“Làm mới” thị trường chứng khoán thời 4.0

(ĐTCK) Thể hiện sự sâu sát trong chỉ đạo ở tầm Chính phủ đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về tổ chức các hội nghị chuyên đề về phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 trước ngày 15/3/2018.
“Làm mới” thị trường chứng khoán thời 4.0

Để "chứng khoán nhiều màu xanh"

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, khi chủ trì cuộc họp của thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tin mừng đầu Xuân là “chứng khoán có màu xanh”.

Thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin về thị trường chứng khoán, đặc biệt là luôn nhấn mạnh vai trò của thị trường này trong quá trình thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, gần đây, Thủ tướng đã đưa ra nhiều chỉ đạo mang tính gợi mở đường hướng phát triển cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh mới.

Cụ thể, tại Công điện 240/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, đã đưa ra yêu cầu rất mới.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp điều hành thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả, giảm bớt tác động bất lợi của thị trường chứng khoán thế giới và khu vực; chuẩn bị nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2018 việc tổ chức các hội nghị chuyên đề về phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính trong điều kiện Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, làm thay đổi phương thức quản trị của doanh nghiệp cũng như chăm sóc, tiếp cận khách hàng…

Thị trường chứng khoán là thị trường tài chính bậc cao, có sự liên thông và phản ứng rất nhanh với các diễn biến của nền kinh tế trong nước và thế giới cũng như liên thông với thị trường chứng khoán toàn cầu, vì vậy, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra trên phạm vi toàn cầu đang tác động lên thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam trên nhiều khía cạnh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất các giải pháp phát triển thị trường vốn trong bối cảnh bùng nổ Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đây là bước đi quan trọng và cấp thiết để giúp thị trường vốn Việt Nam không chỉ thích ứng tốt hơn trước các biến động của thị trường vốn và kinh tế toàn cầu vận động trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, qua đó giảm thiểu rủi ro hoạt động, giúp thị trường vốn Việt Nam đón bắt hiệu quả hơn các cơ hội phát triển mới.

Công ty chứng khoán chờ đợi nền tảng công nghệ mới

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trước khi chỉ đạo trên của Thủ tướng được đưa ra, trong năm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thành lập tổ/nhóm nghiên cứu các giải pháp về bài toán công nghệ cho thị trường, phương thức giao dịch…, nhằm giúp thị trường hóa giải thách thức, đón bắt cơ hội phát triển mới trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, với yêu cầu mới vừa được Thủ tướng giao, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phải xúc tiến triển khai các bước nghiên cứu, đề xuất lên Thủ tướng các giải pháp ở tầm cao và quy mô lớn hơn so với cấp độ nghiên cứu mà cơ quan này triển khai.

“Yêu cầu của Thủ tướng đưa ra là vấn đề quan trọng và khó, không dễ hoàn thiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ nỗ lực để báo cáo, đề xuất lên Thủ tướng những giải pháp phù hợp…”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.

Cái khó như chia sẻ của nhà quản lý là dễ hiểu, bởi Cách mạng Công nghiệp 4.0 còn rất mới mẻ đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam và càng mới hơn với lĩnh vực thị trường vốn, chứng khoán.

Từ thị trường, sáng kiến thiết kế công nghệ, sản phẩm, mà các công ty chứng khoán đang và sẽ triển khai là những gợi ý cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thiết kế giải pháp tổng thể trước làn sóng 4.0.

Đơn cử như trường hợp CTCK Kỹ Thương (TCBS). Lấy cảm hứng từ cách mạng công nghiệp 4.0, TCBS là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đưa ra mô hình Robo Advisor - công cụ TCWealth - với công nghệ tự động hoá quá trình lập kế hoạch tài chính dài hạn cho gia đình, tự động phân bổ danh mục đầu tư.

Theo TBCS, sử dụng công nghệ để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng là một xu hướng không thể đảo ngược của ngành chứng khoán trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng rãi trong nhiều ngành nghề.

Xây dựng mô hình quản lý mới, trong đó Robo-Advisor cộng với Social Invest sẽ là hai trụ cột của thị trường chứng khoán, đầu tư trong tương lai. Social Invest là mạng xã hội để nhà đầu tư chia sẻ thông tin cho nhau minh bạch.

Từ đó, các nhà đầu tư thụ động sẽ theo dõi các nhà đầu tư chủ động trên Social Invest. Khi đó, các môi giới chứng khoán giỏi sẽ trở thành những người dẫn dắt trên Social Invest. Do vậy, vai trò của môi giới không những không mất đi trong kỷ nguyên 4.0, mà trở nên quan trọng, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Một số công ty chứng khoán khác như FPTS, VNDS... cũng phát triển những sản phẩm đa dạng, đón đầu xu hướng 4.0. Tuy nhiên, ý kiến từ phía công ty chứng khoán cho rằng, điều quan trọng hiện nay là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần khẩn trưởng thúc đẩy các bên liên quan hoàn tất việc triển khai gói thầu xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ cho toàn thị trường Việt Nam, từ đó giúp các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, các công ty chứng khoán định hình hệ thống kết nối mới.

Việc này được xúc tiến hoàn thiện và đưa vào vận hành sớm sẽ giúp các công ty chứng khoán tiết kiệm chi phí, lẫn thời gian và công sức cho triển khai các sản phẩm mới, vừa giúp hệ thống công nghệ của thị trường chứng khoán Việt Nam thích ứng tốt hơn trước những tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.               

Cuộc đua đầu tư vào công nghệ sẽ nóng hơn

Ông Lục Đình Vinh, Kiến trúc sư trưởng phát triển hệ thống, CTCP Giải pháp phần mềm tài chính (FSS)

Thực ra, không phải đợi đến khi thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 nổ ra, cuộc đua đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ tại các công ty chứng khoán mới “nóng”.

Do đặc thù hệ thống công nghệ trên thị trường tài chính thay đổi nhanh để đảm bảo tính cạnh tranh, nên hiện cuộc đua trong khối công ty chứng khoán trong đầu tư cho công nghệ đang diễn ra gay gắt.

Thực tế cho thấy, nhiều công ty có xuất phát điểm tương đồng nhau về năng lực và trình độ phát triển, nhưng chậm chân trong đầu tư bài bản cho hệ thống công nghệ đang bị mất dần khách hàng. Ngược lại, những công ty thường xuyên chú trọng đầu tư cho làm mới hệ thống công nghệ đang tạo ra sức hút đối với khách hàng.

Nói là đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ, nhưng thực chất để vận hành một hệ thống mới hiệu quả, công ty chứng khoán phải kèm theo đầu tư đáng kể cho phát triển đội ngũ nhân sự, hệ thống quản trị rủi ro, với nhiều công sức, thời gian, tiền của thì mới có thể tận dụng và khai thác hiệu quả hệ thống mới…

Kinh nghiệm triển khai hệ thống phần mềm cho các tổ chức tài chính, nhất là khối công ty chứng khoán của FSS cho thấy, các công ty chứng khoán đang ngày một mạnh tay hơn trong đầu tư tiền của cho hiện đại hóa hệ thống công nghệ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, lĩnh vực chứng khoán được dự báo sẽ chịu những tác động nhanh và mạnh. Điều này sẽ làm thay đổi môi trường đầu tư của nhà đầu tư, dẫn đến đòi hỏi các công ty chứng khoán sẽ phải thay đổi phương thức tác nghiệp, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường.

Do đó, cuộc đua đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ trong khối công ty chứng khoán sẽ diễn ra gay gắt và khốc liệt hơn. Hiệu quả trong đầu tư cho hệ thống công nghệ mới không chỉ giúp công ty chứng khoán nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm khách hàng, gia tăng thị phần, mà còn giảm thiểu rủi ro hoạt động.

Nhận diện nhu cầu đầu tư cho hệ thống công nghệ của khối công ty chứng khoán đang trong xu hướng gia tăng nhanh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, FSS đi trước một bước trong cập nhật các xu hướng công nghệ cho thị trường tài chính trên thị trường quốc tế, qua đó tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới, để đón bắt tốt hơn nhu cầu đầu tư của các công ty chứng khoán. 

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục