“Vẽ đường” franchise cho doanh nghiệp Việt

Nhượng quyền thương mại (franchise) được xem là bước đi phù hợp, giúp nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiến ra thị trường thế giới, nhưng làm thế nào để xây dựng một chiến lược hoàn hảo cho bước đi này?
Ông Nguyễn Văn Dũng (bên trái) là người chơi ở vị trí CEO. Ông Nguyễn Văn Dũng (bên trái) là người chơi ở vị trí CEO.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006, Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng cho hoạt động franchise với “cuộc đổ bộ” của nhiều thương hiệu lớn như KFC, McDonald’s, Starbucks…

Chứng kiến sự “ăn nên, làm ra” của các thương hiệu ngoại, nhiều DN Việt Nam cũng đã “nhanh tay” phát triển thương hiệu để tham gia lĩnh vực tiềm năng này. Tuy xuất hiện muộn hơn, nhưng một số thương hiệu trong nước cũng đã thu được  thành công nhất định trong mô hình trên, như Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Cà phê Cộng…

Ngoài chi phí thấp và ít rủi ro, franchise còn được xem là một bước đi phù hợp cho các DN Việt Nam đang có tham vọng mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ nhưng chưa đủ sức để tấn công trực tiếp.

Sự hấp dẫn của franchise cũng là lý do lôi cuốn nhiều khán giả theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công cuối tuần qua với chủ đề Doanh nghiệp gia đình - Duy trì hay nhân rộng.

Chương trình đề cập câu chuyện của một DN gia đình đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu nhà hàng và phát triển chuỗi qua hình thức franchise. DN này đã có trên 20 năm kinh doanh thành công trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng nhờ có vị trí đắc địa, cùng một số công thức chế biến món ăn bí truyền.

Với thành công sẵn có của DN, người con lớn của gia đình và cũng là CEO của DN đã nghiên cứu và đề xuất một kế hoạch táo bạo với Hội đồng Quản trị về việc xây dựng, quy chuẩn hóa và đăng ký bản quyền hệ thống thương hiệu cùng mô hình kinh doanh của nhà hàng. Tiếp đó, sẽ mở rộng kinh doanh theo 2 hướng: tìm thêm vị trí đắc địa, từng bước mở thêm các nhà hàng mới của gia đình; bán quyền khai thác mô hình kinh doanh và khai thác thương hiệu.

Tuy nhiên, kế hoạch của CEO đã vấp phải sự phản đối của Hội đồng Quản trị là các bậc cha, chú trong gia đình. Các thành viên Hội đồng Quản trị cho rằng, phương án này quá táo bạo và nhiều rủi ro, bởi thời gian vừa qua, nhiều mô hình kinh doanh franchise đã gặp thất bại do mở rộng hệ thống quá nhanh và quá nhiều dẫn đến không kiểm soát được.

Trên fanpage của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, các khán giả đã tranh luận rất sôi nổi về chủ đề này. Cùng với nhiều bình luận phân tích những lợi thế của mô hình franchise, bạn Hạ Nhi đồng quan điểm với CEO và nhận định: “Nhượng quyền sẽ cung cấp một hệ thống nhất quán trong quá trình hoạt động. Một hệ thống nhất quán mang lại những ưu điểm về quy mô, chính vì vậy sẽ lấy được lòng trung thành của khách hàng”.

Tuy vậy, cũng không ít khán giả đứng về phía Hội đồng Quản trị. Bạn Phạm Hồng hoài nghi, nhượng quyền thương hiệu nếu không chuẩn bị kỹ càng mà chỉ theo ý muốn của CEO rất có thể gây ra khủng hoảng cho DN.

Trước vấn đề trên, CEO của chương trình kỳ này là ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư PMAX đã tìm tới 2 chuyên gia để xin ý kiến hoàn thiện kế hoạch của mình là ông Hoàng Hải Âu, Tổng giám đốc Hoanggia Media Group và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc SaigonBooks.

Hai vị chuyên gia sẽ đưa ra giải pháp gì giúp CEO thuyết phục Hội đồng Quản trị? Tất cả sẽ được bật mí tại Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này. Tất nhiên, những giải pháp mà 2 vị chuyên gia đưa ra cũng là những gợi ý hữu ích cho các DN đang có kế hoạch franchise.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục