Từ ngày 11-22/9, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm 2 vụ án tranh chấp do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa cán bộ, nhân viên và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Vụ kiện thứ nhất là của ông Nguyễn Văn Chương (SN 1963, ở quận Đống Đa). Ông Chương cho rằng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của VFF là trái pháp luật, ông đề nghị tòa án phải bồi thường tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, tiền bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc cộng với 2 tháng tiền lương, tiền trợ cấp thôi việc…
Trước đó, năm 2010, VFF ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông Chương. Năm 2013, ông Chương được bổ nhiệm làm quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam; năm 2014 là Phó trưởng phòng bóng đá phong trào, đào tạo và tổ chức thành viên.
Năm 2015, ông Chương tham dự cuộc họp của Thường trực VFF và được biết mình cùng 6 người khác sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động theo diện tinh giảm nhân sự mà không cho biết lý do và căn cứ pháp lý.
Ngày 16/5/2015, ông Chương bị chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 1/6/2015. VFF chuyển vào tài khoản ông Chương số tiền 22 triệu đồng là tiền chi trả trợ cấp mất việc làm.
Ông Chương khẳng định theo điều 36,38 Bộ luật lao động, VFF đơn phương chấm dứt hợp đồng là không có căn cứ. Thẩm quyền ban hành quyết định do Chủ tịch VFF ký cũng trái pháp luật vì chỉ có Tổng thư ký VFF mới có quyền này. Điều này là trái với điểm I khoản 2 Điều 57 của Điều lệ Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
VFF cho rằng trình tự thủ tục cho thôi việc đúng theo quy định tại khoản 1,3 Điều 44 Bộ luật Lao động. Lý do cho cán bộ thôi việc nêu rõ là “sắp xếp tổ chức lại công việc để nâng cao hiệu quả công tác của cơ quan”. Mặt khác, theo khoản a Điều 39 của Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) được VFF phê duyệt ngày 21/3/2014 thì Chủ tịch VFF có thẩm quyền ký quyết định cho thôi việc.
HĐXX nhận thấy trình tự, thủ tục, thẩm quyền và căn cứ ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của VFF với ông Chương về hình thức là đúng quy định. Do đó, tòa bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Công đoàn và khoản 7 ĐIều 192 Bộ luật Lao động quy định phải đảm bảo quyền lợi cho cán bộ công đoàn không chuyên trách. Tòa buộc VFF phải thanh toán tiền lương cho ông Chương cho đến hết nhiệm kỳ Ban chấp hành công đoàn cơ sơ, tức là từ ngày 1/6/2015 đến 31/3/2016 là 9 tháng (11 triệu đồng/tháng), tương đương là 99 triệu đồng. VFF phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm cho ông Chương đến ngày 31/3/2016.
Tương tự trong vụ kiện thứ hai, tòa cũng bác yêu cầu khởi kiện của một nhân viên kỹ thuật có thâm niên công tác tại VFF 12 năm. Bởi lẽ trình tự, thủ tục, căn cứ chấm dứt hợp đồng là đúng quy định. Nhân viên được thanh toán số tiền trợ cấp mất việc làm là 47 triệu đồng.