Vi phạm thao túng giá: Ranh giới pháp lý từ 1/1/2018

(ĐTCK) Trong tuần cuối cùng của năm 2017, một cá nhân đã bị xử phạt do thao túng giá cổ phiếu, với tổng mức phạt và truy thu lên tới gần 10 tỷ đồng. Thế nhưng, nếu so với quy định mới, những trường hợp tương tự nếu xảy ra kể từ thời điểm 1/1/2018 sẽ phải đối mặt với án hình sự.
Hành vi thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo sẽ bị xử phạt nặng Hành vi thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo sẽ bị xử phạt nặng

Theo nội dung Quyết định số 1204/QĐ-XPVPHC ngày 26/12/2017 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đỗ Thị Cẩm Thúy, trong thời gian từ 1/9/2015 đến 13/5/2016, bà Thúy đã mở 1 tài khoản chứng khoán và nhờ 15 người mở 28 tài khoản tại 4 công ty chứng khoán để thao túng cổ phiếu SPI, thu lợi bất chính gần 9,3 tỷ đồng.

Hành vi của bà Thúy, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã bị ra quyết định xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, với tổng số tiền phải nộp lên tới gần 10 tỷ đồng (gồm 600 triệu đồng tiền phạt vi phạm và truy thu toàn bộ số lợi thu được từ hành vi sai phạm), sau khi cơ quan công an kết luận chưa đủ căn cứ để khởi tố theo Điều 181c, Bộ luật Hình sự 1999 (tội thao túng chứng khoán).

Sự kiện này đã gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bởi lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán, một cá nhân bị xử phạt hành chính với lỗi thao túng giá, với tổng mức tiền phải nộp lớn kỷ lục.

Ý kiến từ thị trường cũng cho rằng, mức xử phạt này đủ khiến những cá nhân có ý định thực hiện hành vi thao túng phải chùn tay. Tuy nhiên, một câu hỏi từ thị trường cũng đã được đặt ra là: vì sao trục lợi số tiền lớn như vậy mà bà Thúy không bị khởi tố hình sự?

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành. Khi đó, các hành vi thao túng giá diễn ra kể từ thời điểm 1/1/2018 mà có khoản thu lời trái pháp luật từ 500 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm đáng lưu ý là, ngoài việc định nghĩa khái niệm về hành vi thao túng rộng và chi tiết hơn quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự đang có hiệu lực, các trường hợp thao túng bị xử lý hình sự sẽ mở rộng hơn.

Theo đó, chỉ cần hành vi thao túng dẫn đến việc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên thì có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng trở lên.

Như vậy, đối chiếu với quy định mới, hành vi thao túng giá chứng khoán của bà Đỗ Thị Cẩm Thúy, nếu diễn ra sau 1/1/2018, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự từ 2 tỷ đến 4 tỷ đồng, thay vì mức phạt vi phạm hành chính 600 triệu đồng như hiện nay.

Năm 2017, có 6 trường hợp bị xử lý hành chính vì hành vi thao túng giá chứng khoán, với tổng mức phạt và truy thu lên tới gần 12,7 tỷ đồng. Ngoài trường hợp bà Thúy với mức phạt và truy thu kỷ lục, còn 6 trường hợp khác. Cụ thể như sau:

Ngày 12/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Trọng Đức (Tổ 14, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội), số tiền 550 triệu đồng, do từ ngày 1/8/2016 đến ngày 25/1/2017 đã sử dụng 30 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu NHP.

Ngày 7/11/2017, cơ quan này đã quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đào Thị Khuê số tiền 550 triệu đồng. Theo đó, từ ngày 10/10/2016 đến ngày 31/03/2017, bà Khuê đã sử dụng 20 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ DAH.

Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 1026/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng đối với ông Nguyễn Duy Phương. Theo đó, từ ngày 4/7/2016 đến ngày 14/4/2017, ông Phương đã sử dụng 27 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HCD.

Ngày 1/9/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Sỹ Hải số tiền 550 triệu đồng do sử dụng 28 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 25 tài khoản đứng tên người khác để mua, bán, tạo cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu VMD.

Ngày 10/8/2017, cơ quan này xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Minh Phượng số tiền 600 triệu đồng do sử dụng 42 tài khoản, trong đó có 3 tài khoản đứng tên mình và 39 tài khoản đứng tên người khác mở tại 16 công ty chứng khoán khác nhau để giao dịch cổ phiếu HNG nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo.

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục