Cổ đông yêu cầu Tổng giám đốc bồi thường tiền tỷ
Được biết, cổ đông lớn sở hữu hơn 21% cổ phần của STT đã đệ đơn khởi kiện Tổng giám đốc người Nhật Kakazu Shogo, yêu cầu tòa án buộc ông này phải bồi thường cho Công ty những thiệt hại gây ra trong quá trình điều hành doanh nghiệp.
Theo nguyên đơn Nguyễn Văn Hồng, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc sẽ phải bồi thường trách nhiệm dân sự trong trường hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).
Điều lệ STT cũng quy định về trách nhiệm cẩn trọng của thành viên HĐQT, Tổng giám đốc và cán bộ quản lý, trách nhiệm về thiệt hại và bồi thường. Theo đó, nếu những người này không hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự cẩn trọng, mẫn cán và năng lực chuyên môn sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Theo cổ đông Hồng, trong thời gian đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc STT (từ tháng 9/2014 đến nay), ông Kakazu Shogo đã để xảy ra một số thiệt hại cho Công ty. Cụ thể, tháng 6/2015, ông Kakazu Shogo đã ký hợp đồng thuê trụ sở văn phòng để chuyển trụ sở Công ty khi chưa có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ. Việc này gây ra thiệt hại hơn 1 tỷ đồng cho Công ty, gồm chi phí thuê văn phòng trong 6 tháng với giá hơn 146 triệu đồng/tháng và chi phí sửa chữa mặt bằng mới 140 triệu đồng.
Do việc chuyển trụ sở chưa có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ, cổ đông đề nghị tòa án tuyên bố hợp đồng thuê văn phòng giữa Công ty TNHH MTV Máy Thiết bị Dầu khí Sài Gòn và STT vô hiệu.
Ông Hồng cũng yêu cầu ông Kakazu Shogo phải bồi thường thiệt hại do tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ quản lý sai quy định, sử dụng lái xe để tham gia kinh doanh vận tải, mà không có hợp đồng lao động dẫn đến bị Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM phạt vi phạm hành chính 72 triệu đồng.
Ông Hồng còn yêu cầu ông Kakazu Shogo phải bồi thường thiệt hại do ký hợp đồng với xe liên kết không tuân thủ quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Xe taxi liên kết bị đình chỉ trong đợt thanh tra khiến STT thất thu doanh số 2 tháng, tương đương 384 triệu đồng.
Tổng các khoản thiệt hại mà cổ đông Hồng yêu cầu Tổng giám đốc Kakazu Shogo bồi thường cho STT là gần 1,5 tỷ đồng.
Chỉ sử phạt pháp nhân?
Tại tòa, người đại diện của ông Kakazu Shogo trình bày rằng, việc tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ quản lý là thẩm quyền của Tổng giám đốc.
Về việc ký hợp đồng với xe liên kết dẫn đến Thanh tra Sở Giao thông Vận tải quyết định thu hồi phù hiệu xe do có thiếu sót, vi phạm một số điều kiện quy định trong hoạt động kinh doanh taxi, đại diện ông Kakazu Shogo cho rằng, Công ty đã triển khai từ năm 2008, trước khi ông Kakazu Shogo làm Tổng giám đốc.
“Tóm lại, các quyết định xử phạt là đối với pháp nhân Công ty, chứ không phải là lỗi của cá nhân Tổng giám đốc”, đại diện ông Kakazu Shogo trình bày.
Về nội dung thuê văn phòng tại 11 Nguyễn Gia Thiều, do mặt bằng tại địa chỉ 25 Pasteur hiện đã xuống cấp và đang để trống để tiến hành thủ tục xin UBND TP. HCM chuyển từ đất thuê hàng năm sang đất thuê 50 năm và sửa chữa. Khi nào sửa chữa xong, Công ty sẽ chuyển về.
Đối với yêu cầu của nguyên đơn đề nghị hủy hợp đồng thuê văn phòng do chưa được ĐHĐCĐ chấp thuận, bị đơn cho rằng, không có cơ sở do không liên quan đến quan hệ pháp luật ban đầu.
Phía nguyên đơn cho rằng, ông Kakazu Shogo đã điều hành công việc kinh doanh hàng ngày không đúng theo quy định pháp luật, Điều lệ Công ty, không hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự cẩn trọng nên phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu, chứng cứ và thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng, yêu cầu khởi kiện của cổ đông là có căn cứ. Theo đó, bản án sơ thẩm nhận định, ông Kakazu Shogo đã ban hành quyết định bổ nhiệm ông Kishi Kentaro làm Giám đốc Phòng Tổ chức Hành chính, nhưng Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM đã phát hiện ông Kishi Kentaro không có giấy phép lao động và xử phạt STT 60 triệu đồng (theo quyết định ngày 26/1/2015).
