Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm, người lao động lao đao

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hàng ngàn lao động đang đứng trước tình cảnh do doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài, người lao động khi bị rủi ro không được giải quyết quyền lợi.
Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm, người lao động lao đao. Ảnh minh họa: TTXVN Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm, người lao động lao đao. Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động diễn ra phổ biến. Có doanh nghiệp nợ kéo dài 5, 7 năm.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hàng ngàn lao động đang đứng trước tình cảnh do doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài, người lao động khi bị rủi ro không được giải quyết quyền lợi. Có những người cả đời làm việc cho doanh nghiệp nhưng đến khi về hưu lại không nhận được sổ hưu vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.

Người lao động khốn khổ

Anh Lê Văn Hợi, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) làm nhân viên cho Xí nghiệp đá Bình Thanh, thuộc Công ty cổ phần Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi (phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi) đã hơn 10 năm.

Năm 2013, anh Lê Văn Hợi bị tai nạn giao thông qua đời nhưng đến nay, gia đình anh Hợi vẫn chưa nhận được chế độ nào từ các ngành chức năng, vì doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm gần 6 tỷ đồng.

Hoàn cảnh khó khăn, nhiều lần chị Huỳnh Thị Lệ - vợ anh Hợi đến công ty yêu cầu giải quyết chi phí chế độ mai táng, trợ cấp tuất cũng như đề nghị thanh toán các khoản công nợ cho chồng nhưng công ty không thực hiện.

Chị Lệ bức xúc nói: “Khi còn sống và đi làm, theo hợp đồng làm việc giữa anh Hợi và công ty, hàng tháng công ty giữ lại số % theo lương để đóng các loại bảo hiểm nhưng khi không may qua đời, gia đình lại không nhận được loại trợ cấp nào. Đến nay, đã gần 4 năm kể từ ngày chồng tôi qua đời, công ty vẫn chưa chịu giải quyết chế độ, đến cơ quan bảo hiểm được biết công ty chồng tôi làm việc nợ tiền bảo hiểm nên không giải quyết được. Đến công ty thì lãnh đạo bảo về đợi, từ từ họ giải quyết”.

Từ năm 2012, Công ty cổ phần Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi làm ăn thua lỗ, nên nợ đóng bảo hiểm xã hội. Trong hơn 5 năm, công ty vừa nợ lương, vừa nợ các khoảng bảo hiểm của người lao động gần 10 tỷ đồng.

Nhiều lần người lao động kiến nghị với Công đoàn yêu cầu công ty trả lương và thực hiện các quyền lợi cho người lao động nhưng không được giải quyết. Đến tháng 9/2017, 42 lao động của công ty đã có đơn thỉnh cầu gửi các cơ quan chức năng của Quảng Ngãi.

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Bao bì Việt Phú (phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi), hàng trăm lao động cũng đang lao đao khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm hơn 8 tỷ đồng. Khó khăn nhất là những người đến tuổi nghỉ hưu thì không làm được chế độ do doanh nghiệp nợ kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Lâm, trú tại phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi đã làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Bao bì Việt Phú từ năm 1995, đến tháng 5/2017 ông nghỉ hưu vì mất sức. Khi tới Bảo hiểm xã hội để chốt sổ, ông Lâm mới biết công ty chỉ đóng bảo hiểm cho mình đến tháng 11/2013.

“Hàng tháng công ty vẫn trừ lương của tôi và những lao động khác nhưng chỉ đóng các loại bảo hiểm đến tháng 11/2013. Giờ làm sao tôi chốt sổ hưu. Đến công ty thì họ cũng chỉ bảo là đang khó khăn. Nghỉ hưu mấy tháng rồi mà tôi vẫn chưa được hưởng chế độ theo quy định”, ông Lâm chia sẻ.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 10/2017, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động với số tiền hơn 120 tỷ đồng; trong đó, nợ bảo hiểm xã hội 104 tỷ đồng, bảo hiểm y tế 11,39 tỷ đồng và nợ bảo hiểm thất nghiệp gần 5 tỷ đồng. Tỉnh hiện có 436 đơn vị nợ từ 3 tháng đến dưới 6 tháng, với số tiền nợ gần 17 tỷ đồng; 355 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên, với số tiền gần 62 tỷ đồng.

Ông Tiêu Sinh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: “Các công ty, doanh nghiệp nợ trong thời gian quá dài nên lao động làm việc cho họ bị mất đi các quyền lợi của mình. Đối với các đơn vị nợ bảo hiểm, chúng tôi đã phối hợp với các ngành kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội”.

Khó khăn trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm

Theo Luật bảo hiểm xã hội và Bộ luật Tố tụng Dân sự, từ ngày 1/7/2017, tổ chức Công đoàn đứng ra thực hiện khởi kiện các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội tuy nhiên vẫn khó cải thiện được tình hình.

Ông Tiêu Sinh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: “Lý do các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội có nhiều, có thể doanh nghiệp làm ăn được nhưng họ cố tình chây ỳ; có nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, đang trong tình trạng giải thể, phá sản hay bán cổ phần cho doanh nghiệp khác”.

Từ khi được trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm, đến thời điểm này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã nhận được 34 hồ sơ của bảo hiểm xã hội tỉnh về việc khởi kiện đối với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài thế nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào bị khởi kiện ra Tòa. Theo Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ Luật Tố tụng dân sự, để khởi kiện doanh nghiệp, người lao động phải có giấy ủy quyền gửi Công đoàn cơ sở, Công đoàn cơ sở ủy quyền cho Công đoàn cấp trên mới có thể tiến hành khởi kiện.

Ông Nguyễn Đồng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Theo tôi, rất khó để Liên đoàn Lao động cấp huyện, tỉnh nhận được giấy ủy quyền từ Công đoàn cơ sở, vì Chủ tịch Công đoàn cơ sở cũng là người làm công ăn lương nên nếu làm đơn gửi Công đoàn cấp trên thì họ sợ bị gây khó dễ, bị cho thôi việc. Đây chính là rào cản lớn khiến chúng tôi không đủ điều kiện khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội”.

Trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ nợ đọng nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Theo các cơ quan chức năng chỉ khi khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp làm trái pháp luật, mới đủ sức răn đe. Muốn vậy, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, tránh tạo kẽ hở để doanh nghiệp luồn lách.

Công đoàn cơ sở cũng phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Điều quan trọng nhất là người lao động cần mạnh dạn lên tiếng đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về bảo hiểm xã hội để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của chính mình.

Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục