Phát triển thị trường tài chính thời 4.0, những thách thức cần vượt qua

(ĐTCK) Cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 còn ở dạng tiềm năng, nhưng theo các chuyên gia,  thách thức cho thị trường tài chính đã hiện hữu.
Phát triển thị trường tài chính thời 4.0, những thách thức cần vượt qua

Cát cứ dữ liệu

Tại Hội thảo Vietnam Finance 2018, do Bộ Tài chính vừa tổ chức, dẫn ví dụ về sự cố kỹ thuật xảy ra đầu năm nay đối với hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) khiến thị trường chứng khoán phải tạm ngừng giao dịch, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhìn nhận, công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, những gì Việt Nam cần phải hành động để chuẩn bị, chủ động thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 chính là quá trình chuyển đổi số.

“Tài chính và công nghệ thông tin được đánh giá là những lĩnh vực có mức sẵn sàng cao nhất cho chuyển đổi số dựa trên khối lượng dữ liệu khổng lồ đang được tạo ra hàng ngày. Ngành tài chính cần chuyển đổi số ngay trong ứng dụng công nghệ số để trả lời, giải đáp các thủ tục hành chính tự động; kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro trong lĩnh vực chứng khoán, thuế...”, Thứ trưởng Hưng nói.

Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo, chuyển đổi số phải được coi là sự phát triển về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất.

Cụ thể, trong kinh doanh, đó là sự thay đổi về mô hình kinh doanh, chứ không chỉ là thúc đẩy sản xuất hay mở rộng phạm vi kinh doanh. Một trong những tiêu chí đo lường mức độ thành công của chuyển đổi số là việc theo dõi cách thức tạo ra và sử dụng, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu thế nào.

Thách thức đối với chuyển đổi số tại Việt Nam, ngoài liên quan đến an toàn, an ninh mạng, còn là nguồn lực, kỹ năng, nhận thức… hạn chế. Cho dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không, thì khi “đoàn tàu” cách mạng công nghiệp 4.0 đến chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính chỉ ra, thách thức lớn đối với Việt Nam trong thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, với chuyển đổi số là tình trạng cát cứ, chia cắt về dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Cần có giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới thì mới giúp thị trường tài chính vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội do cách mạng 4.0 mang lại…

Cùng góc nhìn, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản cảnh báo, tài chính là lĩnh vực có nhiều con số và dữ liệu ngày càng tăng, trong khi mỗi tổ chức quản lý dữ liệu của riêng mình.

Những dữ liệu này nếu không được kết nối và chia sẻ sẽ gây khó cho nỗ lực số hóa. Do đó, cần đưa ra quy định pháp lý rõ ràng, để trên cơ sở đó, các bên liên quan đưa ra các thỏa thuận cụ thể về kết nối và chia sẻ dữ liệu. 

“Khoảng trống” chính sách

Nhìn nhận lĩnh vực tài chính đang chịu những tác động lớn của cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những cơ hội là nhiều mối lo, thách thức.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội còn dưới dạng tiềm năng, nhưng thách thức đã hiện hữu. Một trong những thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực tài chính là sự xuất hiện các khoảng trống chính sách.

Việc xây dựng chính sách trong thời số hóa là không đơn giản, bởi đòi hỏi phải nhanh chóng, sát với thực tiễn thì mới đáp ứng được sự thay đổi nhanh theo mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như các giao dịch qua biên giới trong nền kinh tế chia sẻ…”, ông Tuấn nhìn nhận.

Một thách thức lớn nữa với cơ quan quản lý nhà nước là trách nhiệm giải trình phải lớn hơn, bởi thời cách mạng công nghiệp 4.0, việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, người dân dễ dàng và đa chiều hơn…

Trong bối cảnh đó, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, để biến cơ hội còn ở dạng tiềm năng trong thời cách mạng công nghiệp 4.0 thành hiện hữu, điều quan trọng là cùng với sẵn sàng nâng cao trách nhiệm giải trình, cơ quan quản lý cần đổi mới cách thức xây dựng quy định pháp lý theo hướng phản ứng nhanh, cởi mở, để xóa được “khoảng trống” cơ chế.

Trong đó, cần hình thành các cơ chế ưu đãi, nhất là về thuế, đất đai để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân để đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ…

“Ngành tài chính cần tận dụng có hiệu quả các thành quả của cách mạng 4.0 trong các lĩnh vực quản lý, nhất là xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số lồng ghép trong chương trình phát triển công nghệ thông tin của các chiến lược phát triển lĩnh vực chứng khoán, hải quan...”, ông Tuấn gợi mở.

Số hóa cho phép tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh...

Phát triển thị trường tài chính thời 4.0, những thách thức cần vượt qua ảnh 1

Ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính. 

Trong cuộc cách mạng 4.0 có nhiều công nghệ, nhưng đối với lĩnh vực tài chính, điều quan trọng nhất chính là chuyển đổi số. Nền tảng số hóa cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh.

Thách thức với ngành tài chính là dữ liệu còn phân tán, rời rạc, khó kết nối. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ để tạo được cơ sở dữ liệu tập trung, hướng tới mở và chia sẻ.

Hiện đa phần dữ liệu đang ở dạng văn bản, chưa được số hóa, nên sắp tới sẽ có đề án chuyên về số hóa. Ngành tài chính đưa ra lộ trình đến năm 2025, cơ bản thiết lập hệ sinh thái tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, kết nối với các bên thông qua chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh…

Dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, đòi hỏi nhân sự trong khu vực quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp phải luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, để khi xuất hiện các dịch vụ tài chính mới là nhanh chóng triển khai ra thị trường.

Các doanh nghiệp cần dẫn dắt cuộc cách mạng 4.0

Phát triển thị trường tài chính thời 4.0, những thách thức cần vượt qua ảnh 2

Ông John Kelly, Trưởng dự án PwC tại Việt Nam 

Kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính cho thấy, các doanh nghiệp cần dẫn dắt cuộc cách mạng này thì mang lại nhiều thành quả tích cực.

Tuy đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong, nhưng kinh nghiệm quốc tế còn cho thấy cơ chế hợp tác công - tư là giải pháp quan trọng không chỉ cho hiện tại, mà cả cho tương lai nhằm giúp khu vực tài chính phát triển hiệu quả hơn. Trong đó, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất giúp cho thị trường không chỉ đón bắt hiệu quả, mà còn có những đóng góp mang tính sáng tạo cho liên tục làm mới cuộc cách mạng 4.0.

Kinh nghiệm ở thị trường Anh cho thấy, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu tài chính mang lại những kết quả tích cực. Hay ở Thụy Điển, việc số hóa các dữ liệu lĩnh vực tài chính, ngoài giúp cho người dân và doanh nghiệp giảm thiểu chi phí tuân thủ, còn giúp cho thị trường phát triển minh bạch và hiệu quả hơn.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục