Vàng và ngân hàng trung ương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vàng luôn là một bộ phận dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương (NHTW). Vì thế, chính sách dự trữ, quản lý thị trường vàng của các NHTW có tác động rất lớn đến thị trường kim loại quý này.
Trên thực tế, vàng chủ yếu được dùng làm đồ trang sức Trên thực tế, vàng chủ yếu được dùng làm đồ trang sức

Tại sao các NHTW quan tâm đến vàng?

Vàng từng là một siêu tiền tệ.

Xa xưa, vàng được xem là một loại tiền tệ, nó là vật ngang giá chung được chấp nhận ở hầu hết quốc gia, châu lục. Trên thực tế, giá trị sử dụng của vàng thua xa các kim loại khác như đồng và sắt. Vàng chủ yếu được dùng làm đồ trang sức. Tuy vậy, sự khan hiếm, tính bền vững vật lý theo thời gian, được tầng lớp giàu có luôn săn đón là những đặc điểm quan trọng giúp cho vàng luôn là vật lưu giữ giá trị được tin dùng.

TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương

TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương

Cùng với sự phát triển của nền văn minh nhân loại, tiền pháp định dần thay thế vàng để trở thành tiền tệ trong các nền kinh tế. Việc các nước phát hành tiền pháp định quá nhiều đã dẫn đến các cuộc siêu lạm phát tại châu Âu, nên sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nước phương Tây đã hình thành hệ thống bản vị vàng Breton Woods. Theo đó, đồng USD được neo với giá vàng (35 USD = 1 Oz), các đồng tiền các nước thành viên neo danh nghĩa với đồng USD với biên độ ±1% so với mức ngang giá thỏa thuận. Như vậy, USD neo trực tiếp vào vàng và tiền tệ các nước khác neo gián tiếp với vàng thông qua USD. Theo ý nghĩa này thì vàng là một dạng siêu tiền tệ trong quan hệ giữa các nước phương Tây giai đoạn 1945 - 1971.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế các nước sau Thế chiến II đã thúc đẩy cầu tiền tăng nhanh, vượt quá khả năng cung ứng vàng trên thế giới. Các nước đều tăng cung tiền để đáp ứng nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế, nhưng lượng vàng dự trữ không thể tăng tương ứng, nên càng khuyến khích nhu cầu đầu cơ vàng. Sức ép phá giá vàng ngày càng tăng và đến năm 1971, Mỹ chính thức tuyên bố từ bỏ hệ thống Breton Woods và thả nổi đồng USD. Vai trò siêu tiền tệ của vàng chấm dứt, các NHTW chấm dứt thời kỳ tăng tích lũy vàng và liên tục giảm dự trữ vàng. Mức dự trữ vàng tại các NHTW chạm đáy năm 2010 (Hình 1).

Vàng là một bộ phận của dự trữ ngoại hối

Từ năm 2008 đến nay, các NHTW trên thế giới tăng dự trữ vàng, nhưng chủ yếu tập trung vào một số nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng 4 nước này đã chiếm 72,1% tổng mức dự trữ vàng tăng thêm trên toàn thế giới lũy kế từ năm 2008 đến tháng 3/2024 (Bảng 1).

Mặc dù một số nước tăng mua vàng dự trữ, nhưng tỷ lệ dự trữ bằng vàng so với tổng dự trữ ngoại hối của các nước này vẫn còn khá thấp. Đến tháng 3/2024, tỷ lệ dự trữ bằng vàng (trên tổng dự trữ ngoại hối) của Trung Quốc là 4,6%; Ấn Độ là 9%; Nhật Bản là 4,7%; Hàn Quốc là 1,8%; Nga là 28,1%; Thổ Nhĩ Kỳ là 37,1%.

Những nước có tỷ lệ dự trữ vàng lớn trong tổng số dự trữ ngoại hối là Mỹ (71,3%), Đức (70,6%), Pháp 68,6%, Ý (67,6%), Hà Lan (60,5%), Venezuela (85,6%) đều bán ròng vàng trong giai đoạn 2008 - 2024, mặc dù mức bán không nhiều. Đến nay, NHTW các nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh chiếm 64% lượng vàng dự trữ trong các NHTW toàn thế giới.

Như vậy, các nước sở hữu đồng tiền mạnh, chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán quốc tế (USD, EUR) vẫn tiếp tục dự trữ ngoại hối bằng vàng, với tỷ lệ cao xấp xỉ 70%. Những nước khác có đồng tiền mạnh, nhưng không chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán quốc tế (Nhật, Thụy Sĩ, Anh, Trung Quốc) vẫn dự trữ ngoại hối chủ yếu bằng các đồng tiền mạnh. Ngay cả Nga, nước có sự chuẩn bị từ rất lâu cho việc đối đầu với phương Tây, duy trì mức dự trữ ngoại hối bằng ngoại tệ hơn 70%, vàng chỉ chiếm khoảng 28%.

Việc dự trữ ngoại hối bằng vàng phải chịu chi phí cơ hội rất lớn, do vàng không sinh lời, trong khi dự trữ bằng các ngoại tệ khác dưới dạng trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng cao đều tạo ra lợi nhuận cho các nước dự trữ. Nhu cầu dự trữ ngoại hối bằng vàng tăng lên gần đây tại một số nước chủ yếu là do ảnh hưởng của yếu tố bất ổn địa chính trị.

Vai trò của vàng ngày nay

Ngày nay, vàng chủ yếu phục vụ cho mục đích phi tiền tệ. Nói cách khác, nó là một dạng hàng hóa phục vụ các nhu cầu như công nghiệp, trang sức. Vàng hầu như không được sử dụng làm phương tiện thanh toán, hay tính toán. Chức năng tiền tệ duy nhất mà vàng vẫn còn được sử dụng là lưu giữ giá trị (Hình 2).

Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ vàng được dự trữ so với sản lượng vàng khai thác trong năm có xu hướng tăng nhẹ từ khoảng 11,7% lên 13,8%. Như vậy, phần lớn vàng khai thác trong năm (khoảng 87%) phục vụ cho mục đích phi tiền tệ, nếu xét trên góc độ từng quốc gia.

Các nước, vùng lãnh thổ có lượng vàng dự trữ nhiều hoặc là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới (năm 2021, Trung Quốc là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, thứ hai là Nga, thứ năm là Mỹ), hoặc là nền kinh tế chuyên buôn bán vàng như Thụy Sĩ (chiếm 21,2% thị phần xuất khẩu vàng năm 2022), Anh (chiếm 6,71% thị phần), Nhật Bản (chiếm 2,28%), Hồng Kông (Trung Quốc, chiếm 2,59%), Singapore (chiếm 2,74%). Những nước xuất khẩu vàng lớn nhất thế giới chủ yếu không sản xuất vàng (trừ Mỹ, Nga, Canada, Australia, Nam Phi). Như vậy, trên thị trường thế giới, vàng mua bán như một loại hàng hóa cơ bản, chứ ít khi được xem như là một dạng mua bán vốn (Hình 3).

Tuy nhiên, nếu xét về nhu cầu lưu giữ giá trị thì xu hướng biến động giá vàng từ năm 2005 đến tháng 4/2024 cho thấy vàng là một dạng dự trữ giá trị rất tốt. Kể từ tháng 1/2005 đến tháng 4/2024, giá vàng tăng bình quân 0,74%/tháng, tương đương 8,93%/năm. Nếu tính từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện (từ tháng 1/2020) đến nay thì tỷ lệ sinh lời bình quân của vàng là 0,8%/tháng, hay 9,58%/năm. Đây là những mức sinh lời rất hấp dẫn so với lãi suất trái phiếu các nước được cho là có rủi ro thấp.

Sau dịch Covid-19, rủi ro trong nền kinh tế thế giới tăng cao, xu hướng toàn cầu hóa chững lại và có xu hướng phân cực, các đồng tiền dự trữ truyền thống như USD, EUR, CHF, JPY, GBP ngày càng rủi ro cao. Nhu cầu về vàng vì thế tăng lên. Đặc biệt, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu bảo đảm tài sản của giới thượng lưu Trung Quốc tăng lên đã làm cho giá vàng tăng liên tục.

Trên thực tế, Trung Quốc là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, đạt khoảng 375 tấn vào năm 2022, nhưng đồng thời cũng là nước nhập khẩu vàng lớn nhất. Năm 2022, nước này nhập khẩu vàng trị giá 67,6 tỷ USD, tương đương 1.160 tấn vàng. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc nhập khẩu vàng với số lượng lớn như vậy nhưng giá vàng tại Thượng Hải năm 2022 vẫn cao hơn giá vàng quốc tế (tại London) khoảng 2%, có những tháng cao hơn gần 5%. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp bán lẻ có quyền bán vàng miếng cho người dân với giá cao hơn giá giao dịch tại sàn vàng Thượng Hải tối đa là 15%.

Như vậy, khi nhu cầu vàng tăng đột biến sẽ kích hoạt hoạt động đầu cơ găm giữ vàng, điều này càng làm cho nhu cầu vàng tăng cao. Nếu NHTW không có các chính sách đủ mạnh để can thiệp thị trường thì giá vàng trong nước sẽ tăng vọt không theo quỹ đạo của giá vàng thế giới.

Với người dân, doanh nghiệp, việc mua vàng chủ yếu nhằm các mục đích: (i) lưu giữ giá trị tài sản; (ii) đầu cơ giá vàng; (iii) làm đồ trang sức; (iv) che giấu nguồn gốc tài sản; (v) linh kiện cho các sản phẩm công nghiệp cao cấp. Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới, trong năm 2023, Việt Nam tiêu thụ khoảng 55,5 tấn vàng; trong đó, 15 tấn phục vụ mục đích làm sản phẩm trang sức. Nhu cầu sử dụng vàng trong công nghiệp của Việt Nam không cao, do các ngành sản xuất Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm sử dụng vàng trong sản xuất.

Về lý thuyết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu vàng trong nước cho trang sức, cho lưu giữ giá trị sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế đang phát triển tốt, rủi ro kinh tế thấp thì người dân chủ yếu dùng tiền để đầu tư các tài sản sinh lời hơn là mua vàng. Rủi ro của nền kinh tế trong nước và thế giới tăng lên thì nhu cầu mua vàng sẽ tăng lên.

Giá vàng tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay có hai giai đoạn tăng mạnh, đó là 2005 - 2011 và từ 2019 đến nay. Giai đoạn 2005 - 2011, giá vàng tăng xuất phát từ ba nguyên nhân chính: giá vàng thế giới liên tục tăng; chịu ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu, tâm lý lo lắng tăng nên nhu cầu lưu giữ tài sản tăng; chịu ảnh hưởng của đợt phá giá tiền đồng năm 2010 (Hình 4).

Giai đoạn 2012 - 2019, giá vàng đi xuống và ổn định theo xu hướng của giá vàng thế giới. Trong giai đoạn này, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã phát huy tác dụng hạn chế các hoạt động đầu cơ vàng. Các ngân hàng thương mại buộc phải đóng trạng thái vàng và dừng kinh doanh vàng tài khoản. Những quy định này làm cho cơ hội sinh lời từ vàng giảm, qua đó làm giảm nhu cầu mua vàng.

Như vậy, nhu cầu mua vàng của người dân để đầu cơ sinh lời theo diễn biến giá thế giới, để lưu giữ tài sản trong thời kỳ kinh tế rủi ro hoặc các kênh đầu tư khác bị hạn chế, còn để làm đồ trang sức là nhu cầu chính đáng, Nhà nước không nên hạn chế. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng để che giấu nguồn gốc tài sản là một vấn đề mới, cần có giải pháp hợp lý ngăn chặn diễn biến này.

Lợi và hại khi NHTW độc quyền kinh doanh vàng

Khi nền kinh tế còn yếu, vàng là một dạng dự trữ ngoại hối quan trọng. Do đó, độc quyền nhập khẩu vàng, cấp phép kinh doanh vàng cho phép NHTW quản lý được nguồn ngoại hối quý giá này. Các chính sách quản lý kinh doanh vàng chặt chẽ cho phép NHTW hạn chế nhu cầu đầu cơ vàng, qua đó khuyến khích người dân sử dụng tiền nhàn rỗi vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác, có tác động lan tỏa cho toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chính sách này ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế (vàng được sử dụng như một loại tiền tệ với đầy đủ ba chức năng thanh toán, tính toán và lưu trữ giá trị), qua đó nâng cao vị thế của bản tệ và hiệu lực của chính sách tiền tệ. Đối với các nước nhập khẩu vàng ròng thì chính sách này còn hạn chế thâm hụt cán cân thanh toán (do nhập khẩu vàng cho tiêu dùng trong nước).

Tuy nhiên, chính sách độc quyền kinh doanh vàng của NHTW cũng có những bất cập ngày càng lớn. Khi kinh tế phát triển đến mức độ nhất định thì nhu cầu mua vàng cho tiêu dùng cá nhân là nhu cầu chính đáng và ngày càng lớn. Việc hạn chế nhập khẩu vàng và cung ứng vàng ra thị trường sẽ làm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, qua đó kích hoạt hoạt động buôn lậu vàng, gây thất thoát không chỉ ngoại tệ mà cả nguồn thu của đất nước.

NHTW độc quyền kinh doanh vàng nên khi nào cần nhập khẩu vàng thì NHTW buộc phải sử dụng dự trữ ngoại hối. Việc sử dụng dự trữ ngoại hối nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường trong nước là không phù hợp với mục đích của dự trữ ngoại hối, gây sự bất định không đáng có cho việc quản lý dự trữ ngoại hối.

Trong bối cảnh nền kinh tế liên tục thặng dư cán cân vãng lai, việc NHTW liên tục mua tăng dự trữ ngoại hối để ngăn ngừa đồng nội tệ lên giá quá nhanh có thể sẽ tạo ra nguy cơ bị quy kết thao túng tiền tệ.

Việc cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng ngoại tệ nhập khẩu vàng đáp ứng nhu cầu trong nước sẽ giảm bớt áp lực mua tăng dự trữ ngoại hối đối với NHTW. Cần lưu ý rằng, việc cho phép người dân lưu giữ tài sản dưới dạng vàng cũng là một hình thức dự trữ ngoại hối ngoài NHTW. Khi NHTW cần ngoại hối có thể huy động nguồn ngoại hối này thông qua các chính sách mua lại vàng của dân.

Hạn chế quyền kinh doanh vàng cũng hạn chế luôn cơ hội phát triển thị trường vàng cho thị trường trong nước và khu vực. Campuchia năm 2022 chỉ xuất khẩu khoảng 22,4 tỷ USD, nhưng đã dùng 10,3 tỷ USD nhập khẩu vàng (khoảng 176,9 tấn, cao hơn 3 lần nhu cầu vàng của Việt Nam cùng năm). Có thể dự đoán rằng, phần lớn vàng nhập khẩu của Campuchia là để phục vụ cho thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Một số ý tưởng chính sách

Quy mô của nền kinh tế Việt Nam ngày nay, cùng với độ mở lớn của nền kinh tế thì nhu cầu được mua vàng như là một kênh đầu tư, lưu giữ giá trị tài sản trong thời kỳ rủi ro là những nhu cầu chính đáng cần được đáp ứng. Vàng ngày nay hầu như không có bản chất tiền tệ (trừ một tỷ lệ nhỏ được các NHTW dự trữ như một dạng ngoại hối), mà chủ yếu là một dạng hàng hóa cơ bản phục vụ mục đích bảo tồn giá trị tài sản, đầu cơ, trang sức, sản xuất công nghiệp… Việc giao cho NHTW độc quyền kinh doanh vàng miếng vào thời điểm này có thể dẫn tới mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của NHTW là “quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối”, “ổn định giá trị đồng tiền”, “bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia”.

Tuy nhiên, với một nền kinh tế mở lớn, dự trữ ngoại tệ chưa cao thì việc tự do hóa hoàn toàn thị trường vàng có thể kích hoạt các hoạt động đầu cơ, gây thất thoát ngoại tệ. Nghiên cứu mới đây của Đại học Fulbright cho thấy mối quan hệ âm giữa tiêu thụ vàng và cán cân thanh toán. Vì vậy, quản lý thị trường vàng khác với các thị trường hàng hóa thông thường khác cũng rất cần thiết. NHTW có thể không cần thiết độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng, nhưng cần thiết phải kiểm soát được lượng nhập khẩu và xuất khẩu định kỳ. Các đơn vị được quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng cần phải khai báo với NHTW về số lượng, đơn giá xuất nhập khẩu. NHTW giữ quyền can thiệp khi việc xuất nhập khẩu có thể gây hại cho nền kinh tế.

Để hạn chế vàng hóa nền kinh tế thì giải pháp cho phép các ngân hàng thương mại kinh doanh vàng tài khoản hoặc chứng chỉ vàng là chưa phù hợp.

Để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân thì mở sàn giao dịch vàng vật lý với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân là rất quan trọng. NHTW vừa là nhà quản lý sàn, vừa là nhà điều tiết giá giao dịch trên sàn, tương tự như thị trường liên ngân hàng. Khi cần tăng cung tiền, hỗ trợ nền kinh tế, NHTW có thể tăng mua vàng trên sàn để huy động nguồn vốn này vào nền kinh tế.

Trước mắt, nếu chưa thành lập được sàn giao dịch thì tổ chức đấu giá vàng là quan trọng, nhưng cần hạ thấp hạn mức tối thiểu để tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư có thể tham gia và hạn chế độc quyền trên thị trường vàng.

Để hạn chế các hoạt động đầu cơ giá vàng, NHTW có thể quy định một khoản phí giao dịch đối với mọi giao dịch mua bán vàng miếng trên thị trường thông qua hóa đơn điện tử. Mức phí này có thể thay đổi theo diễn biến của thị trường.

Ngăn chặn hoạt động mua vàng để che giấu nguồn gốc tài sản là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh buôn lậu vàng dễ dàng thông qua các nước láng giềng hiện nay. Để ngăn chặn được các hoạt động này, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là minh bạch hóa mọi giao dịch mua bán vàng, bắt buộc khai báo số định danh cá nhân trong mọi giao dịch mua bán vàng, có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định kinh doanh mua bán vàng, buôn lậu vàng.

TS. Nguyễn Tú Anh
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục