VCCI cảnh báo giấy phép mới xuất hiện trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại khi Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang có nhiều quy định sẽ làm khó, tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang yêu cầu lái xe kinh doanh vận tải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang yêu cầu lái xe kinh doanh vận tải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải

Giấy phép mới không cần thiết xuất hiện

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang lấy ý kiến doanh nghiệp yêu cầu: Để lái xe kinh doanh vận tải, bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải góp ý cho Dự thảo trên, VCCI khẳng định, đây là một loại giấy phép mới so với hiện hành và cần được cân nhắc.

Thứ nhất, yêu cầu này tăng thủ tục xin-cho không cần thiết. Để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đào tạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép. Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.

Thứ hai, trùng lặp về mục tiêu quản lý. Mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” suy đoán là nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa.

Tuy nhiên, mục tiêu này cũng hoàn toàn trùng lặp với mục tiêu của “giấy phép lái xe” từng hạng xe (đặc biệt là các xe phục vụ mục tiêu kinh doanh là chủ yếu). Lái xe kinh doanh vận tải hay lái xe không kinh doanh (bao gồm cả vận tải nội bộ) thì đều phải đảm bảo yếu tố an toàn theo mục tiêu này.

Nói cách khác, “giấy phép lái xe” đã đủ để bảo đảm mục tiêu suy đoán của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Đó là chưa kể nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo.

Nguy cơ chồng chéo về thủ tục

Liên quan đến quy định về quản lý hành lang an toàn đường bộ, khoản 1, Điều 56 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang yêu cầu: Việc đặt biển tuyên truyền, quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Với phương án này tại Dự thảo, một công trình quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ có thể phải xin đến 3 giấy phép của ba cơ quan có thẩm quyền khác nhau cấp phép.

Vì hiện tại, Điều 31, Luật Quảng cáo đã xác định là cơ quan có thẩm quyền về xây dựng sẽ cấp giấy phép xây dựng cho một số trường hợp xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập.

Trong hướng dẫn về cấp phép xây dựng, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo tại khu vực không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng cho xây dựng, không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất thì phải có “văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của UBND cấp huyện”. Quy định này ghi trong khoản 6 Điều 8 Thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng.

Có thể dự báo trước khả năng chồng lấn về mặt quản lý giữa các cơ quan nhà nước và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Rất có thể một doanh nghiệp có giấy phép xây dựng nhưng không được phép xây dựng biển quáng cáo nếu không được cơ quan có thẩm quyền quản lý về đường bộ chấp thuận.

Quy định thiếu minh bạch

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông – Vận tải, VCCI cũng đặc biệt quan ngại đến những quy định thiếu minh bạch đang được dự thảo.

Ngay yêu cầu phải xin phép cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về việc đặt biển tuyên truyền, quảng cáo trên đất an toàn đường bộ, Dự thảo không quy định bất kỳ tiêu chí, căn cứ nào để cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận hoặc từ chối việc đặt biển quảng cáo, tuyên truyền trong hành lang an toàn đường bộ.

Ngay cả thuật ngữ cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cũng được VCCI cho là không rõ ràng khi  không xác định cơ quan có thẩm quyền theo địa giới hành chính hay theo loại đường giao thông liên quan.

“VCCI kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật quảng cáo về cấp giấy phép xây dựng của công trình quảng cáo theo hướng khi cấp loại giấy phép này cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải xin ý kiến của cơ quan quản lý đường bộ trong trường hợp công trình quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ; và cơ quan quản lý đường bộ sẽ cho ý kiến đối với việc xây dựng công trình quảng cáo trong trường hợp công trình quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đặt biển quảng cáo xin ý kiến. Đi kèm đó là các tiêu chí cụ thể để cơ quan quản lý đường bộ cho ý kiến (đồng ý hay không đồng ý) về việc đặt biển tuyên truyền, quảng cáo trên đất hàng lang an toàn đường bộ khi được hỏi ý kiến”, VCCI đề xuất phương án sửa các quy định trên.

Khánh An
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục