“Kẹo ảo” ở Licogi
Năm 2015, trước thời điểm Tổng công ty Licogi cổ phần hóa, trong lòng doanh nghiệp đã có một con sóng ngầm gắn với công cuộc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và những toan tính "lật kèo".
Cuối cùng, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông đã trở thành cổ đông chiến lược của Licogi, sau khi mua vào 31,5 triệu cổ phần, tương đương 35% vốn điều lệ.
Năm 2014, Licogi báo lãi hơn 200 tỷ đồng, cùng với quỹ đất doanh nghiệp đang quản lý rất lớn, không ít người cho rằng, nhà đầu tư chiến lược kiếm được món hời.
Vậy nhưng, nhà đầu tư này sớm vỡ mộng. Một nguồn tin từ doanh nghiệp cho biết, năm đầu sau cổ phần hóa, cổ đông lớn yêu cầu mời Công ty Kiểm toán PwC vào kiểm toán doanh nghiệp và bức tranh thật lộ ra, nhiều khoản mục đang lãi thành lỗ.
Khi tất cả được hạch toán đúng theo chuẩn mực, ngay trong năm tài chính 2016, Công ty mẹ Licogi đã phát sinh khoản lỗ sau thuế 293,4 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 803,52 tỷ đồng.
Bảng cân đối tài chính xấu, doanh nghiệp lỗ, khiến Licogi chật vật trong đấu thầu các dự án xây lắp, còn “viên kẹo” Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt cũng khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chậm triển khai dự án, riêng trả lãi tiền vay mỗi năm đã ngốn gần 100 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2018, tổng nợ phải trả của Licogi là 2.269 tỷ đồng (trong đó nợ vay là 1.337 tỷ đồng), gấp 4,4 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, tổng nợ ngắn hạn của Công ty mẹ đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.337 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên tới 392,88 tỷ đồng, chiếm 44% vốn điều lệ Tổng công ty.
Điều này đã dẫn đến sự hoài nghi của kiểm toán viên về khả năng hoạt động liên tục của Licogi. Giá cổ phiếu doanh nghiệp này (mã chứng khoán LIC) hiện rớt xuống 5.000 đồng/cổ phiếu, chưa bằng 1/2 mức giá các nhà đầu tư chiến lược bỏ ra mua cổ phần năm 2015.
Cơ cấu cổ đông kiểu “tam mã”, với ba cổ đông lớn nắm giữ tới 94,24% vốn điều lệ của Licogi gồm Bộ Xây dựng (40%), Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông (35%) và Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường (19,24%), khiến giữa các nhóm đông đều có sự đối trọng và khó ra quyết định nhanh, dứt khoát.
Doanh nghiệp do vậy bị bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư. Hiện giờ, Licogi đang chật vật tìm cách vượt qua khó khăn, liên kết với các nhà đầu tư khác để triển khai dự án, nhằm sớm có sản phẩm ra thị trường.
“Khúc xương” Bệnh viện Giao thông Vận tải
Động thái Tập đoàn T&T xin rút vốn tại Bệnh viện Giao thông Vận tải (Hà Nội) cũng cho thấy tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” của nhà đầu tư chiến lược.
Khi thực hiện cổ phần hóa Bệnh viện, T&T đã rót vốn để nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu tương đương 30% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, thời điểm cổ phần hóa, dự án tòa nhà bệnh viện bằng vốn ODA lại không được tính vào giá trị Bệnh viện, khiến mới đây, khi quyết toán dự án, giá trị Bệnh viện được xác định lại tăng thêm hơn 233,4 tỷ đồng (từ 168 tỷ đồng lên hơn 391,4 tỷ đồng).
Do đó, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tăng từ 70% lên 71,12%, trong khi T&T giảm từ 30% xuống 28,88%. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo, Bộ Giao thông Vận tải giữ vốn nhà nước, không thoái vốn tại đây.
Mệt mỏi vì những ồn ào khiếu kiện từ nội bộ Bệnh viện, cộng thêm cơ cấu sở hữu vốn bỗng nhiên thay đổi, Tập đoàn T&T đã có văn bản đề nghị các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Y tế cho thoái toàn bộ vốn đã đầu tư.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T đã rất tâm tư khi nói về câu chuyện này. Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông bảo, ai đó nghĩ rằng, ông đầu tư vào Bệnh viện Giao thông Vận tải vì đất là nhầm, vì thực tế, Bệnh viện chỉ có vài tòa nhà đang sử dụng.
T&T ấp ủ nhiều kế hoạch tham vọng khi quyết định rót vốn vào lĩnh vực y tế, trước mắt là Bệnh viện Giao thông Vận tải, bởi đây là ngành phục vụ trực tiếp sức khỏe cho người dân.
Tập đoàn đã làm việc với các nhà tư vấn Nhật Bản để xây dựng bản đề án tái cơ cấu toàn diện Bệnh viện, đào tạo, đầu tư mới theo mô hình bệnh viện chuyên nghiệp, chất lượng cao.
Tập đoàn cũng làm việc với các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Việt Đức… để có sự hợp tác trong nguồn nhân lực, đội ngũ y bác sĩ… với mong muốn đầu tư xứng tầm, để tạo ra một cơ sở khám chữa bệnh chất lượng quốc tế, phần nào tạo thuận lợi cho người bệnh có thể điều trị ngay trong nước, không phải vất vả, tốn kém khi ra nước ngoài.
Vậy nhưng, với chủ trương không giảm vốn nhà nước tại Bệnh viện Giao thông Vận tải thì cơ cấu cổ đông của Bệnh viện là hơn 70% vốn nhà nước, gần 30% vốn của nhà đầu tư chiến lược rất khó cho T&T trong việc tham gia đầu tư thêm, tham gia quản trị Bệnh viện.
“Tôi từng có niềm tin mãnh liệt là khi mọi khó khăn đã được tháo gỡ, có cơ chế phân cấp, phân quyền, cơ chế thu nhập, cơ chế chuyên môn làm rõ, chắc chắn Bệnh viện sẽ thành công, nhưng cơ cấu sở hữu 70:30 không cho phép thực hiện được những điều đó.
Cũng sẽ rất khó cho Bệnh viện vì việc cổ phần hóa như vậy đồng nghĩa với mỗi năm Bệnh viện sẽ bị cắt hàng chục tỷ đồng kinh phí hỗ trợ hoạt động. Bởi vậy, dù rất trăn trở, nhưng chúng tôi đã phải quyết định đề xuất với Chính phủ cho thoái vốn tại đây”, ông Hiển trải lòng.
Ai cũng muốn đầu tư có lời
Ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Dynam Capital, công ty quản lý quỹ của Vietnam Holding cho rằng, thường chỉ có các nhà đầu tư chiến lược tính chuyện đi đường dài với doanh nghiệp, mới trả giá cao.
Sẽ không mấy nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 5 tỷ USD để mua 53,6% cổ phần Sabeco, vài hôm sau lỗ 1 tỷ USD, cũng chẳng ai muốn mua một công ty dược mà vài tuần sau lỗ 1/3. Ai cũng muốn đầu tư có lời.
Chẳng nói đâu xa, ngay như tại Hapro, thị giá cổ phiếu hiện nay chỉ còn 8.000 đồng/cổ phiếu, bằng 2/3 so với giá cổ phần nhà đầu tư chiến lược bỏ ra hồi đầu năm.
Vừa thiệt về giảm giá cổ phiếu, cổ đông chiến lược còn phải ngược xuôi cùng doanh nghiệp với mục tiêu áp lực: 3 năm sau cổ phần hoá, Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 31 - 34%/năm. Ấy vậy mà vẫn không ít ý kiến cho rằng, cổ đông chiến lược “vớ bở” tại Hapro và đáng lẽ phải định giá doanh nghiệp cao hơn nữa.
Ông Thịnh nói rằng, các nhà đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp rất tốn kém, từ thuê tư vấn khảo sát, kiểm toán, định giá doanh nghiệp, chấp nhận mức giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Bởi thế, không chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư chiến lược cũng cần được bảo vệ quyền lợi, để họ nhiệt huyết đóng góp cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, cải thiện hiệu quả hoạt động.
Đối với doanh nghiệp, đam mê nhiệt huyết còn quý hơn vàng bạc, nên sẽ rất lãng phí nguồn lực nếu để nhà đầu tư chán nản, mất động lực khi bỏ vốn vào doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn tư nhân đang phải chiến đấu, cạnh tranh với những “sói già” quốc tế.
Trên khía cạnh tiềm lực, quy mô và tính chuyên nghiệp, họ đều đang ở thế yếu, nhưng các tập đoàn kinh tế Việt lại hơn điểm ở lòng tự tôn dân tộc, khả năng am hiểu thị trường nội địa, nhu cầu, phong tục tập quán, văn hóa người Việt Nam…
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, họ cần phải được khích lệ để vươn lên, đủ năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt.
Theo kế hoạch, trong tháng 10/2018, Hội nghị Đổi mới doanh nghiệp nhà nước sẽ được tổ chức với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và các phó thủ tướng.
Chủ trương quyết liệt cổ phần hóa và thoái vốn tại những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tại Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều 30/9. Thủ tướng cũng cho biết, đây sẽ là nội dung được thảo luận kỹ tại Hội nghị Trung ương Đảng diễn ra trong tuần này.
Để tiến trình này thực sự thành công, để doanh nghiệp nhà nước khắc phục tồn tại, yếu kém trước đây, nhanh chóng thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển, giải quyết công ăn việc làm, có đóng góp cho ngân sách, nhất thiết cần bàn tay và khối óc của các nhà đầu tư chiến lược.