Giá vàng được bình ổn
Việc bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC của Ngân hàng Nhà nước đã giúp giá vàng giảm và thu hẹp mức chênh lệch so với giá vàng thế giới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước giảm còn do giá vàng thế giới hạ nhiệt. Vàng có thể đã qua thời kỳ sốt nóng, nhưng nhiều khả năng sẽ neo ở mức cao.
“Cần xem nguồn cung vàng hiện tại thông qua các ngân hàng có đủ đáp ứng nhu cầu của người dân hay không”, ông Minh nói.
Ngày 3/6, vàng “bình ổn giá” là 79,98 triệu đồng/lượng, đến ngày 6/6 giảm còn 75,98 triệu đồng/lượng, mức chênh với giá vàng thế giới thu hẹp từ 9 - 10 triệu đồng/lượng xuống 6 triệu đồng/lượng.
Thực tế, không ít người chờ hàng giờ để xếp hàng, lấy số thứ tự nhưng vẫn không mua được vàng “bình ổn giá”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM bày tỏ lo ngại, nguồn cung vàng không đáp ứng được nhu cầu có thể khiến vàng sớm hình thành cơ chế 2 giá. Cụ thể, khi nhu cầu vàng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước không đủ cung ứng cho người dân sẽ tạo ra sự chênh lệch giữa giá vàng trong ngân hàng và giá vàng ngoài thị trường tự do.
“Nếu thị trường không đáp ứng đủ lượng cầu thực tế thì giá vàng trên thị trường tự do sẽ tăng, dù giá vàng trong ngân hàng không tăng”, ông Huân nhấn mạnh.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Hoàng Phương nêu quan điểm, sau khi giá vàng có nhịp tăng dài và mạnh, các ngân hàng trung ương đã có mức dự trữ tốt, lợi nhuận kỳ vọng sắp tới của vàng sẽ không cao. Về cơ bản, giá vàng đã phản ánh các rủi ro ngắn hạn trên toàn cầu, do đó thị trường vàng thế giới sắp tới trở nên khó dự báo hơn. Mức độ biến động giá vàng có thể lớn và không thể kỳ vọng về lợi suất cao như giai đoạn đầu năm.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, vàng là kênh đầu tư mang lại hiệu suất tốt nhất thị trường, với hơn 20%, trong khi con số này ở kênh chứng khoán là 11,7%.
Dự báo dòng tiền
Ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng, sắp tới, dòng tiền có chảy vào kênh đầu tư vàng nữa hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước, nhưng dòng tiền này dự kiến sẽ giảm, nhất là khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có những động thái quyết liệt về việc thanh tra kiểm tra thị trường vàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, vàng sẽ không hút dòng tiền mạnh như đầu năm và không còn sức hấp dẫn cao so với nhiều kênh đầu tư khác. Vàng là nơi trú ẩn vào các thời điểm kinh tế suy thoái, căng thẳng địa chính trị, còn hiện tại, kinh tế đang hồi phục, người dân sẽ chú ý đến các kênh tài sản có rủi ro cao hơn nhằm đạt mức sinh lời cao hơn.
“Đặc biệt, người đầu cơ luôn tìm đến một kênh giúp đồng tiền sinh sôi nảy nở, khi vàng không còn đủ độ hấp dẫn, họ sẽ tìm kiếm kênh khác, có thể hướng đến kênh cổ phiếu”, ông Minh nói.
Nhiều tổ chức nhận định, kinh tế Việt Nam có triển vọng tích cực, hưởng lợi từ xuất khẩu và thu hút FDI. Giai đoạn cuối năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm lãi suất, còn Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất, giúp thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa hai đồng tiền và giảm áp lực tỷ giá. Các doanh nghiệp niêm yết có thể ghi nhận lợi nhuận năm 2024 tăng trưởng 2 con số. Theo đó, thị trường chứng khoán được hỗ trợ và dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài sớm quay trở lại. Đó là chưa kể các yếu tố hỗ trợ khác như hoạt động thoái vốn nhà nước, cơ hội từ nâng hạng thị trường, hệ thống KRX được đưa vào vận hành…
Về các nhóm ngành tiềm năng, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá cao nhóm công nghệ, dịch vụ dầu khí, thực phẩm, bán lẻ, vận tải, xuất khẩu, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản công nghiệp.
Không chỉ kênh chứng khoán, theo ông Minh, dòng tiền có thể phân tán sang kênh tiền số, ngoại tệ.