Vào cuộc dựng TTCK phái sinh

(ĐTCK) Cùng với việc hoàn chỉnh khung pháp lý về TTCK phái sinh đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thúc đẩy, các thành viên thị trường bắt đầu các bước chuẩn bị để sẵn sàng mở cửa TTCK phái sinh vào năm 2016.
Nhiều câu hỏi đã được các thành viên thị trường đặt ra cho Ban soạn thảo tại Hội thảo khung pháp lý về TTCK phái sinh Nhiều câu hỏi đã được các thành viên thị trường đặt ra cho Ban soạn thảo tại Hội thảo khung pháp lý về TTCK phái sinh

Nhiều câu hỏi

“Dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh đang trong giai đoạn lấy ý kiến lần cuối, trước khi hoàn thiện để theo kế hoạch trong quý IV/2014, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành…”, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, cho biết như vậy tại Hội thảo Khung pháp lý về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, do UBCK vừa tổ chức.

Tuy khung pháp lý vẫn đang trong giai đoạn sắp định hình, nhưng tại hội thảo, các thành viên thị trường đã đặt nhiều câu hỏi mang tính tác nghiệp trên TTCK phái sinh cho ban soạn thảo.

“Ngoài các quy định ở tầm nghị định, thông tư, điều các CTCK quan tâm là bao giờ Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký (VSD) sẽ xây dựng và công bố dự thảo về quy chế giao dịch; thanh toán, bù trừ…, để CTCK lên kế hoạch xây dựng quy trình tác nghiệp, cũng như đầu tư cho hệ thống công nghệ giao dịch…?”, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM Trịnh Hoài Giang đặt câu hỏi, đồng thời đề xuất, dự thảo nghị định và thông tư cần đưa ra quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của CTCK trong quản lý tiền của NĐT, để vừa tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch chứng khoán phái sinh, vừa đảm bảo an toàn hệ thống.

Ông Giang nhìn nhận, khi vận hành TTCK phái sinh sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trên nhiều mặt đối với TTCK Việt Nam. Khi đó, NĐT nước ngoài không còn chịu khống chế về tỷ lệ sở hữu; cơ chế giao dịch tự do hơn nhiều so với thị trường cơ sở do không phải đợi T+3 chứng khoán mới về tài khoản… Để thích ứng với sự thay đổi này, CTCK phải thay đổi mô hình kinh doanh, quản trị rủi ro, cơ cấu tổ chức nhân sự… Điều này khiến CTCK tốn nhiều công sức và thời gian, nên việc sớm hoàn thiện khung pháp lý, sẽ tạo thuận lợi cho CTCK hoàn thành các khâu chuẩn bị, để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt khi tham gia TTCK phái sinh.

“Liên quan đến hoạt động thanh toán, bù trừ, chúng tôi mong muốn VSD sớm có dự thảo quy chế hướng dẫn cụ thể để các thành viên có hướng chuẩn bị. Trong đó, cần làm rõ thanh toán bù trừ nhiều cấp hay tập trung tại VSD; vai trò của ngân hàng chỉ định thanh toán…?”, ông Trần Kiều Hưng, Trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đặt câu hỏi.

Một thắc mắc nữa mà các thành viên thị trường nêu ra, là trong điều kiện thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam còn non trẻ, thiếu chuẩn mực theo thông lệ quốc tế như hiện nay, thì việc xác định giá như thế nào để giao kết hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ? Với tài sản cơ sở là trái phiếu chính phủ, thì sẽ chọn kỳ hạn nào làm kỳ hạn chuẩn, để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý, lẫn nhu cầu của thị trường? 

Lời giải bước đầu

Liên quan đến cơ chế giao dịch chứng khoán phái sinh trên Sở GDCK, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) Nguyễn Anh Phong cho biết, khác với chứng khoán cơ sở do tổ chức phát hành nộp hồ sơ niêm yết lên Sở GDCK, hồ sơ niêm yết chứng khoán phái sinh phải nộp cho UBCK. Sau khi UBCK cấp phép niêm yết, chứng khoán phái sinh sẽ được niêm yết, giao dịch trên Sở GDCK. Tham gia TTCK phái sinh có thành viên giao dịch và thành viên giao dịch đặc biệt. Thành viên giao dịch là các CTCK đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ môi giới, tự doanh và yêu cầu tài chính, được chấp thuận về nguyên tắc là thành viên bù trừ của VSD… Thành viên giao dịch đặc biệt là các ngân hàng thương mại (thành viên trên thị trường trái phiếu), đáp ứng yêu cầu về tài chính, có nghiệp vụ tự doanh; được UBCK chấp thuận cho thực hiện hoạt động thanh toán, bù trừ và đã được VSD chấp thuận nguyên tắc là thành viên bù trừ, thành viên bù trừ trực tiếp...

Theo ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc VSD, mọi hoạt động thanh toán, bù trừ trên TTCK phái sinh sẽ được thực hiện theo cơ chế đối tác trung tâm (CCP). CCP là người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán. VSD là tổ chức duy nhất thực hiện chức năng thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh theo mô hình CCP thông qua Trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh, là đơn vị trực thuộc VSD.

“Ngoài đang chuẩn bị xây dựng hệ thống quy chế thanh toán, bù trừ; quản lý thành viên; quản lý ký quỹ…, VSD đang phối hợp với các bên liên quan hoàn thiện phương án tối ưu cho triển khai CCP”, ông Tuấn nói.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các thành viên thị trường, Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết, Ban soạn thảo sẽ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định, thông tư để khi đưa vào áp dụng đảm bảo hai mục tiêu lớn: triển khai sản phẩm chứng khoán phái sinh an toàn, bảo vệ tốt nhất lợi ích cho NĐT; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với TTCK phái sinh.            

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục