Sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm và các nhà báo chứng khoán vừa bình chọn là 1 trong 10 sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất đến TTCK là việc NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó có nội dung quản chặt dòng vốn tín dụng vào cổ phiếu. VASB và thành viên đánh giá như thế nào về nội dung này?
Ngày 20 tháng 11 năm 2014, NHNN ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có hiệu lực từ 1/2/2015.
VASB đã có cuộc làm việc với các công ty chứng khoán hội viên và nhận thấy rằng, việc ra đời Thông tư 36 là một quyết tâm của NHNN để tiến tới lành mạnh hóa hoạt động của các ngân hàng thương mại, giải quyết các vấn đề sở hữu chéo nhằm cải thiện chất lượng tài sản có.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thị trường hiện tại, việc áp dụng ngay văn bản này có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến nhiều mảng việc quan trọng của nền kinh tế, chẳng hạn, ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa DNNN và tái cấu trúc chính hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đây là lý do chúng tôi dự kiến có kiến nghị đến NHNN xem xét cẩn trọng thời hạn áp dụng Thông tư 36, để đảm bảo hài hòa, hợp lý với bối cảnh chung của thị trường, của đất nước.
Xin ông chia sẻ cụ thể hơn ảnh hưởng của văn bản này, nếu có, đến tiến trình cổ phần hóa DNNN?
Phải thừa nhận một thực tế là quyết tâm cổ phần hóa 432 DNNN trong năm 2014 - 2015 đã được Chính phủ đặt ra từ đầu năm, nhưng công tác thực thi còn chậm.
Đến nay, cả nước mới cổ phần hóa được chưa đầy 100 DN, áp lực cổ phần hóa trên 300 DN năm 2015 là rất lớn. Để thúc đẩy quá trình này và khích lệ nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào các đợt đấu giá DNNN cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51, gắn các DN sau IPO với việc đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Đây là một quyết định rất quan trọng của Chính phủ, nhằm mục tiêu thúc đẩy cổ phần hóa DNNN và tạo hàng cho TTCK Việt Nam.
Nay với sự ra đời của Thông tư 36, nếu văn bản này có hiệu lực thi hành đúng như dự kiến (ngày 1/2/2015) thì đồng vốn phục vụ cho thanh khoản của TTCK sẽ bị thu hẹp.
NHNN cho biết, vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng và chi nhánh nước ngoài khoảng 450.000 tỷ đồng, việc giới hạn mức 5% cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu thì số tiền cho vay có thể lên đến 22.500 tỷ đồng. Cũng theo NHNN, đây là mức vốn không nhỏ so với thực tế dư nợ cho vay chứng khoán đến tháng 10/2014 là 17.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, theo quy định tại Thông tư 36, sẽ không còn được cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Như vậy dòng tín dụng các ngân hàng có quyền cung ứng cho TTCK không phải là con số 22.500 tỷ đồng như tính toán, mà sẽ thấp hơn khá nhiều.
Khi các ngân hàng co hẹp cho vay, khó khăn của TTCK là hiện hữu. Trong khi đó, nguồn cung chứng khoán từ quá trình cổ phần hóa DNNN, niêm yết mới sẽ ngày càng mạnh, đang rất cần một nguồn cầu đối ứng để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc khối DNNN của Chính phủ.
Việc áp dụng ngay Thông tư 36, vì thế, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến TTCK, đến các chủ thể hiện hữu trên thị trường, mà còn có thể sẽ ảnh hưởng đến cả tiến trình cải cách DNNN, khi tương quan cung cầu chứng khoán trở nên mất cân đối.
Thông tư 36 được nhiều chuyên gia đánh giá cao khi đưa ra những quy định mới nhằm hạn chế tối đa tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng và đối tượng liên quan. Ở góc nhìn của Hiệp hội, ông đánh giá như thế nào về việc này?
Ngoài ý nghĩa tích cực, cũng cần phải nhìn thẳng vào một thực tế là Thông tư 36 quy định ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu không quá 2 tổ chức tài chính tín dụng, song thực tế hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đang sở hữu trên 5% cổ phần của nhiều ngân hàng, công ty tài chính.
Theo chúng tôi, với thực tế trên, nếu các ngân hàng phải điều chỉnh ngay để đáp ứng quy định của Thông tư 36, có thể sẽ gây ra sự xáo trộn mạnh trong một thời gian ngắn đến hoạt động của các chủ thể này.
Vậy quan điểm của VASB trước việc Thông tư 36 sắp có hiệu lực như thế nào, thưa ông?
Như tôi đã chia sẻ, chúng tôi đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của NHNN trong việc nâng tiêu chuẩn của các ngân hàng thương mại, về dài hạn sẽ thúc đẩy các tổ chức này hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ở góc độ của mình, chúng tôi rất mong NHNN xem xét có lộ trình thích hợp cho việc triển khai Thông tư 36, bởi chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều chủ thể đón nhận văn bản này một cách khá bất ngờ và chưa có sự chuẩn bị.
Trong khi đó, với thanh khoản năm 2014 cao gấp 2 lần năm 2013, TTCK đang là nơi đầu tư rất tốt cho các dòng vốn. Việc duy trì nhịp thanh khoản cho TTCK, duy trì sự quan tâm của các nhà đầu tư đến kênh đầu tư chứng khoán, sẽ góp phần không nhỏ tạo sức hút của các đợt IPO DNNN, cũng như công tác thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty mà Chính phủ đốc thúc thực hiện trong năm 2014 - 2015.
Chúng tôi cho rằng, việc tạm lùi thời hạn thực thi Thông tư 36 sẽ làm “khoan sức dân”, khi các chủ thể sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn của văn bản này, Thông tư 36 được áp dụng sẽ phát huy tính tích cực như bản chất của văn bản.