Ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc VFM
Đối tượng khách hàng mục tiêu của Công ty không chỉ là những tổ chức lớn, tổ chức nước ngoài, mà cả ở nhóm khách hàng cá nhân trong nước.
Năm 2015, nhiều công ty quản lý quỹ mới được thành lập và các công ty quản lý quỹ cũng mở thêm những quỹ đầu tư mới, trong đó có cả quỹ đầu tư bất động sản (REIT). Mặc dù năm qua, thị trường chứng khoán có nhiều đợt biến động mạnh, thanh khoản giảm so với năm 2014, nhưng kết quả hoạt động của các quỹ đầu tư lại tương đối tốt.
7/12 quỹ mở đầu tư cổ phiếu có kết quả tăng trưởng NAV/chứng chỉ quỹ tốt hơn so với tăng của trưởng của VN- Index; 2/4 quỹ trái phiếu có kết quả đầu tư tốt hơn tăng trưởng của chỉ số Trái phiếu tổng hợp toàn bộ thu nhập do HNX (HNX Total Return Composite Bond Index) và có 6/18 quỹ mở có số vốn ròng đăng ký vào quỹ (net subscription) là con số dương.
Các quỹ mở do VFM quản lý cũng có một năm hoạt động tích cực, khi cả 3 quỹ VF1, VF4 (cổ phiếu) và VFB (trái phiếu) đều nằm trong nhóm 3 quỹ dẫn đầu thị trường, với mức tăng trưởng đầu tư tương ứng 13,6%, 19,9% và 6,3%.
Đặc biệt, dù mới ra đời được hơn 1 năm (ngày 6/10/2014), nhưng Quỹ hoán đổi danh mục VFMVN30 ETF có sự tăng trưởng quy mô tốt nhất thị trường, với mức tăng gấp đôi trong bối cảnh quy mô của các quỹ không có sự thay đổi lớn, một số quỹ còn bị rút vốn ròng trong năm.
Bước sang năm 2016, theo nhận định của ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM, hoạt động của ngành quỹ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn có điểm tích cực cho bức tranh chung của ngành đến từ những thay đổi ở góc độ vĩ mô, chính sách.
Cụ thể, về mặt vĩ mô, theo Bloomberg, Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trên thế giới với GDP dự kiến đạt 6,6% (chỉ sau Ấn Độ).
Các hiệp định thương mại đã ký và có hiệu lực vào năm 2016 với các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, EU và sắp tới là TPP sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kéo theo đó sẽ là vốn đầu tư gián tiếp (FII).
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cùng với Philippines là hai nước nằm trong tâm điểm chú ý của giới đầu tư, nên hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngoại.
“Về mặt thị trường, năm 2016 sẽ có thêm các biện pháp để phát triển TTCK như rút ngắn chu kỳ thanh toán thành T+2, cho phép giao dịch trong ngày và giao dịch phái sinh và đặc biệt là khi Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 183/2011 của Bộ Tài chính về việc thành lập và quản lý quỹ mở được ban hành, ngành quản lý quỹ sẽ có sân chơi rộng hơn. Trước bối cảnh đó, các quỹ đầu tư phải có sự thay đổi để chuẩn bị sẵn sàng nắm bắt những cơ hội tốt cho giai đoạn mới, từ năm 2016 trở đi”, ông Tân nhìn nhận.
Ông Tân cũng cho biết, từ khi chuyển đổi mô hình các quỹ sang quỹ mở năm 2013, VFM đã xác định sẽ định hướng lại hoạt động của Công ty, tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Khách hàng của VFM sẽ đa dạng hơn, không chỉ gói gọn trong các tổ chức lớn, các tổ chức nước ngoài, mà còn nằm ở nhóm khách hàng cá nhân tại Việt Nam đang tìm kiếm những kênh đầu tư hiệu quả hơn so với những kênh truyền thống.
Hiện tại, việc huy động vốn trong phân khúc khách hàng cá nhân đã và đang được VFM tiến hành, nhưng còn hạn chế do các sản phẩm quỹ mở vẫn còn mới mẻ với nhà đầu tư. Đồng thời, các công ty quản lý quỹ vẫn còn chưa thực hiện nhiều nỗ lực trong chiến lược go-to-market (đưa sản phẩm ra thị trường).
Để sản phẩm quỹ mở trở nên quen thuộc và phổ biến, tạo điều kiện tốt hơn cho huy động, chiến lược của VFM là tập trung vào 3 chữ T: Tell (Xây dựng nhận thức) – Train (Cung cấp kiến thức) – Trade (Hỗ trợ giao dịch).
Theo đó, trong thời gian tới, VFM sẽ đầu tư mạnh hơn cho công tác quảng bá, tiếp thị thương hiệu, đổi mới hình ảnh của thương hiệu theo hướng chuyên nghiệp, nhưng vẫn gần gũi thân thiện hơn với khách hàng mục tiêu. Song song đó, công tác truyền thông phổ biến kiến thức về sản phẩm quỹ mở và lợi ích của quỹ nhằm xây dựng sự hiểu biết cho nhà đầu tư tiềm năng cũng sẽ được đẩy mạnh. Mặt khác, VFM tiếp tục mở rộng hơn mạng lưới phân phối với các đối tác ngân hàng, CTCK để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư tiếp cận được sản phẩm quỹ.
Về nội tại doanh nghiệp, từ năm 2015, VFM đã định hướng phải kiện toàn lại bộ máy nhân sự để thích nghi tốt hơn với hoàn cảnh mới. Năm 2016, VFM sẽ áp dụng những thay đổi chiến lược về mặt nhân sự như hệ thống đánh giá hiệu suất nhân viên theo chuẩn quốc tế, tái cấu trúc lại bộ máy hiệu quả hơn, đồng thời tuyển dụng thêm các nhân sự cao cấp nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính đầu tư trong nước và quốc tế để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Ông Tân tin rằng, với sự chuẩn bị và quyết tâm thay đổi toàn diện của VFM nhằm thích nghi với sự vận động của nền kinh tế Việt Nam trên bước đường hội nhập, Công ty sẽ tiếp tục có một năm 2016 phát triển mạnh mẽ.