Công ty Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Artex Thăng Long chuyên về xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ với doanh thu cả năm 2019 gần 100 tỷ đồng, nhưng ảnh hưởng Covid-19 đã khiến doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong quý I/2020.
Cụ thể, trước đây trung bình doanh thu xuất khẩu của Công ty khoảng 1,5 triệu USD/quý, nhưng quý I/2020 chỉ được khoảng 800.000 USD. Dịch bệnh lan sang các thị trường chính của Công ty là châu Âu, nên dự kiến trong quý II, doanh thu còn tiếp tục bị giảm nặng hơn.
“Với đà này, doanh nghiệp rất khó đứng vững được", ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Artex Thăng Long nói và cho biết thêm: "Nhưng may là nhờ có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, BIDV Hà Thành đã thực hiện giãn nợ cho chúng tôi, như là phao cứu sinh. Đồng thời với đó là giảm lãi suất. Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam đánh giá, Thông tư 01 của NHNN đã rất kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu nợ, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ông Hùng cho biết, có những công ty thuộc Kim Nam chưa rơi vào tình cảnh nợ xấu, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, công ty đã được VietinBank, Vietcombank chủ động làm việc để giảm lãi suất cho những kỳ hạn dưới 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, trên 6 tháng với mức giảm tùy thuộc từng kỳ hạn, tối đa được 1,5%/năm so với trước khi có Thông tư 01.
“Trong đó, những công ty của chúng tôi bị ảnh hưởng trực tiếp do nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đã được ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ thêm 3 tháng. Trong thời kỳ này, các ngân hàng thương mại cũng chủ động tiếp cận, đưa ra các khoản vay mới phù hợp với doanh nghiệp thời covid, cắt giảm phí chuyển tiền (đến 70 - 80%), giảm chi phí giao dịch. Trong khó khăn, điều này rất quý”, ông Hùng nói.
Do khách hàng thanh toán chậm, nên doanh nghiệp rất cần kéo dài thời hạn để có điều kiện thanh toán nợ đúng hạn cho ngân hàng, nên ông Nguyễn Duy Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương cho rằng: “Doanh nghiệp được giảm lãi suất đã mừng rồi, nhưng còn được giãn, hoãn nợ thì còn mừng hơn”.
Từng hoài nghi về chương trình hỗ trợ tín dụng của ngân hàng sẽ khó tiếp cận, nhưng ông chủ doanh nghiệp mang tên Vua Nệm đã yên tâm khi công ty được giãn nợ và miễn giảm lãi suất. Được ứng cứu kịp thời, nên điều mong mỏi nhất của ông là doanh nghiệp được hồi sinh đã thành hiện thực.
“Tôi đánh giá các ngân hàng họ cũng rất nhanh chóng và chủ động để cùng với doanh nghiệp gỡ khó và giúp cho các doanh nghiệp như chúng tôi vượt qua được thời kì khó khăn này”, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Vua Nệm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, các ngân hàng có gói tín dụng 285.000 tỷ đồng là nguồn tiền người dân gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất và ngân hàng dùng vốn đó để cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, đó là hành động rất đáng quý và doanh nghiệp nên tận dụng tốt.
“Tôi muốn nhắn gửi các doanh nghiệp rằng, nguồn lực của chúng ta là không nhiều, nên trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, rất cần sự hỗ trợ, tương tác 2 chiều. Khi doanh nghiệp đưa ra những khó khăn của mình phải đúng và minh bạch thông tin để các ngân hàng trực tiếp cho vay nhìn thấy. Còn những doanh nghiệp nào có ý định ỷ lại, trục lợi và thụ động thì không nên”, ông Thân nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho rằng, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền tảng, điều kiện, tích lũy tư bản chưa có nhiều mà không có kế hoạch hậu dịch phát triển công ty thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính doanh nghiệp và không khéo lại ảnh hưởng đến ngân hàng.
“Tôi khuyên doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay. Doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn”, ông Hồng Anh nói.