Trong vụ kiện này, nguyên đơn là bà Lê Thị Tuyết Vân, được tuyển dụng vào làm việc tại STT từ 2009, với chức danh Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ bảo vệ Long Vân, công ty thành viên của STT.
Đến năm 2015, Tổng giám đốc mới của STT là ông Kakazu Shogo đã điều chuyển bà Vân từ vị trí Giám đốc thành Phó giám đốc Công ty Long Vân, rồi cách chức và cuối cùng là ban hành quyết định sa thải bà này không có lý do và cũng không thanh toán tiền lương từ 11/2015 đến tháng 7/2016. Cho rằng các quyết định này trái pháp luật, bà Lê Thị Tuyết Vân đã đệ đơn khởi kiện.
Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân quận 1 (TP.HCM) đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vân, tuyên buộc STT phải thu hồi các quyết định sai thải, cách chức…; đồng thời bồi thường danh dự, bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước, trả tiền lương 8 tháng... tổng cộng là 175 triệu đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị đơn STT đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị tòa cấp phúc tuyên sửa lại bản án theo hướng bác đơn khởi kiện của người lao động.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM cũng có quyết định kháng nghị đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy bản án, giao cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Được biết, tại giai đoạn sơ thẩm, STT cho biết, quá trình điều hành, bà Vân đã khiến Công ty thua lỗ và nhiệm kỳ 5 năm (theo Điều lệ Công ty quy định) đã hết nên Công ty ra quyết định điều chuyển bà Vân làm Phó giám đốc vào tháng 4/2015. Tiếp đó, đến tháng 11/2015, STT ban hành quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Long Vân và cách chức bà Vân. STT đổ lỗi cho bà Vân không bàn giao con dấu dẫn đến việc chậm thanh toán lương cho khoảng 300 lao động.
Trong khi đó, bà Vân cho biết, bà ký duyệt chi lương cho người lao động vào thứ Sáu. Nhưng đến thứ Hai tuần sau thì mới phát hiện ngân hàng chưa chuyển lương vì tài khoản của Công ty đã bị phong tỏa.
Trong khi đó, quyết định thay đổi người đại diện và cách chức rất bất thường khi yêu cầu bà bàn giao mọi thứ ngay trong ngày ban hành quyết định. Đến tháng 2/2016, STT ban hành quyết định sa thải bà Vân vì thua lỗ, không bàn giao con dấu, giấy phép, tự bỏ việc quá 5 ngày trong 1 tháng…
Phía bà Vân cho rằng, theo quy định pháp luật lao động, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải báo trước cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung đó. Nếu thỏa thuận được thì hai bên tiến hành ký kết Phụ lục hoặc giao kết hợp đồng mới.
Nếu không thỏa thuận được thì hai bên tiếp tục thực hiện hợp đồng đã giao kết. Việc STT không hề thỏa thuận với bà Vân đã tự ý cho bà Vân làm nhiệm vụ không đúng với hợp đồng lao động đã ký là vi phạm hợp đồng.
Riêng với quyết định sa thải, quyết định này được ký vào tháng 2/2016, khi đó tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp lao động giữa STT và người lao động. Theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Lao động thì không được xử lý kỷ luật với người lao động đang trong thời gian chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của STT đã đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng có vi phạm tố tụng nghiêm trọng như là cấp sơ thẩm chưa mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự (theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Luật sư cũng cho rằng ban đầu nguyên đơn chỉ khởi kiện 2 quyết định điều chuyển và cách chức, nhưng sau đó bổ sung thêm quyết định sa thải, Tòa án chấp nhận thụ lý và giải quyết là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, vi phạm quy định tố tụng.
Mặc dù cho rằng quyết định kháng nghị là có căn cứ, nhưng tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cho rằng, giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm đã đúng nội dung nên việc hủy án không cần thiết, chỉ đề nghị sửa án về nội dung tuyên trách nhiệm chịu lãi.
Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện do đó việc tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu khởi kiện bổ sung là căn cứ. Khi tòa cấp sơ thẩm có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Bộ luật Dân sự 2015 chưa có hiệu lực pháp luật. Do đó, không cần thiết phải hủy án sơ thẩm quay lại phần mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.
Cuối cùng, bản án sơ thẩm bác kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm, buộc STT phải bồi thường 153 triệu đồng cho người lao động; hủy các quyết định điều chuyển, cách chức, sa thải trái pháp luật và nhận người lao động trở lại làm việc.