phát triển mạnh”, ông Peltz nói.

Một phát ngôn viên của Pepsi tuyên bố: “Chúng tôi có một chiến lược và cấu trúc tăng trưởng tại chỗ mạnh mẽ. Cho đến nay, kết quả chúng tôi thu về luôn chứng tỏ Pepsi là một doanh nghiệp hoạt động có hiệu suất kinh doanh cao. Chúng tôi tin tưởng, có thể đáp ứng giá trị cổ đông dài hạn với tư cách là công ty chuyên về thực phẩm và nước giải khát”.

Việc sáp nhập sẽ mở ra cho Mondelez tương lai sáng sủa khi mà giá trị cổ phiếu của Mondelez đã suy yếu kể từ khi tách khỏi Kraft vào tháng 10 năm ngoái. Công ty đã không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng như đã đề ra. Trong một tuyên bố mới đây, Mondelez cho biết, họ thường xuyên tham gia vào cuộc đàm thoại giữa các cổ đông và mong muốn gặp gỡ, học hỏi từ Trian những quan điểm kinh doanh một cách chi tiết hơn.

Về phía Pepsi, thỏa thuận này sẽ tạo ra cơ hội tiếp cận những thị trường mới nổi, bên cạnh thị trường truyền thống Bắc Mỹ, nơi mang lại phần lớn doanh số bán hàng cho Công ty. Tuy nhiên, việc tách lĩnh vực kinh doanh nước giải khát sẽ loại đi một yếu tố cốt lõi trong chiến lược của Pepsi là đa dạng hóa ngành nghề.

Tranh luận vào hôm thứ Tư, ông Peltz nhận thức được “con người thay đổi, sở thích cũng thay đổi”. Kinh doanh đồ ăn nhanh cũng dễ chuyển biến theo thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Peltz, công ty sáp nhập này sẽ cung cấp một số sản phẩm nhất định có lợi cho sức khỏe như sôcôla đen và bù đắp được những cái thiếu của cả hai .

Trong khi đó, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, bất kỳ một sự kết hợp nào cũng sẽ trở nên phức tạp, nếu phạm vi sản phẩm và mô hình của hai công ty khác hẳn nhau. Bên cạnh đó, thỏa thuận sáp nhập có khả năng làm dấy lên lo ngại về vấn đề chống độc quyền.

Nổi tiếng là người đi “sưu tầm” cổ phần trong các công ty, rồi ép buộc doanh nghiệp thay đổi, ông Peltz đã từng dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư gây sức ép lên Cadbury Schweppes, buộc công ty này phân ra thành một công ty chuyên sản xuất bánh kẹo và công ty nước giải khát, sau này đã trở thành Tập đoàn Dr Pepper Snapple Group. Ông cũng đầu tư vào hãng thực phẩm Kraft Foods trước khi được tách từ Mondelez.

Mondelez International là một công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất sôcôla, bánh quy, kẹo cao su, kẹo, cà phê và đồ uống dạng bột, bao gồm nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Oreo, Chips Ahoy!, Milka, Cadbury… với tổng doanh thu hàng năm đạt gần 36 tỷ USD. Mondelez tiền thân là Công ty thực phẩm Kraft Foods. Tháng 10 năm ngoái, Công ty chính thức đổi tên theo ý tưởng của những người công nhân của hãng với ý nghĩa “Monde” trong tiếng Latin là “toàn cầu” và “delez” có nghĩa là “ngon kỳ diệu”. Hiện, Tập đoàn đang hoạt động tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. Mới đây, Mondelez đã đầu tư Dự án “Coffee Made happy” với ít nhất hơn 200 triệu USD, để hỗ trợ 1 triệu người trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020, trong đó có khoảng 100.000 nông dân Việt Nam.

Nằm trong chiến dịch hoạt động nổi bật của ông Peltz, nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm trong ngành công nghiệp thực phẩm và nước giải khát, sự kết hợp giữa Pepsi và Mondelez được kỳ vọng sẽ hình thành nên một đế chế đồ ăn nhanh trên thị trường mới nổi.            


Hồng tuyết (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục