Vật vã chờ bảo hành căn hộ

(ĐTCK) Tại nhiều dự án, mặc dù mới bàn giao, gia đình chuyển vào ở cũng chưa được lâu nhưng một số căn hộ đã có sự cố hư hỏng, nhưng chờ đợi để được sửa chữa, bảo hành là cả nỗi đoạn trường.
Vật vã chờ bảo hành căn hộ

Theo phản ánh của một số cư dân hiện đang sinh sống tại chung cư Citihome, tọa lạc tại phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM, dự án mới bàn giao chưa được 2  năm và  nhiều gia đình cũng mới dọn vào ở nhưng tại một số căn hộ đã có hiện tượng gạch ốp nền bị bong tróc.

Cụ thể, chị T.T.P, chủ căn hộ D0603 chia sẻ, thời gian gần đây, rất nhiều căn hộ tại chung cư Citihome bị bong tróc gạch ốp nền, nhà chị cũng không ngoại lệ. Điều đáng nói là ngay sau khi phát hiện gạch ốp nền bị bong tróc, chị P. đã báo và làm các thủ tục ở dưới Ban quản lý, bộ phận kỹ thuật đã lên kiểm tra xác nhận. Tuy nhiên, hơn 1 tuần sau chị vẫn không thấy ai đến xử lý.

“Quy trình làm việc thì rất nhanh và đầy đủ, nhưng từ khi bộ phận kỹ thuật lên kiểm tra và xác nhận đến nay đã được hơn 1 tuần rồi mà tôi vẫn không thấy ai đến xử lý. Thật sự tôi thấy không hài lòng về cách làm việc của ban quản lý và chủ đầu tư. Bởi nhà tôi có con nhỏ đang tuổi tập đi, nếu nhỡ may có tai nạn thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm”, chủ căn hộ D0603 bức xúc.

Chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Xuân Thanh, một cư dân tại đây chia sẻ, căn hộ của anh lần trước có một sự cố là nứt tường. Anh cũng làm đúng quy trình là thông báo với ban quản lý, kỹ thuật của ban quản lý cũng lên kiểm tra nhưng sau đó vụ việc lại đi vào dĩ vãng. Khoảng 2 tháng sau, anh phải nhờ người quen tác động thì mới có thợ đến xử lý.

“Thật không thể chấp nhận được, mỗi lần xuống ban quản lý là lại phải làm lại 1 tờ đề nghị sửa chữa mới. Cứ như vậy, tôi phải làm tới 5 tờ đề nghị sửa chữa và nhờ người quen tác động thì sự cố mới được khắc phục”, anh Thanh nói.

Nghiêm trọng hơn, không chỉ dừng lại ở việc gạch ốp nền bị bong tróc, tường nứt, mà những cư dân mới nhận nhà tại chung cư Lotus Sen Hồng (hay còn gọi là chung cư Lotus Apartment), quận Thủ Đức, TP.HCM, còn bức xúc việc tường xây bị méo, đá tủ bếp bị cong, ổ cắm hở tứ phía, cửa lúc đóng thì ở dưới vào nhưng bên trên hở cả khúc…

Anh Nguyễn Văn Tuân, một cư dân tại chung cư Lotus Sen Hồng cho biết, nhà có 50m2 sàn thì có đến 5m2 gạch bị phồng, đi lên trên cảm giác rất ọp ẹp. Cửa sổ và cửa chính đóng vào nhưng vẫn còn khe hở nên gió thổi vào ầm ầm. Anh đã nhiều lần báo việc này với ban quản lý và chủ đầu tư là Công ty CP Dịch vụ Thương mại Xây dựng Hỷ Địa nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.

“Từ khi thông báo đến nay đã hơn 1 tháng, thỉnh thoảng lại có một nhóm thợ đến kiểm tra rồi lại về, mãi không thấy xử lý. Là người cùng trong nghề xây dựng nên tôi rất bức xúc, sự việc tuy đơn giản và có thể khắc phục được nhưng chính cách hành xử như thế này khiến người dân khó chịu”, anh Tuân nói.

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, việc gạch ốp nền bị bong tróc là tình trạng rất thường thấy. Tuy nhiên, người dân cần để ý xem bên dưới sàn có bị nứt hay không. Nếu sàn không bị nứt thì rõ ràng đây không phải lỗi của kết cấu, mà là lỗi của viên gạch và cách thi công.

Bên cạnh đó, đơn vị giám sát và chủ đầu tư cũng có phần trách nhiệm trong chuyện này. Bởi khâu lát gạch thường bị lơ là, không để ý đến việc kích thước viên gạch có đều hay không, chất lượng có đồng nhất không… Mỗi mẻ gạch tuy có cùng mẫu mã và màu sắc nhưng chất lượng lại khác nhau. Nếu không xếp những mẻ gạch đấy cùng với nhau thì việc 1 căn nhà có 2-3 mẻ gạch là chuyện thường. Do đó, dù có làm kỹ đến mấy vẫn bị sai sót 1 - 2%.

Còn việc chậm trễ khắc phục cũng dễ hiểu bởi mỗi một chủ đầu tư có một cách quản lý khác nhau. Đơn cử như chủ đầu tư ký hợp đồng với một nhà thầu lớn thôi thì khi có sự cố chỉ cần nắm đầu nhà thầu là được, còn chủ đầu tư nào ký với hơn chục nhà thầu con thì rất khó.

Theo ông Đực, dù là thế nào đi nữa thì chủ đầu tư luôn phải có một đội sửa chữa riêng, chuyên để xử lý những lỗi vặt này trong suốt quá trình bảo hành. Chứ cứ đợi nhà thầu tới xử lý thì rất lâu, thậm chí có trường hợp nhà thầu còn không tới.

“Trên nguyên tắc người dân mua nhà của chủ đầu tư thì sẽ bám vào chủ đầu tư khi căn hộ của mình gặp sự cố, còn chủ đầu tư sẽ bám theo và làm việc với nhà thầu. Tuy nhiên, trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng vẫn là của chủ đầu tư”, đại diện Công ty Đất lành nói và cho biết thêm,

Đây là một lỗi nhẹ, không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, có thể khắc phục được nhưng làm người dân không hài lòng và chủ đầu tư phải tranh thủ sửa chữa. Không nên ỷ lại vào nhà thầu dẫn tới việc kéo dài thời gian, cư dân bức xúc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục