TTCK phái sinh, đặt chuẩn cao với CTCK là hợp lý

(ĐTCK) “Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa ra những yêu cầu cao, nhất là về vốn, các chỉ tiêu an toàn tài chính đối với CTCK khi tham gia TTCK phái sinh là hợp lý…”, ông Phạm Phú Khôi (ảnh trên), Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) trao đổi với ĐTCK.
TTCK phái sinh, đặt chuẩn cao với CTCK là hợp lý

Là người có kinh nghiệm trong tham gia thị trường tài chính quốc tế, trong đó từng điều hành các hoạt động đầu tư trên TTCK phái sinh một số nước, theo ông, trong thời gian ban đầu, Việt Nam nên triển khai TTCK phái sinh theo hướng nào để vừa giảm thiểu rủi ro, vừa hỗ trợ tích cực cho TTCK cơ sở?

Thực tế hình thành và phát triển TTCK phái sinh của các thị trường trong khu vực cho thấy, hầu hết đều phát triển theo lộ trình khá giống nhau. Đó là ban đầu phát triển các sản phẩm dành cho nhà đầu tư có tổ chức như: ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí... Đối với ngân hàng, các sản phẩm cần nhất là phái sinh dựa trên trái phiếu chính phủ, tiền tệ hối đoái (FX), hàng hoá cơ bản (dầu khí, kim loại) và dựa trên hoán đổi lãi suất hoặc ngoại tệ (swap).

Các ngân hàng Việt Nam hiện đã giao dịch tay đôi một số sản phẩm phái sinh đơn giản dựa trên FX và trái phiếu chính phủ. Việc UBCK đang hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, để trình Chính phủ ban hành, mở đường cho triển khai TTCK phái sinh tại Việt Nam vào năm 2016 như kế hoạch, vừa để chuẩn hoá các sản phẩm phái sinh, tiến tới giao dịch tập trung là rất cần thiết. Qua đó cung cấp thêm hàng hoá, công cụ để quản lý rủi ro cho thị trường, đồng thời hình thành hệ thống vận hành đồng bộ để đáp ứng nhu cầu đầu tư trên TTCK phái sinh cho nhà đầu tư cá nhân.

Tiếp sau giai đoạn phát triển ban đầu trên, các nước thường triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư cá nhân có tính rủi ro không cao và có mục đích quản lý rủi ro như: covered warrant; quyền chọn mua, bán cổ phiếu...

Theo Dự thảo Nghị định, một trong những điều kiện để CTCK được tự doanh chứng khoán phái sinh là phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng trở lên, còn có vốn 700 tỷ đồng trở lên mới được triển khai nghiệp vụ môi giới. Theo ông, những quy định này có hợp lý?

Việc cơ quan quản lý đưa ra những yêu cầu về vốn lớn cho các CTCK, khi muốn tham gia TTCK phái sinh là cần thiết. Lý do là bởi các CTCK phải có khả năng tài chính để mua, bán và vay mượn các chứng khoán gốc, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để là thành viên của Đối tác thanh toán trung tâm (CCP) sẽ hình thành cùng với sự vận hành của TTCK phái sinh.

Theo định hướng của UBCK, một trong hai sản phẩm phái sinh được triển khai trong giai đoạn đầu vận hành TTCK phái sinh là Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Là người có kinh nghiệm tham gia thị trường trái phiếu trong nước và quốc tế, theo ông, việc triển khai sản phẩm này sẽ hỗ trợ ra sao cho sự phát triển của thị trường trái phiếu?

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là sản phẩm đơn giản nhất, nên phù hợp với giai đoạn phát triển ban đầu của TTCK phái sinh. Qua đó tạo thuận lợi để hình thành hệ thống vận hành cho thị trường về: bù trừ cân bằng, vay mượn chứng khoán..., đồng thời đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức trong quản lý rủi ro lãi suất.

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ mang lại nhiều lợi ích cho các đối tượng tham gia, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Đầu tiên là có thêm hàng hoá cho thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ, mà không phải trực tiếp mua bán trái phiếu như hiện tại, tránh được các thủ tục tham gia thị trường, cũng như thuế…

Một số ý kiến quan ngại, trên TTCK phái sinh, ranh giới giữa hoạt động phòng vệ rủi ro và đầu cơ rất mong manh. Theo ông, quy định pháp lý, cũng như nhà quản lý cần làm gì để giảm thiểu hoạt động đầu cơ, tác động tiêu cực đến thị trường?

Việc sử dụng chứng khoán phái sinh làm công cụ để đầu tư hay để quản lý rủi ro là giống nhau. Vì vậy khái niệm đầu tư hay đầu cơ là như nhau. Quan trọng là nhà chức trách đã quản lý tập trung và quản lý chặt các sản phẩm đưa ra thị trường.

Việc cấm bán khống là quy định của nhiều thị trường trên thế giới, nên chắc chắn Việt Nam cũng sẽ áp dụng. Nhà chức trách có đủ các công cụ, biện pháp để quản lý tốt thị trường. Quan trọng là hệ thống văn bản pháp lý cần được đồng bộ, để tránh xảy ra xung đột, chồng chéo.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục