DINK (Viết tắt của Double Income, No Kids) là thuật ngữ chỉ cặp vợ chồng mà cả hai đều có công ăn việc làm, có hai nguồn thu nhập và không sinh con.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa.
Cụ thể, từ năm 1989 - 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ là 23,2 đã tăng lên 29,3 tuổi với nam và 25,1 đối với nữ vào năm 2023. Tỉ lệ người độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.
Xu hướng không muốn hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Mức sinh cũng giảm rõ rệt, từ 3,8 con vào năm 1989 xuống dưới 2 con vào năm 2023. Trong giai đoạn 2013 - 2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam chỉ tăng khoảng 1 triệu người.
Đáng chú ý, tại TP. HCM, số liệu thống kê từ báo cáo của GSO vào tháng 7 vừa qua cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32.
Vấn đề lớn nhất là Việt Nam đang bám theo xu hướng của thế giới, và cảnh báo khi người trẻ ngại sinh con sẽ dẫn đến lợi thế về dân số trẻ cùng lực lượng lao động tiềm lực giảm dần.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), có đến 89 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, trong khi cách đây 50 năm chỉ có 8 quốc gia. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Nhật Bản (34), Italy (34), Pháp (32,9), Na Uy (33,1), Đức (32,8).
Bên cạnh đó, lựa chọn lối sống DINK cũng đang ngày càng trở nên phổ biến ở châu Á thời gian gần đây. Bởi bên cạnh các nguyên nhân chủ quan như mong muốn sống tự do, không ràng buộc..., thì với ngân sách eo hẹp, các cặp vợ chồng này cảm thấy họ chỉ có thể trang trải được một trong hai khoản: hoặc mua nhà, hoặc đẻ con.
Theo tính toán của realtor.com, mua nhà sẽ chỉ tốn thêm khoảng 50% mỗi tháng so với việc nuôi con.
Lý giải nguyên nhân, VARS cho rằng, mặc dù có nhiều lý do cho lựa chọn này, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề tài chính. Một khảo sát nhanh trên fanpage VTV24 gần đây về lý do mong muốn kết hôn sau tuổi 30 cũng cho thấy, có đến 62% trong số khoảng 400.000 bạn trẻ tham gia khảo sát chọn kết hôn sau 30 vì vẫn còn những nỗi lo về cơm áo gạo tiền.
Theo VARS, nỗi lo về cơm áo gạo tiền này bị tác động rất lớn bởi giá nhà. Khi giá nhà - đang ngày càng tăng cao, kéo theo giá thuê nhà ở cũng tăng cao, gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân. Nhiều người trẻ có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng do giá nhà đất hiện nay tăng vọt, không dễ để mua nên họ phải “cày ngày, cày đêm" để có thể mua nhà cho bằng được mà bỏ qua thời điểm “vàng" để lập gia đình, sinh con.
Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng “nuốt” gần hết lương khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh 1 con hoặc trì hoãn việc sinh con. Thực tế cho thấy, TP. HCM - nơi có giá nhà cao nhất cả nước, cũng đang là thành phố có độ tuổi kết hôn trễ nhất và mức sinh thấp nhất cả nước.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2018, giá nhà tại TP. HCM liên tục tăng cao và lập “đỉnh" mới. Cũng trong khoảng thời gian này, TP. HCM là nơi có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) dẫn đầu cả nước.
Từ năm 2019, trong khi giá nhà TP. HCM tăng trưởng chậm lại thì giá nhà Hà Nội lại liên tục tăng cao. Hà Nội cũng “vươn lên" trở thành thành phố có chi phí đắt đỏ nhất cả nước. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến giá căn hộ tại Hà Nội dường như đang đi theo thị trường TP. HCM vào 5 năm trước. Mặt bằng giá tại Hà Nội đã tiệm cận 60 triệu đồng/m2, sát mức giá ghi nhận được tại TP. HCM. Trong khi đó, độ tuổi kết hôn tại Hà Nội cũng đang ngày càng cao với mức sinh giảm sút.
Do đó, VARS cho rằng, để khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 và tăng mức sinh, trên cơ sở tận dụng kinh nghiệm của các quốc gia khác, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các biện pháp hiện đã có và nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích rõ ràng hơn như ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con. Đặc biệt là giải pháp gốc rễ cho vấn đề “ngại cưới, lười sinh" thực tế nhất, là giải quyết bài toán về nhà ở.
Để giải quyết bài toán về nhà ở cho số đông người dân, bên cạnh việc tăng cung nhà ở xã hội tại đô thị, Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách can thiệp để phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền sẽ do các doanh nghiệp phát triển, dựa trên cơ sở lợi nhuận ở mức độ hợp lý do Nhà nước kiểm soát.
Đồng thời, trên cơ sở thực thi hành lang pháp lý mới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt là đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu để loại bỏ các “chi phí không tên" trong quá trình phát triển dự án, giúp giá nhà hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, để không ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của thị trường, để thị trường phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững, các doanh nghiệp phát triển dự án, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, dự án lớn nên xây dựng chính sách giá bán, chính sách bán hàng phù hợp với chi phí đầu tư.
Ngoài các tác động tiêu cực có thể có, xu hướng “ngại cưới, chậm sinh" cũng giúp thị trường bất động sản gia tăng nhu cầu mới, từ nhu cầu căn hộ 1 phòng ngủ, 1 phòng ngủ +1 trong những năm gần đây tới nhu cầu nhà ở nghỉ dưỡng, dưỡng lão trong tương lai không xa.
Tuy vậy, các chính sách về nhà ở phục vụ cho đối tượng người cao tuổi vẫn gần như không được đề cập tới. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Về tỷ lệ, dự báo đến năm 2030 số người cao tuổi chiếm 17% và tăng lên 25% vào năm 2050.
Dẫu vậy, các quy định về người cao tuổi vẫn còn những hạn chế nhất định và mới chỉ tập trung chủ yếu về an sinh, chăm sóc đối với người cao tuổi mà còn thiếu vắng các quy định từ góc độ phát triển kinh tế theo hướng vừa nhằm chăm sóc người cao tuổi vừa phát huy thế mạnh, phát huy những đóng góp trực tiếp và gián tiếp của người cao tuổi đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Đây cũng là những nguy cơ cảnh báo cho tình trạng mất cân bằng mới về cung - cầu nhà ở trong tương lai có thể xảy đến với Việt Nam.