Đến tháng 6/2015, STT bị Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP. HCM xử phạt 12 triệu đồng vì hành vi vi phạm “Sử dụng lái xe để tham gia kinh doanh vận tải, mà không có hợp đồng lao động theo quy định. Không thực hiện đúng các nội dung đã niêm yết về giá cước”.
Bản án sơ thẩm nhận định, đây là các quyết định xử phạt đối với pháp nhân là Công ty STT và Công ty đã phải nộp phạt. Ông Kakazu Shogo là Tổng giám đốc STT, có toàn quyền bổ nhiệm người quản lý và ký hợp đồng với người lao động, nhưng Khoản 2 và 4, Điều 157, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Giám đốc, Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty theo đúng quy định pháp luật, điều lệ công ty. Trường hợp điều hành trái với quy định, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty. Điều lệ STT cũng có quy định về trách nhiệm và bồi thường thiệt hại của người quản lý Công ty, trong đó có Tổng giám đốc. Do đó, việc nguyên đơn yêu cầu ông Kakazu bồi thường là có cơ sở chấp nhận.
Đối với khoản thiệt hại liên quan đến xe taxi bị thu hồi phù hiệu phương tiện giao thông, đình chỉ hoạt động trong thời gian 2 tháng, Hội đồng xét xử cho rằng, đại diện ông Kakazu Shogo và STT cho rằng việc ký hợp đồng với xe liên kết là để quảng bá thương hiệu, chứ không có lợi nhuận và đã cung cấp cho tòa án báo cáo về doanh thu, chi phí, lợi nhuận xe liên kết; hoạt động xe liên kết bị lỗ 997.000 đồng/xe/tháng. Tuy nhiên, báo cáo này không ghi ngày tháng, không đánh số và chưa được Tổng giám đốc phê duyệt và soát xét của Ban Kiểm soát, nên không có cơ sở để chấp thuận.
Hơn nữa, khi được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng giám đốc thì ông Kakazu Shogo phải có nghĩa vụ xem xét lại toàn bộ hoạt động của STT với sự cẩn trọng và phải chịu trách nhiệm nếu để Công ty xảy ra vi phạm pháp luật và bị xử phạt do vi phạm đó. Không thể đổ lỗi cho các chủ trương có từ trước, ông Kakazu Shogo chỉ tiếp tục ký hợp đồng nên không phải chịu trách nhiệm.
Theo hợp đồng xe liên kết thì STT chấp thuận cho chủ xe được sử dụng logo, bảng hiệu taxi Saigontourist và chủ xe chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí, vật tư, trang thiết bị, nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Ngoài ra, chủ xe còn phải nộp ký quỹ 10 triệu đồng, khoán doanh thu 140.000 đồng/ngày cho STT. Như vậy, đây là khoản doanh thu đã trừ chi phí, chứ không phải như bản báo cáo bị đơn cung cấp cho tòa án.
Về việc di dời trụ sở chính, việc này liên quan đến sửa đổi Điều lệ Công ty và phải được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ với tỷ lệ đồng ý là 75%. Vì vậy, khi chưa có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ với tỷ lệ 75% mà ông Kakazu Shogo đã quyết định di dời trụ sở chính là trái với quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty. Sau đó, HĐQT STT đã họp và ra Nghị quyết về việc trình ĐHĐCĐ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi địa chỉ trụ sở Công ty và bổ sung ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến cổ đông đã xảy ra tình trạng kiểm phiếu trái pháp luật.
Biên bản kiểm phiếu đã tính luôn số phiếu “không gửi về, không có ý kiến coi như là đồng ý với nội dung biểu quyết” là hoàn toàn trái với quy định tại Khoản 4, Điều 145, Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Ngày 10/7/2015, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM có công văn gửi STT đề nghị xem xét lại tính pháp lý của nghị quyết này. Kết quả, việc lấy ý kiến cổ đông được xem như ĐHĐCĐ không thông qua việc di dời trụ sở chính. Vì vậy, yêu cầu của nguyên đơn là có cơ sở để chấp thuận.
Bản án sơ thẩm tuyên hợp đồng thuê văn phòng giữa Công ty Máy Thiết bị Dầu khí Sài Gòn và STT vô hiệu, ông Kakazu Shogo phải chịu trách nhiệm bồi thường cho STT số tiền 1,48 tỷ đồng.
Được biết, sau phiên tòa sơ thẩm, ông Kakazu Shogo đã đệ đơn kháng cáo.
Theo Khoản 1, Điều 161, Luật Doanh nghiệp, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng được quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong các trường hợp:
- Vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty theo quy định tại Điều 160 của Luật này.
- Không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của HĐQT.
- Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của ĐHĐCĐ.